Thông tin tuyển sinh, tin tức giáo dục & tuyển sinh 2013 được cập nhật liên tục hàng giờ tại Kênh Tuyển Sinh.

Hà Nội là một trong những địa phương có số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất trong toàn quốc.

Tuy nhiên, mặt bằng chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của Thủ đô hiện chưa có sự đồng đều. Chính vì vậy, để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp diễn ra, ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang tích cực, gấp rút chuẩn bị. Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hữu Hoan xung quanh những vấn đề trên.

Không nên học tủ khi ôn thi tốt nghiệp

Không nên học tủ khi ôn thi tốt nghiệp

Bộ GD&ĐT vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay. Đây là thời điểm “nước rút” của các trường và học sinh trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Vậy ngành GD&ĐT Hà Nội đã có sự chuẩn bị ra sao thưa ông?

- Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được ngành GD&ĐT Hà Nội chủ động, chuẩn bị từ đầu năm học. Chúng tôi đã yêu cầu các trường phải xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định. Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, chú ý dạy đủ các tiết thực hành, đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức dự thi.

Đồng thời yêu cầu các trường tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu, kém, học sinh người nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập. Hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt và dành nhiều thời gian cho việc tự học. Phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đặc biệt còn thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những em học lực còn yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.

Đôn đốc việc dạy và ôn thi tốt nghiệp

Khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi, Sở GD&ĐT tiếp tục yêu cầu tất cả các trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trước đó. Đồng thời, Sở GD&ĐT sẽ chia thành nhiều đoàn đến các trường kiểm tra, đôn đốc việc dạy và ôn thi tốt nghiệp... Năm nay Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và có một số sửa đổi, bổ sung nên Sở GD&ĐT HN cũng đã yêu cầu các các trường tổ chức học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia dự thi. Các trường đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp; quán triệt tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia dự thi chấp hành nghiêm túc Quy chế thi để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc...

Kể từ khi sáp nhập Hà Nội và Hà Tây thì mặt bằng chất lượng giáo dục đã có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Ngành giáo dục Hà Nội băn khoăn lo lắng gì trước vấn đề trên và có sự chỉ đạo ra sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế?

- Từ khi sáp nhập, Hà Nội có cả miền núi và nông thôn, mặt bằng chất lượng giáo dục không đồng đều. Những vùng Hà Nội “lõi” và các quận nội thành thì chất lượng giáo dục khá hơn còn đối với nông thôn miền núi thì chưa được đảm bảo. Bản thân các em học sinh ở miền núi, nông thôn cũng có điểm tuyển đầu vào lớp 10 không cao, do đó học lực các em chưa thể tốt bằng các học sinh ở vùng nội thành. Không những thế, trong quá trình học tập, các em còn phải lao động giúp đỡ gia đình, vì vậy không có được nhiều điều kiện thuận lợi để các em học tập...

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, xa tập trung ôn tập cho các em từ sớm. Phải có kế hoạch tăng giờ và phụ đạo cho các em. Sở cũng yêu cầu các trường lên kế hoạch ôn tập thiết thực. Ôn tập không phải là dạy lại cho các em mà là dạy cách hệ thống hóa kiến thức theo từng chương, giúp các em nắm được tổng thể cả chương trình... từ đó giúp các em nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng, đáp ứng được cho kỳ thi tốt nghiệp. Sự chỉ đạo đều hướng tới mục tiêu làm sao để kỳ thi tốt nghiệp đạt được kết quả đồng đều nhất giữa các vùng nội thành và nông thôn miền núi. Làm sao đảm bảo cho các em học sinh vùng nông thôn, vùng núi... có đủ kiến thức tối thiểu để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp.

Hà Nội gần đây đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, siết chặt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Tuy nhiên, trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, những đối tượng học sinh có sức học còn yếu và muốn tăng tốc hơn cho kỳ thi tốt nghiệp thì việc học thêm có cần thiết không thưa ông?

