>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, nguyện vọng 2

Tỉ lệ chọi trong xét tuyển ở khối kinh tế rất cao trong khi khối sư phạm chỉ tiêu ít nhưng hồ sơ nhiều

Sau một tuần nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, Trường ĐH Sài Gòn đã nhận được trên 5.000 hồ sơ, Trường ĐH Hoa Sen nhận được 2.800 hồ sơ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng trên 3.000 hồ sơ… Số lượng hồ sơ tập trung nhiều vào khối ngành kinh tế và sư phạm.

Hút thí sinh điểm cao

Năm nay, rất nhiều trường có chỉ tiêu xét tuyển vào khối ngành kinh tế. Trường ĐH Mở TP HCM xét tuyển 680 chỉ tiêu thì khối ngành kinh tế đã chiếm một nửa. Trong đó ngành tài chính ngân hàng 100 chỉ tiêu. Sau 4 ngày xét tuyển, rất nhiều hồ sơ điểm cao tập trung vào khối ngành kinh tế. Ở ngành tài chính ngân hàng, dù mức điểm nhận hồ sơ là 16,5 nhưng có khá nhiều thí sinh (TS) đạt từ 19-22,5 điểm tham gia xét tuyển. Ngoài ra, các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, kế toán cũng thu hút nhiều hồ sơ với mức điểm cao.

điểm chuẩn nguyện vọng 2

Trường ĐH Tài chính - Marketing đã nhận được trên 1.500 hồ sơ, trong đó tập trung nhiều nhất vào ngành quản trị nhà hàng với trên 700  hồ sơ, kế đến là ngành quản lý kinh tế, tài chính công, thẩm định giá với mức 120-200 hồ sơ/ngành. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TS đạt điểm cao cũng tập trung vào khối ngành kinh tế như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, nhiều TS đạt từ 16,5-20,5 điểm xét tuyển vào các ngành này.

Tại Trường ĐH Hoa Sen, hồ sơ tập trung nhiều vào ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, marketing, kế toán với 300-500 hồ sơ/ngành; ngành hệ thống thông tin quản lý, quản trị nhân lực, quản trị khách sạn cũng thu hút nhiều hồ sơ. Nhiều hồ sơ đạt từ 16 điểm trở lên. Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển 120 chỉ tiêu ngành tài chính ngân hàng với mức điểm 17,5. Mức điểm xét tuyển khá cao nên đến thời điểm này vẫn còn ít TS xét tuyển.
Trường ĐH Cần Thơ đã nhận trên 5.500 hồ sơ, trong đó ngành kinh doanh thương mại chỉ tuyển 40 chỉ tiêu mà hiện đã có 409 hồ sơ; quản trị kinh doanh có 40 chỉ tiêu, hiện có 345 hồ sơ. Với tỉ lệ chọi khoảng 1/100, dự kiến điểm chuẩn các ngành này sẽ rất cao.
Ít cơ hội vào sư phạm

Trong khi đó, hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Sài Gòn tập trung chủ yếu vào ngành khối sư phạm. Trong đó ngành giáo dục tiểu học bậc CĐ thu hút rất nhiều hồ sơ. Ngoài ra, các ngành sư phạm toán học, vật lý, hóa học hệ CĐ cũng được nhiều TS lựa chọn. Hệ ĐH trường chỉ tuyển NV bổ sung gồm 3 ngành sư phạm là sinh học, lịch sử, địa lý, mỗi ngành chỉ 10-15 chỉ tiêu, tuy nhiên số hồ sơ các ngành này cũng đã lên vài trăm.

Trường ĐH Sư phạm TP HCM chỉ tuyển hệ sư phạm ngành sư phạm tin học, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục chính trị, tuy nhiên, hồ sơ vào các ngành khối sư phạm khá cao. Tại Trường ĐH Cần Thơ, hệ sư phạm chỉ tuyển một ngành là sư phạm tiếng Pháp với 40 chỉ tiêu nhưng hiện đã có 189 hồ sơ. Tại trường ĐH này, các ngành nông lâm ngư dự kiến có sự cạnh tranh cao khi mỗi ngành có từ 300-500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 30-120. Trường ĐH Sư phạm Huế chỉ tuyển NV bổ sung gồm 3 ngành là giáo dục chính trị, sư phạm tin học, tâm lý giáo dục, trong khi lượng hồ sơ đã vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Đại diện các trường cho rằng năm nay khối sư phạm rất hút TS, nguyên nhân do có sự dịch chuyển từ TS khối ngành kinh tế sang, vì vậy dự kiến nhiều ngành khối sư phạm sẽ có điểm chuẩn cao.

Nhiều hồ sơ không hợp lệ

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, đến ngày 27-8 đã nhận 36 hồ sơ không hợp lệ. Lỗi chủ yếu là TS đăng ký ngành mà trường không xét tuyển, TS không đủ điểm xét tuyển, không đăng ký rõ mã chuyên ngành, đăng ký sai ngành xét tuyển, phiếu điểm photocopy… Đại diện các Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM… cho biết nhận được nhiều hồ sơ không hợp lệ. Do vậy, TS cần cẩn trọng trong việc khai hồ sơ, tránh sai sót và mất cơ hội trong xét tuyển.

Theo Thùy Vinh, Báo NLĐ