Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOCTI LE CHOI

Tin liên quan:

> Hồ sơ thi khối C đếm trên đầu ngón tay

>> Khối C èo uột dưới góc nhìn của xã hội

>>> Khối C trên bờ vực thẳm

 

Trong kỳ thi đại học, cao đẳng những năm gần đây, lượng thí sinh dự thi vào các ngành khoa học xã hội giảm mạnh. Theo thống kê, hồ sơ đăng ký thi vào các ngành khoa học xã hội (khối C) hai năm trở lại đây chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Điều này khiến cho dư luận lo ngại về nguồn lực của ngành khoa học xã hội trong tương lai. Phải chăng xu thế hiện nay cho thấy các ngành nhân văn đã quá lỗi thời và không còn cần thiết cho thế kỷ 21 này nữa?

Khối C tiếp tục “rớt”!

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 đã được khởi động với việc hồ sơ dự thi của các thí sinh đã được chuyển về các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội ngày 10/5, và tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 12/5. Số lượng hồ sơ dự thi tuy có giảm so với năm ngoái, song điều đó không đáng lo ngại bằng xu hướng “quay lưng” với các ngành học xã hội nhân văn chưa dừng lại. Và hậu quả nhãn tiền là sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực khoa học xã hội và dư thừa, lãng phí nhân lực các ngành kinh tế tài chính.

Khối C thất sủng, các ngành nhân văn, tuyển sinh, thông tin tuyển sinhm ngành khối C, ngành khó xin việc, ngành dễ xin việc, ngành hot, ngành lương cao

Thạc sỹ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, hướng chọn nghề của thí sinh hiện nay đã mang tính thực dụng hơn. Tính lý tưởng trong nghề nghiệp không còn được coi trọng nữa. Xu thế lựa chọn nghề nghiệp của các bậc phụ huynh và học sinh hiện nay thường là đảm bảo được công ăn việc làm sau khi ra trường. Suy nghĩ này khiến lượng hồ sơ dự thi được nộp vào khối A, B sẽ cao hơn. Do ngày càng ít thí sinh ĐKDT khối C dẫn đến nhiều trường giảm quy mô hoặc bỏ các chuyên ngành đào tạo môn xã hội. Nắm được xu hướng của thí sinh nên ngay cả nhiều trường đại học khối xã hội năm nay cũng mở thêm ngành khối A để hút thí sinh. Như Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh thêm khối A cho 3 ngành học là Quan hệ công chúng và quảng cáo, Kinh tế chính trị và Xã hội học. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội có 12/18 ngành đào tạo có tuyển sinh khối A. Đại  học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM từ vài năm nay đã tuyển sinh khối A cho 5 ngành học. Năm nay nhà trường bổ sung khối A1 cho 5 ngành này, đó là Triết học, Địa lý học, Xã hội học, Khoa học thư viện và Quy hoạch vùng và đô thị...

Vì đâu nên nỗi?

Theo một số nhà khoa học phân tích, sự thất thế của khối C có nguyên nhân từ việc chúng ta để mất cân đối nhóm ngành từ khâu quản lý vĩ mô, trong đó có việc tăng vô tội vạ chỉ tiêu cho nhiều trường đại học, trong đó có đào tạo nhiều nhóm ngành kinh tế.

 

Năm 2011, Trường ĐH Sài Gòn dự kiến thêm 1.550 chỉ tiêu, trong đó chỉ tính riêng các chuyên ngành về kinh tế ở bậc ĐH tăng thêm 530 chỉ tiêu và tăng 250 chỉ tiêu bậc CĐ. ĐHQG TP. HCM có 6 trường thành viên đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2011, trong đó tăng chỉ tiêu nhiều nhất là Trường ĐH Kinh tế - Luật với 110 chỉ tiêu. Tại các trường ĐH vùng khác như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên cũng đồng loạt tăng chỉ tiêu với mức tăng 5-10%, trong đó nhóm ngành kinh tế chiếm đến hơn 70%. ĐH Huế dự kiến tuyển trên 11.000 chỉ tiêu, tăng học sinh khu vực nông thôn với kết quả học tập tương đối thấp, nên kết quả thi của khối C khá thấp".

