Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Nghỉ nhiều hơn học

Y.N và nhóm học sinh (HS) năm 2 ngành dược Trường trung cấp Quang Trung (TP.HCM) cho biết: “Thời khóa biểu của bọn em luôn thay đổi hằng tuần, rất lung tung, lộn xộn. Rất nhiều lần tụi em đi học nhưng lên lớp đợi đến 9 giờ sáng không thấy thầy đến. Hỏi phòng đào tạo thì họ nói chiều học. Đợi đến chiều tụi em lại được báo nghỉ do không có thầy”.
Một học viên khác nói thêm: “Do lịch sắp xếp tuần chỉ học có 1 - 2 buổi nên nhiều bạn tranh thủ về quê trong những ngày không có lịch học. Đang ở quê, lớp trưởng gọi tụi em lên đi học. Tức tốc bắt xe lên thì lại được thông báo nghỉ. Gần đây nhất là dịp lễ, tụi em đang ở quê thì đột xuất được gọi lên để học vào thứ hai nguyên ngày. Ai không có mặt thì sẽ không được thi. Tụi em đi học mà rất bị động, phụ thuộc vào thời gian của thầy cô. Khi lên hỏi phòng đào tạo thì được trả lời là trường xếp lịch học vậy chứ các thầy có sắp xếp dạy được hay không thì chưa biết”. Y.N cũng cho hay đã đóng 15 triệu đồng cho 3 học kỳ ở Trường trung cấp Quang Trung.
Tại Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM, nhiều HS phản ánh trường lớp xập xệ, giáo viên giảng bài qua loa, giờ thực hành thì chỉ học “chay”. “Tụi em rất chán nản nhưng không bỏ học được vì đã đóng học phí 5 triệu đồng/học kỳ”, một học viên ngành dược của trường này buồn bã nói.


Không đủ người dạy mà vẫn tuyển sinh - ảnh 2
Giảng viên có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thiếu, trang thiết bị thì nghèo nàn. Trong khi đó, sinh viên, học sinh vẫn tốt nghiệp ra trường. Liệu chất lượng có được đảm bảo?
Không đủ người dạy mà vẫn tuyển sinh - ảnh 3

PGS-TS Trần Hùng - Trưởng khoa Dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Gì cũng thiếu !

Giải thích về lịch học lộn xộn, thiếu giảng viên, ông Nguyễn Đình Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp Quang Trung, cho biết: “Trường có gần 40 giảng viên dược cơ hữu, cũng mời nhiều thầy cô bên ĐH Y Dược TP.HCM giảng dạy. Ngoài ra còn có những thầy bên đó đã nghỉ hưu. Chỉ có vài buổi giáo viên không sắp xếp được lịch chứ không phải thường xuyên”. Ông Quang thừa nhận thời khóa biểu thay đổi hằng tuần, đa số thứ bảy, chủ nhật mới có lịch học cho tuần tiếp theo. Vậy mà riêng ngành dược của trường này hiện có hơn 1.000 HS.
Một số trường trung cấp khác có đào tạo ngành dược cũng tuyển đến cả ngàn sinh viên, HS trong khi cơ sở vật chất và giảng viên chưa đủ để đáp ứng.
PGS-TS Trần Hùng, Trưởng khoa Dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhìn nhận: “Việc tuyển sinh ồ ạt tất yếu dẫn đến không đủ giảng viên. Các trường chủ yếu mời những cán bộ đã về hưu tại các trường ĐH ngành y dược về làm quản lý kiêm giảng dạy. Bên cạnh đó mời những sinh viên dược mới ra trường, không có chuyên môn cao, không có nghiệp vụ sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy. Hiện các trường ĐH về y dược cũng chỉ đào tạo đủ số lượng giảng viên đáp ứng cho trường họ chứ không có nhiều để cung cấp cho các trường khác”.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, một trường có bề dày kinh nghiệm đào tạo khối ngành sức khỏe, cũng chỉ tuyển 600 sinh viên ngành dược ở cả 3 loại hình đào tạo: chính quy, liên thông và văn bằng hai. Số lượng giảng viên ngành dược là 135, trong đó có 29 giáo sư, phó giáo sư, 28 tiến sĩ, 63 thạc sĩ và 17 dược sĩ. Ngoài ra, có tới 14 phòng thí nghiệm cho 14 bộ môn về dược.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH, CĐ, TC cũng trang bị phòng thí nghiệm nhưng chủ yếu là những vật dụng cơ bản như ống nghiệm, chai lọ, kính hiển vi... Máy móc chuyên sâu hầu như không có.

Một giảng viên ngành dược thuộc ĐH Y Dược TP.HCM thông tin thêm: “Chỉ một số ít thầy trong khoa dược sắp xếp được thời gian mới đi thỉnh giảng. Do đó, giảng viên cơ hữu có chuyên môn cao, có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường ngoài công lập sẽ không nhiều nếu không muốn nói là thiếu. Những dược sĩ trẻ mới ra trường thì được mời làm giảng viên cơ hữu ở nhiều trường ĐH, CĐ, TC trong khi muốn dạy thì phải là thạc sĩ, có nghiệp vụ sư phạm”.
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), khoa dược chỉ có 40 cán bộ cơ hữu mà đào tạo tới 4 loại đối tượng: ĐH, CĐ, CĐ thực hành, TCCN với hàng ngàn sinh viên, HS. Trong đó chỉ có 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ.
Trước thực trạng chung, PGS-TS Trần Hùng lo ngại: “Giảng viên có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thiếu, trang thiết bị thì nghèo nàn. Trong khi đó, sinh viên, HS vẫn tốt nghiệp ra trường. Liệu chất lượng có được đảm bảo?”.
Không đúng quy định
Bộ GD-ĐT quy định, để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy ĐH, CĐ, TCCN, số sinh viên, HS trên một giảng viên, giáo viên quy đổi đối với nhóm ngành y dược như sau: Bậc ĐH không quá 10 sinh viên/giảng viên, CĐ không quá 15, TCCN không quá 20. Tuy nhiên, thực tế ở các trường, đặc biệt các trường TC, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với quy định.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-du-nguoi-day-ma-van-tuyen-sinh-567356.html