Sự kiện: Sau đại học / tuyển sinh thạc sĩ / học thạc sĩ / học mba

Khi thạc sĩ bán hàng đa cấp

Cách đây không lâu, P. - cô bạn học với tôi hồi phổ thông, hiện đã có bằng thạc sĩ một chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - điện thoại hẹn mời tôi uống cà phê để trò chuyện.

Bạn bè lâu ngày gặp nhau nhưng chuyện thăm hỏi, hàn huyên bỗng dưng bị “loãng” vì mục đích chính mà P. hẹn tôi là để mời gia nhập mạng lưới bán hàng đa cấp. Tôi đành cảm ơn P. và từ chối khéo rằng tôi “đang rất bận” và “chưa sẵn sàng”.

Tiếp sau đó, tôi lại nhận được cuộc điện thoại khác của một người quen thời học chung cao học.

Và lần này cũng vậy, trọng tâm của cuộc gặp giữa bạn và tôi không phải là chuyện thăm hỏi nhau hoặc trao đổi gì mang tính chất chuyên môn, học thuật, mà là bạn muốn tôi tham gia đội ngũ nhân viên tư vấn bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm để tăng thêm thu nhập.

Thông qua kênh bạn bè, tôi biết cả hai người bạn của tôi sau khi tốt nghiệp đại học không xin được việc làm đúng chuyên ngành, nên phải làm các công việc trái với chuyên ngành mình đã học. Với hi vọng tìm được việc làm đúng chuyên ngành đã được đào tạo, hai người bạn của tôi đều chọn con đường học lên cao để tìm việc làm cho phù hợp. Vậy mà hơn một năm sau khi tốt nghiệp cao học, bạn tôi vẫn chưa tìm được việc như mong muốn. Họ đành chọn các công việc nói trên như là lựa chọn tình thế.

Những trường hợp tương tự bạn tôi không phải hiếm và trong tình cảnh đó, nhiều người vẫn phải tìm mọi công việc có thể để duy trì cuộc sống bản thân cũng như gia đình họ. Mới đây đã có thông tin Thanh Hóa, Nghệ An - những cái nôi hiếu học nổi tiếng ở miền Trung - đang “ế” gần 37.000 lao động có trình độ từ trung cấp trở lên, và tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác.

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước là một trong những mục tiêu hàng đầu của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, tâm lý “phải học đại học”, “học trước, tìm việc sau” đã bám rễ sâu trong nhiều thế hệ người Việt, dẫn đến việc thiếu định hướng nghề nghiệp ở một số học sinh, sinh viên hiện nay. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nguyện vọng cho “con mình học đại học” của đông đảo phụ huynh, nhiều trường đã mở ngành, nghề tràn lan, không theo xu hướng phát triển, nhu cầu chung của xã hội nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm ngày càng cao cũng là điều dễ hiểu.

Và trong giai đoạn khủng hoảng, kinh tế khó khăn, câu chuyện sinh viên ra trường không tìm được việc làm, làm việc trái ngành nghề vốn đã là đề tài cũ rích lại đang xuất hiện trầm trọng hơn. Những câu chuyện như của bạn tôi, của những sinh viên ra trường vẫn đang tiếp tục con đường tìm việc cho thấy thực tế trên một bình diện nào đó, xã hội hiện nay đang có sự dư thừa nguồn lao động chất lượng cao. Một mùa thi cử lại sắp bắt đầu, nếu không tăng cường khâu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, không có sự bố trí, sắp xếp, phân bổ chỉ tiêu ngành nghề một cách hợp lý, chắc chắn sự lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên trầm trọng.

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Tuổi Trẻ - Xem tin gốc )