Kết cấu bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN

ĐHQGHN từng phối hợp với Trường THPT Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức thi thử bài thi đánh giá năng lực chung để giúp các thí sinh làm quen với dạng thức của bài thi này vào ngày 14/3

Trao đổi với báo giới chiều ngày 28/5, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH Chính quy ĐHQGHN cho biết, tổng số 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Cụm Hà Nội là nhiều nhất với 32838 em.

Cùng đó, đại diện ĐHQG Hà Nội cũng khẳng định mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn thành từ khâu chuẩn bị, thẩm định và thử nghiệm bộ đề thi cho tới việc tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ coi thi.

Theo ông Sơn, để sẵn sàng cho đợt 1 kỳ thi này, ĐHQGHN đã huy động nhân lực cho thi đánh giá năng lực là 1007 cán bộ/1 ca, cho thi Ngoại ngữ là 698 cán bộ. Tổng số máy tính sử dụng cho kỳ thi là 7497. Tổng số phòng thi Ngoại ngữ là 436 và số phòng thi ĐGNL là 196.

Nhiều thí sinh lo lắng khi chỉ có nguyện vọng tham dự bài thi đánh giá năng lực và không đăng ký thi ngoại ngữ nhưng giấy báo dự thi lại báo thi cả 2 bài thi đánh giá năng lực và ngoại ngữ; Hoặc đăng ký nhầm thêm bài thi ngoại ngữ thì nếu không thi ngoại ngữ có ảnh hưởng đến kết quả hay không? Ông Sơn cho biết: “Ngoài bài thi đánh giá năng lực thì thí sinh muốn vào trường ĐH Ngoại ngữ- ĐHQGHN thì cần thi thêm bài thi đánh giá ngoại ngữ. Bài thi ngoại ngữ này sẽ được tổ chức vào các buối sáng đầu mỗi đợt thi.

Các em thi ngoại ngữ sẽ được bố trí thi đánh giá năng lực vào các buổi khác (đã được thông báo). Trong quá trình đăng ký có thể các em ấn nhầm đăng ký cả hai thì giấy báo sẽ báo cả hai. Tuy nhiên, đây là 2 bài thi hoàn toàn độc lập về kết quả, các bạn thực sự không có nguyện vọng có thể không thi cũng không làm sao và không ảnh hưởng tới kết quả bài thi đánh giá năng lực”.

Đại diện ĐHQGHN cũng lưu ý với thí sinh một số điều quan trọng trong kỳ tuyển sinh 2015 sau:

Thứ nhất, thí sinh đăng nhập tài khoản (phiếu tài khoản được phát tại phòng thi) để thực hiện làm bài thi trên máy tính. Thí sinh được tự do lựa chọn phương án lựa chọn (với các câu hỏi lựa chọn) hay nhập lại giá trị tính toán (đối với các câu hỏi điền giá trị) trong thời gian làm bài của từng phần thi.

Thí sinh không thể cố tình làm lại bài thi từ đầu, chẳng hạn bằng cách đăng nhập lại từ đầu hoặc bằng bất cứ cách nào. Trong khi thi, nếu thí sinh gặp sự cố về máy tính hay những bất thường khác cần phải báo ngay cho Cán bộ coi thi. Trước khi ra khỏi phòng thi thí sinh phải nộp lại phiếu tài khoản và ký vào danh sách phòng thi.

Thứ hai, thí sinh có mặt tại địa điểm thi trước giờ thi ghi trên giấy báo dự thi ít nhất 30 phút. Khi đến dự thi thí sinh phải mang theo Chứng minh nhân dân và Giấy báo dự thi.

Thứ ba, danh sách các máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt) mà thí sinh được phép mang vào phòng thi bao gồm: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus; VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II; Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES plus function; VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon F-788G, F-789GA; và các máy tính tương đương.

Thứ tư, hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh gồm phiếu ĐKXT, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có), một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh. Lệ phí đăng ký xét tuyển là 30.000 đồng/hồ sơ. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 8/6/2015 đến 16h30 ngày 25/6/2015 (đợt 1), từ ngày 10/8/2015 đến 16h30 ngày 25/8/2015 (đợt 2).

Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong ĐHQGHN. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung.

Bài thi đánh giá năng lực là hướng đi mới mà ĐHQGHN bắt đầu triển khai từ năm 2015. Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.

Với bài thi đánh giá năng lực, mỗi thí sinh sẽ làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.

Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% Kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% Kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% Kiến thức trong chương trình lớp 12.

Phần bắt buộc gồm 2 phần: Tư duy định lượng và tư duy định tính.

Phần 1: Tư duy định lượng (Kiến thức Toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số.

Phần 2: Tư duy định tính (Kiến thức Ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn.

Phần tự chọn: Thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung.

Kiến thức Khoa học Tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Kiến thức Khoa học Xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung trên. Sau thời gian 2 phút nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút.

Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm.

Theo Infonet, tin gốc: http://infonet.vn/ket-cau-bai-thi-danh-gia-nang-luc-cua-dhqghn-post165428.info

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, tra điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia