Phương án 2 điểm sàn đại học không khả thi

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án dự kiến 2 mức điểm sàn cho kỳ thi CĐ-ĐH năm nay, nhiều chuyên gia giáo dục và thầy cô giáo đã lập tức lên tiếng. Không ít ý kiến thẳng thắn bày tỏ quan ngại, lo lắng cho chất lượng đầu vào của một số trường tốp dưới vốn đã yếu nay lại càng thêm thê thảm.

Thậm chí coi đây là một bước thụt lùi trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, vì thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn thêm 2 điểm (từ 13-14 điểm xuống 11-12 điểm) dẫn đến tình huống chỉ 3 điểm/môn cũng đỗ ĐH nếu tính cả điểm ưu tiên, vùng miền. Ngay cả Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập Trần Hồng Quân cũng cho rằng, đây là một chủ trương hơi... lạ và không hợp lý.

Sau công bố của Bộ GD&ĐT về các loại điểm sàn trên, điểm sàn dưới và cả điểm sàn “đáy” (điểm thi tốt nghiệp THPT), lần đầu tiên sau nhiều năm phổ điểm bình quân của thí sinh ĐH được công khai.

Nhìn vào con số thống kê này qua các năm 2010, 2011, 2012 mới biết rằng: Điểm bình quân của hơn 1 triệu thí sinh thi ĐH trên cả nước chỉ 11-12 điểm tùy từng khối; và số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn luôn vượt gấp rưỡi chỉ tiêu: Năm 2010 vượt 135.838 thí sinh, năm 2011 vượt 148.651 và năm 2012 vượt 141.550.

Câu hỏi về thí sinh thi đại học

Vậy hơn 100 ngàn thí sinh trên đi đâu mà Bộ GD&ĐT phải tính chuyện hạ điểm sàn? Nghịch lý này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì sao đa số các trường ĐH ngoài công lập, các trường tốp dưới vẫn không tuyển được sinh viên, trong khi cả trăm ngàn thí sinh đủ điều kiện vẫn không chịu nhận lời mời (với đủ chiêu khuyến mại) của họ?

Câu trả lời ở đây là thừa vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu! Nghĩa là gần nửa triệu thí sinh đạt trên điểm sàn hằng năm vẫn có sự chọn lựa của riêng cho mình: Thà trượt chứ không chịu vào các trường top dưới! Việt Nam hiện có trên 400 trường ĐH-CĐ, trong đó có hơn 80 trường ngoài công lập, so với 90 triệu dân chưa phải là nhiều.

Song điều đáng lo ngại là chỉ trong thời gian ngắn mà hầu như tỉnh nào cũng có trường ĐH, thậm chí tỉnh nhỏ như Nam Định cũng có tới 3 trường, đa phần được đôn lên từ cao đẳng. Như vậy, cho dù các trường có “kêu cứu” tới đâu đi chăng nữa, chỉ chất lượng đào tạo, thương hiệu của chính ngôi trường đó mới thu hút được thí sinh, mới cứu được họ mà thôi.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính nhận định trên Tuổi Trẻ: “Bộ có hạ sàn xuống nữa, kể cả mức 6-8 điểm/thí sinh cũng không chắc các trường đang khó sẽ hết khó ngay”!

Chuyện cả ngàn cử nhân phải làm việc của công nhân tại một nhà máy ở Đà Nẵng là hệ quả buồn của chất lượng đào tạo ĐH nước nhà. Một nền giáo dục - đào tạo vẫn loay hoay chạy theo số lượng, thành tích hoặc bất cứ áp lực nào khác mà quên mất tiêu chí số 1 là chất lượng, nền giáo dục đó sẽ chỉ cho ra lò những “sản phẩm” kém chất lượng mà thôi. Việc tiếp tục hạ điểm sàn chả khác nào hành động “gọt chân cho vừa giầy”.


Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, người luôn đấu tranh để “mở đường” cứu các trường này không nhất trí với phương án 2 điểm sàn .

“Đây là một cách để cứu các trường tốp dưới không tuyển sinh được, đỡ phải vận dụng quy chế về tuyển sinh cho các trường ở vùng sâu vùng xa. Những trường có thương hiệu sẽ không tuyển sinh viên có điểm bằng đến điểm sàn (ĐS) dưới”.

Đó là lời khẳng định của ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐHDL Thăng Long (Hà Nội). “Đây là cách cứu trường không hay!” - ông Phú khẳng định:

Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập (NCL) cho biết, phía Hiệp hội không đề nghị như thế cho các trường NCL mà tự Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương này.

Ông nói: “tôi thấy chủ trương này hơi ...lạ vì ĐS chỉ có 1? Đã có ĐS dưới thì điểm trên đó làm sao được gọi là ĐS nữa! Bản thân một cuộc thi có ĐS đã là không hợp lý, 2 ĐS lại càng... không hợp lý!”.

Miêu tả chất lượng của các trường tư thục, bà Nguyễn Thi Quy, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, nay là giảng viên của trường nói: Các trường tư thục đang kêu gào về tuyển sinh và chịu áp lực rất lớn trong việc tuyển đủ người học. Chênh nhau 2 điểm giữa ĐS trên và ĐS dưới là còn ít đối với các trường tốp dưới. Do chất lượng thí sinh, đối với các trường phải có điểm ĐS “mở” hơn chút nữa: ĐS dưới thấp hơn ĐS trên 3 điểm chẳng hạn! Theo bà Quy, nếu cứ để như hiện nay thì các trường này vẫn chỉ tuyển được 20-30 sinh viên mà thôi.

Về giải pháp cho các trường này, ông Phan Huy Phú đề xuất: Bộ GD&ĐT có thể điều chỉnh độ khó dễ của đề thi và ba rem điểm cho phù hợp với khoảng cách của điểm thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH.

Thực tế, có những thí sinh thi THPT đạt 8-9 điểm còn thi ĐH chỉ đạt 1-2 điểm. Để làm được điều này, ông Phú đề nghị Bộ GD&ĐT đưa thêm giáo viên phổ thông vào đội ngũ làm đề thi tuyển sinh.

Ông Trần Hồng Quân thì đề nghị: Bộ GD&ĐT thực hiện theo đúng luật Giáo dục ĐH và cho phép các trường NCL tự quyết định tuyển sinh và đào tạo như các trường quốc tế ở Việt Nam, không cần tuyển sinh ba chung như các trường ĐH trong nước.

 

Bạn muốn biết về:

Tuyển sinh 2013: dự kiến sẽ hạ điểm sàn những ngành khó tuyển

Điểm sàn đại học khối A và khối A1 từ năm 2009 đến năm 2013

Điểm sàn khối D

 

 

Tin bài gốc: tienphong

Kenhtuyensinh

Theo: tienphong