 

Không ít trường đã mạnh dạn "khai tử" một số chuyên ngành như ĐH Văn Hiến TP. HCM thông báo sẽ không tuyển hai ngành Văn hóa học và Việt Nam học vì liên tục ba năm nay, hai chuyên ngành này chưa tới 20 thí sinh đăng ký học. ĐH Đà Nẵng ngừng tuyển sinh ngành sư phạm giáo dục đặc biệt (chuyên ngành giáo dục hòa nhập bậc tiểu học) và sư phạm giáo dục thể chất - giáo dục quốc phòng. Trường ĐH An Giang sẽ không tuyển các ngành: sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp. Nhiều trường ĐH còn cắt giảm chỉ tiêu ở những ngành khó tuyển sang những ngành kinh tế được thí sinh ưa chuộng. Có những ngành như Tâm lý ở ĐH Văn Hiến, chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu dù chỉ tiêu chỉ có 70 sinh viên...

 

Câu hỏi đặt ra là, khi cho các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh mạnh như vậy, Bộ GD&ĐT có tính đến cán cân đào tạo nhân lực trong xã hội sẽ mất thăng bằng nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của các nhóm ngành khoa học xã hội hay không?

Hệ quả được báo trước

Không thể trách thí sinh hay phụ huynh bởi khi chọn trường nộp hồ sơ, họ đã cân nhắc kỹ và chọn theo nhu cầu thị trường. Nhất là hiện nay, mức lương trong ngành kinh tế vẫn là những con số hấp dẫn. Thêm vào đó, từ xu hướng xã hội đang có sự phân hóa giữa khối ngành kinh tế so với khối ngành xã hội, nên khi lên phương án tuyển sinh, các trường đều mở thêm khối ngành kinh tế. Đây là một xu thế hợp thời, nhưng ở một khía cạnh khác thì đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho khối C "chạm đáy".

 

Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH diễn ra vào tháng 2 vừa rồi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ GD&ĐT xem lại nguyên nhân của sự lệch lạc khối ngành tuyển sinh, nhanh chóng làm rõ vì sao trong những năm gần đây có tới 60% các trường ĐH, CĐ tuyển sinh khối ngành kinh tế. Nếu kéo dài trong nhiều năm nữa, khối ngành kinh tế sẽ bão hòa, sinh viên ra trường khó xin việc. Sự dư thừa nguồn lực khi đó cũng sẽ là một gánh nặng cho xã hội.

 

Khối C "chạm đáy", hệ lụy sâu xa là sự suy thoái các giá trị nhân văn. Nguyên nhân đã rõ, nhưng giải pháp vẫn chỉ… nằm trên giấy. Trong khi đòi hỏi của thực tế vẫn rất cấp thiết khi ngành xã hội học, lưu trữ, công tác xã hội, nhân học, tâm lý học… đang khát nhân lực. Những gì đang diễn ra trong kỳ tuyển sinh năm 2012 này cho thấy, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng là việc không thể chậm trễ, trì hoãn thêm.

 

Nhà nước, với hai công cụ quan trọng là chính sách và nguồn lực vật chất, sẽ đóng vai trò đầu tầu trong việc trả lại sự hấp dẫn cho các ngành khoa học xã hội nhân văn. Chỉ có đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, con người, chính sách đãi ngộ cho các ngành này, thì mới hy vọng dần dần khắc phục được sự mất cân đối hiện nay.

 

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Các môn xã hội nhân văn góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Dù học bất cứ ngành nào, sinh viên cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản về xã hội, nhân văn. Vì vậy trong nền giáo dục hiện đại, những kiến thức xã hội nhân văn không những không bỏ mà cần được tăng cường giảng dạy cho sinh viên của tất cả các ngành.

 

Trong lộ trình đổi mới tuyển sinh sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu cách thi để sao cho các ngành xét tuyển đều có sự tích hợp ít nhiều kiến thức xã hội nhân văn. Nghĩa là kiến thức xã hội nhân văn không chỉ giới hạn cho những sinh viên theo khối C như hiện nay mà cho sinh viên của tất cả các khối. Điều này liên quan đến việc đổi mới cách học và cách dạy ở bậc phổ thông trong thời gian sắp tới.

Tin liên quan đến xét tuyển:

 

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: Congluan)