Hướng đề thi THPT Quốc gia 2016 như năm trước

Ngày 22/3, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức tập huấn công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho các Sở Giáo dục.

Đại diện Bộ Giáo dục cho hay, hướng ra đề thi THPT quốc gia 2016 sẽ tiếp nối những đổi mới trong việc ra đề thi THPT quốc gia 2015 và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng như các năm trước đó.

Hướng đề thi THPT quốc gia 2016 như năm trướcTheo Bộ Giáo dục – Đào tạo, đề thi THPT quốc gia năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Ảnh: Mạnh Tùng

Cụ thể, đề thi các môn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, một số câu hỏi ở các môn tự nhiên có yêu cầu liên hệ với các lớp trước đó của bậc THPT. Với các môn học xã hội, đề thi theo hướng mở, yêu cầu thí sinh phải vận dụng những hiểu biết xã hội, kiến thức các môn liên quan để làm bài, hạn chế việc học thuộc lòng các sự kiện.

Theo đó, đại diện Bộ Giáo dục cho rằng thí sinh có thể tham khảo các đề thi minh họa và đề thi chính thức của kỳ thi THPT năm ngoái để ôn thi.

Các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 1/4 đến ngày 30/4. Hồ sơ gồm 2 phiếu đăng ký dự thi, bản photocopy hai mặt giấy chứng minh nhân dân trên một mặt giấy A4, 2 ảnh cỡ 4 x 6 và một phong bì ghi rõ họ tên, địa chỉ nhận của thí sinh để trong túi đựng hồ sơ theo mẫu của bộ.

Ngày 30/6, thí sinh tập trung đến các địa điểm làm thủ tục dự thi, nhận thẻ và chỉnh sửa các sai sót.

Về xử lý phúc khảo, thí sinh có bài thi sau khi phúc khảo có điểm chênh lệch so với điểm chấm đợt đầu đã được công bố từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.

"Với thí sinh có điểm phúc khảo lệch 0,5 điểm so với điểm chấm ban đầu thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo", đại diện Bộ Giáo dục cho hay.

Năm nay, thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi nhận đăng ký dự thi, sau đó Sở Giáo dục tập hợp và chuyển danh sách cho hội đồng thi trước ngày 31/7.

Cần vận dụng kiến thức

Theo một số giáo viên, hiện Bộ GD&ĐT đã ra đề mẫu, các bộ môn dựa vào đó để ôn tập cho thí sinh cách học, cách làm bài. Cô Phan Hà Thanh, giáo viên môn Văn Trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) cho biết, khi đi chấm thi cô thấy học sinh thường mắc vào lỗi viết quá sa đà, tản mát mà không tập trung xây dựng ý tứ để ăn điểm. Cô Thanh ví dụ, trong đề thi THPT quốc gia môn Văn năm 2015, đề đưa ra một trích đoạn trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa yêu cầu thí sinh phân tích hình tượng Người đàn bà làng chài. Tuy nhiên, nhiều thí sinh không có kỹ năng đọc hiểu đề nên sa đà phân tích hình tượng người đàn bà làng chài xuyên suốt tác phẩm.

Tránh học tủ

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, nỗi khiếp sợ của thí sinh khi thi môn Sử là buộc phải nhớ các con số, sự kiện. Tuy nhiên, với cách ra đề như hiện nay, đề yêu cầu học sinh hiểu nguyên nhân, tính chất, đánh giá sự kiện vì thế học sinh hoàn toàn yên tâm không phải nhớ máy móc hay thuộc lòng sách giáo khoa.

Theo thầy Hiếu, để ôn tập môn Lịch sử hiệu quả, học sinh nên chia lịch sử theo từng giai đoạn. Học sinh cần nắm mỗi giai đoạn giải quyết nội dung cơ bản gì, sự kiện nào cốt lõi, nắm nguyên nhân, hậu quả. Sau đó, học cách tư duy xâu chuỗi sự kiện để nêu quan hệ nhân quả. Một điều cấm kỵ mà học sinh nên tránh là học tủ, học chuyên đề theo kiểu võ đoán như nội dung này đã ra năm trước năm nay sẽ không ra. Một câu hỏi rất dễ nhưng nếu không nắm được kiến thức cơ bản, thí sinh cũng không thể làm được bài.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn Trường THPT Hoài Đức B cho hay, Bộ GD&ĐT vừa ra đề mẫu vì thế cách ôn tập hiệu quả nhất là học sinh bám phom đề để học. Theo cô Nga, phom đề có 3 phần, phần 1 là đọc hiểu (3 điểm), phần 2 nghị luận xã hội (3 điểm) và phần nghị luận văn học (4 điểm). Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm kỹ các phương thức diễn đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ…

Theo cô Nga dựa vào cơ cấu đề thi năm ngoái, độ mở được đánh giá khoảng 30-40%, còn lại vẫn bám sách giáo khoa. Vì thế, ngoài kiến thức sách giáo khoa, học sinh cần cập nhật thông tin thời sự, xã hội để vận dụng trong phần nghị luận xã hội (3 điểm). Cô Thanh cũng cho rằng, với đề Ngữ Văn, học sinh khá cạnh tranh nhau ở câu nghị luận Văn học và nghị luận xã hội. Phần vận dụng nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa nhất là phần nghị luận xã hội. Phần này học sinh tập làm các dạng đề này theo dàn ý 3 nội dung gồm: giải thích vấn đề, bình luận vấn đề và rút ra bài học cho bản thân. Với cách lập dàn ý này, khi gặp bất cứ chủ đề nào, học sinh cũng có thể vận dụng linh hoạt.


Tổng hợp


Xem tiếp các tin tức tuyển sinh, điểm thi THPT quốc gia 2016 tại đây.