- Để chuẩn bị cho HS thi tốt nghiệp tốt, một số trường vùng nông thôn khó khăn đã chủ động xin giấy phép của Sở GD&ĐT để dạy thêm trong nhà trường và đặc biệt tập trung vào các môn thi tốt nghiệp để nâng chuẩn kiến thức kỹ năng cho học sinh. Việc dạy thêm học thêm trong nhà trường để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp vẫn được chúng tôi tạo điều kiện.

Với 6 môn thi đã được Bộ GD&ĐT công bố, ông có lời khuyên nào với giáo viên và học sinh trong quá trình ôn tập?

- Ngoài 3 môn là Văn, Toán, Ngoại ngữ thì có 3 môn Hóa học, Sinh học, Địa lý. Hóa học và Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm đòi hỏi tất cả giáo viên dạy đầy đủ toàn bộ kiến thức và bám vào chuẩn kiến thức kĩ năng. Các câu hỏi thi tốt nghiệp tự luận hay trắc nghiệm đều kiểm tra trên bình diện kiến thức rộng thế nên học sinh bám chắc được chuẩn kiến thức kĩ năng chắc chắn sẽ làm được bài. Còn đối với môn Địa lý, làm theo phương pháp tự luận nhưng có thực hiện theo đọc Atlat do đó cả học sinh và thầy cô giáo cần chú ý đến kĩ năng đọc bản đồ, từ bản đồ nhận ra kiến thức. Và trong mỗi đề thi bao giờ cũng có từ 3-4 điểm đọc bản đồ ra kiến thức nên giáo viên cần chú trọng hướng dẫn kĩ học sinh khai thác bản đồ thì chắc chắn sẽ được điểm cao.

Đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tồn tại tình trạng học sinh “học tủ”, thậm chí nhiều học sinh còn suy luận năm trước đề thi vào câu này thì năm sau sẽ không ra... Ông có lời khuyên nào cho các em học sinh?

- Trong quy chế thi tốt nghiệp, đề thi tốt nghiệp sẽ trải đều trong chương trình lớp 12, từ bài đầu tiên đến cuối cùng. Và thực tế hiện nay, một bộ đề thi có nhiều câu hỏi ở nhiều phần khác nhau, các câu hỏi thi tốt nghiệp tự luận hay trắc nghiệm đều kiểm tra trên bình diện kiến thức rộng... Vì vậy các em học sinh không nên học tủ, càng học tủ thì nguy cơ “lệch tủ” càng lớn. Nếu kiến thức ôn tập không vào đúng “tủ” thì học sinh hoàn toàn có thể trượt tốt nghiệp. Chỉ có học đều mới giúp học sinh có được kết quả cao trong kỳ thi.

Có một thực tế, đề thi tốt nghiệp được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nhưng nội dung kiến thức vẫn có sự liên thông của lớp 10, 11? Điều này có đáng chú ý thưa ông?

- Trong quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đề thi sẽ nằm trong chương trình THPT và tập trung chủ yếu lớp 12, do đó đối với học sinh đã học tốt chương trình lớp 10, 11 rồi thì cần chú trọng hơn ở lớp 12 và như vậy sẽ làm tốt đề thi. Nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua kiến thức của lớp 10, 11. Nhiều môn khoa học tự nhiên, các kiến thức đều có tính liên thông từ lớp 10, 11, 12. Muốn làm tốt bài thi, học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản của những năm học trước. Quá trình ôn thi nhà trường và học sinh cũng không cần phải dạy, học thêm những nội dung mới, vượt  ra ngoài chương trình.

Học sinh không nên học tủ, càng học tủ thì nguy cơ “lệch tủ” càng lớn. Nếu kiến thức ôn tập không vào đúng “tủ” thì học sinh hoàn toàn có thể trượt tốt nghiệp.

Nhiều môn khoa học tự nhiên, các kiến thức đều có tính liên thông từ lớp 10, 11, 12. Muốn làm tốt bài thi, học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản của những năm học trước.

Theo Báo giáo dục thời đại