Hướng phát triển mới cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập

Trong bối cảnh chung của yêu cầu phát triển giáo dục đại học (ĐH), hệ thống các trường ĐH ngoài công lập (NCL) đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách về cơ chế, chính sách và kể cả quan điểm nhìn nhận đánh giá vai trò, hiệu quả, phương thức hoạt động.

Bên cạnh đó, hiện đã bộc lộ một số sự kiện, hiện tượng bất cập, tuy riêng lẻ ở từng trường NCL nhưng nếu không tìm được tiếng nói thống nhất sẽ làm chậm tiến trình phát triển của hệ thống các trường ĐH-CĐ NCL, vốn là một bộ phận quan trọng của giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay.

Với mong muốn tạo môi trường cho những người quan tâm, tâm huyết với sự phát triển của hệ thống các trường NCL, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ NCL tổ chức buổi tọa đàm vào lúc 8 giờ ngày 8-10 với chủ đề “Hướng phát triển cho các trường ĐH-CĐ NCL” tại Hội trường lầu 4, tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM (34 Hoàng Việt, quận Tân Bình).

Hiện cả nước có gần 450 trường ĐH-CĐ. Số lượng các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ NCL tăng nhanh, đến năm 2014, có 90 trường (60 trường ĐH, 30 trường CĐ), chiếm 22% tổng số trường ĐH-CĐ trên cả nước. Các trường NCL tập trung chủ yếu tại các TP lớn (Hà Nội: 11 trường, TP.HCM: 13 trường).

Hướng phát triển mói trường đại học cao đẳng ngoài công lập

Về tổng thể, giai đoạn tăng số lượng trường mạnh nhất là giai đoạn 2005-2010 (tăng 76 trường CĐ và 48 trường ĐH, tức bình quân mỗi tháng có thêm hai trường ĐH-CĐ). Có khá nhiều trường ĐH mới thành lập trong giai đoạn này được “nâng cấp” từ trường CĐ thành trường ĐH.

Chỉ tính riêng thời kỳ 2005-2010, bình quân mỗi năm số trường tăng 8,3%; số sinh viên tăng 9,7% và số giáo viên tăng 10%. Trong đó số trường và sinh viên NCL tăng mạnh hơn khối công lập. Cụ thể, số trường NCL tăng 18,4% so với 6,6% công lập; số sinh viên NCL tăng 16% so với 8,7% của công lập. Tuy nhiên, số giáo viên NCL tăng ít hơn giáo viên công lập với mức tăng 9,6% so với 10%. (Tổng cục Thống kê).

Tuy tăng nhanh hơn nhưng với tình hình tuyển sinh đầu vào khó khăn trong ba năm liên tiếp vừa qua, hiện số lượng sinh viên tại các trường ĐH-CĐ NCL chỉ chiếm không đến 15%. Điều này sẽ khó lòng đạt con số 40% tổng số sinh viên học trong các trường NCL như Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 đã đề ra cho mục tiêu đến năm 2020. So với các nước của châu Á, tỉ lệ này đang ở mức rất thấp, đến mức cần sớm có một quyết sách định hướng cho phát triển giáo dục ĐH-CĐ NCL.

Tình hình tuyển sinh 2014 cũng thể hiện khó khăn nan giải kéo dài trong tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH-CĐ NCL. Nguyên nhân khá rõ đã nêu ở trên là do việc thành lập quá nhiều trường ĐH-CĐ mới trong một thời gian ngắn (kèm theo việc giao chỉ tiêu tuyển sinh) khiến việc tuyển đủ chỉ tiêu của các trường ĐH nói chung và các trường ĐH NCL nói riêng.

Trong năm tuyển sinh 2012, các trường ĐH chỉ gọi được 88% sinh viên mới đến nhập học so với chỉ tiêu. Trong đó nhiều trường ĐH NCL chỉ tuyển được 30%-40% tổng chỉ tiêu được giao. Tình hình nhập học còn khó khăn hơn ở bậc CĐ khi tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu đạt 78% và ở trung cấp là 63%.

Đến năm 2013, trong số 353 trường ĐH-CĐ tuyển sinh thì có đến hơn 1/3 tổng số trường (98 trường) có tỉ lệ nhập học dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó ở bậc ĐH có 25 trường (tất cả đều là trường NCL) và ở bậc CĐ có 73 trường (58 trường công lập và 15 trường NCL). Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyển sinh đầu vào và chất lượng đầu vào của các trường ĐH-CĐ NCL mà còn tác động đến cả chính sách phân luồng sau THPT trên phạm vi cả nước.

Theo PLO, http://plo.vn/doi-song-truyen-thong/huong-phat-trien-nao-cho-dhcd-ngoai-cong-lap-501012.html