Sự kiện: Tuyển sinh điểm thi đại họcđiểm chuẩn đại học

Từ việc áp dụng không cho điểm và tăng cường nhận xét trong đánh giá đối với học sinh lớp 1 thực hiện năm học trước, dự kiến năm học 2014-2015 Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đổi mới đánh giá đối với học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 theo hướng này

Nhiều kênh đánh giá thường xuyên

Theo dự thảo quy định, việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học sẽ không sử dụng phương thức cho điểm. Giáo viên căn cứ vào mục tiêu bài học, hoạt động giáo dục để quan sát, theo dõi, đối thoại, phỏng vấn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh. Giáo viên nhận xét trực tiếp bằng lời hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về mức độ hiểu biết, khả năng thao tác, vận dụng, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp giúp học sinh khắc phục nhược điểm, khuyến khích sự tiến bộ trong quá trình học của học sinh.

Việc đánh giá thường xuyên, ngoài kênh nhận xét của giáo viên có kênh nhận xét của học sinh với học sinh, cha mẹ học sinh với con cái. Hằng tuần hoặc tháng, giáo viên tổng hợp nhận xét của mình gửi cha mẹ học sinh để cùng phối hợp giúp đỡ, khích lệ học sinh.

Sắp công bố quy đinh mới về đánh giá học sinh tiểu học

Sắp công bố quy đinh mới về đánh giá học sinh tiểu học

Việc đánh giá học sinh phải toàn diện thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, qua thái độ, phẩm chất học sinh... Ông Định nhấn mạnh trong đánh giá thường xuyên không được so sánh học sinh này với học sinh khác, giáo viên không được tạo áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh. Nhà trường không tạo áp lực cho giáo viên theo hướng chạy theo thành tích.

Bỏ kiểu giáo dục “đồng loạt”

Ông Định cũng cho hay việc đổi mới đánh giá sẽ không áp dụng các tiêu chí mang tính “đồng loạt” với mọi học sinh mà thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải theo sát và khuyến khích, khen ngợi học sinh theo khả năng từng em. Ví dụ có em giỏi toán, có em giỏi tiếng Việt, có em giữ gìn vệ sinh tốt, tham gia biểu diễn văn nghệ... Việc “không chấm điểm, tăng nhận xét” sẽ giúp giáo viên có cơ hội khích lệ và có những nhận xét, góp ý cụ thể với mỗi học sinh.

Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định kỳ, Bộ GD-ĐT vẫn dự kiến quy định cho điểm bài kiểm tra định kỳ theo thang điểm 10, nhưng không cho phép cho điểm 0 và điểm thập phân. Bài kiểm tra định kỳ cũng vẫn phải nhận xét kỹ lưỡng, góp ý cho học sinh, nghiêm cấm bài kiểm tra chỉ cho điểm, không có nhận xét. Hiệu trưởng phải chỉ đạo giáo viên tổ chức tổng hợp đánh giá quá trình phát triển năng lực, phẩm chất, ý thức của học sinh vào cuối học kỳ, cuối năm theo mức “đạt” và “chưa đạt”

Về tình trạng nhiều trường THCS ở thành phố đặt ra quy định “năm năm học sinh giỏi” trong tuyển sinh là nguyên nhân chính gây áp lực chạy theo danh hiệu ở tiểu học, ông Phạm Ngọc Định cho biết Vụ Giáo dục tiểu học sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo để có những quy định đổi mới ở cấp học tiếp theo, nhằm thay đổi đồng bộ, tránh tình trạng “gây áp lực về thành tích, danh hiệu” như thực tế đã có ở nhiều địa phương.

Theo Tuổi trẻ, http://tuoitre.vn/giao-duc/617462/d%C3%A1nh-gi%C3%A1-h%E1%BB%8Dc-sinh-ti%E1%BA%BBu-h%E1%BB%8Dc-khong-ch%C3%A1m-di%E1%BA%BBm-tang-nh%E1%BA%A1n-x%C3%A9t.html