>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn xuống 4 môn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo nhiều trường trong cả nước.

Hơn thế, quyết định mang tính đột phá nhằm đổi mới thi cử này khiến các bậc phụ huynh vui mừng và học sinh (HS) cũng tự tin hơn.

Học sinh phấn khởi với phương án thi tốt nghiệp 4 môn

Phương án thi tốt nghiệp 4 môn được nhiều người đánh giá là giảm áp lực học cho HS, giáo viên và đỡ tốn kém hơn. Điều này thể hiện rất rõ ở HS lớp 12 đang chuẩn bị thi tốt nghiệp năm nay. Trần Thanh Giang, HS lớp 12D1, trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, bản thân rất vui khi nhận được thông tin này. "Thú thực, khi Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố môn thi và dự định môn Ngoại ngữ chỉ là môn để lấy điểm khuyến khích, em cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, sau khi nhận thông tin thi 4 môn, đặc biệt, Ngoại ngữ là một trong số môn thi tự chọn, không chỉ em mà các bạn trong lớp rất mừng. Ngoại ngữ là môn thế mạnh của em. Thật tuyệt!" - Giang chia sẻ.

Học sinh phấn khởi với phương án thi tốt nghiệp 4 môn

Học sinh phấn khởi với phương án thi tốt nghiệp 4 môn

Với phương thức giảm môn thi, khi được hỏi hầu hết HS đều cho rằng đây là phương án thi tốt và có lợi cho HS. Đại diện nhóm HS lớp 12 trường THPT Kim Liên (Hà Nội) bày tỏ: "Phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra tạo điều kiện cho chúng em được lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực của mình, phù hợp với từng bạn trong cách chọn môn thi cũng như chọn ngành nghề khi lên ĐH".

Các bậc phụ huynh khi biết con mình không phải thi đến 6 môn như trước đây cũng phấn khởi không kém. Chị Nguyễn Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hồ hởi: "Con tôi năm nay thi tốt nghiệp THPT, tôi chờ đợi phương án thi của Bộ GD&ĐT không kém các cháu. Sau khi chính thức biết thông tin về phương án thi tốt nghiệp, tôi rất mừng. Từ 6 môn, nay các cháu thi 4 môn và chỉ mất 2 ngày là  hoàn thành đợt thi. Hy vọng với phương án thi mới, cháu sẽ đạt kết quả tốt nghiệp cao".

Không lo học sinh học lệch

Mặc dù đồng tình với phương án thi mới, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn về việc lựa chọn môn thi của HS, cách tổ chức thi, đặc biệt là lo ngại về tình trạng học lệch, bỏ bê môn học không yêu thích, không chọn thi tốt nghiệp. Như ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nhận định: Sẽ có những môn rất đông HS lựa chọn, ngược lại, sẽ có môn ít HS đăng ký thi. Chính vì vậy, việc bố trí giáo viên, phòng học sẽ gây không ít khó khăn cho các trường.

Tuy nhiên, ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ lại nhìn thấy một khía cạnh khác: "Phương án thi tốt nghiệp mới sẽ tác động rất lớn đến việc phân luồng HS từ bậc học THPT. HS sẽ được chọn ngành nghề phù hợp sớm theo năng lực. Nhiều ý kiến cho rằng, môn tự chọn sẽ dẫn đến HS học lệch, thích môn nào học môn đó, nhưng tôi cho rằng, điều này không đáng lo ngại, bởi điểm xét tốt nghiệp lấy cả kết quả học tập và rèn luyện của HS ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (50% + 50%) , do đó bắt buộc các em phải học đều các môn".

Riêng với thắc mắc về cách tổ chức thi tới 8 môn, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Để tránh các rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi làm theo nguyên tắc mỗi HS có một số báo danh duy nhất trong kỳ thi và phòng thi sẽ được xếp theo môn. Mỗi buổi thi sẽ có 2 ca thi, mỗi ca thi sẽ có duy nhất một môn thi. Như vậy, hoàn toàn loại bỏ được sự lo lắng trong một phòng thi có nhiều môn thi".

Theo ông Trinh, hiện Bộ GD&ĐT đang dự kiến phương án tổ chức thi như sau: Ví dụ, một buổi thi môn Văn - Hóa, buổi thứ hai thi Vật lý - Lịch sử, buổi nữa thi Toán - Ngoại ngữ; buổi cuối cùng thi Địa lý - Sinh học. Như vậy bảo đảm mỗi ca thi có ít nhất 75 phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật. Việc xếp các môn thi cùng buổi cũng có ngụ ý để giảm thiểu tối đa HS phải thi 2 môn trong một buổi thi.

Vẫn còn những băn khoăn về quyết định thi tốt nghiệp THPT 4 môn, song như lãnh đạo một số trường, sở GD&ĐT chia sẻ, với quyết tâm thực hiện nghiêm túc kỳ thi, trong quá trình thực hiện, có điều gì bất cập, không phù hợp sẽ kiến nghị với Bộ GD&ĐT để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Theo tác giả Trung Anh, KTĐT