Học sinh quay lưng với lịch sử hay quay lưng với cách dạy – học môn Lịch sử?Tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn qua cách thể hiện sáng tạo của học sinh trường quốc tế Wellspring

Học sinh có quay lưng với lịch sử?

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho biết, cháu nội ông mới học tiểu học nhưng rất ham mê đọc các sách Lịch sử. Không phải là sách của trẻ em mà là các bộ lịch sử dày cộp của người lớn và 10 tập Lịch sử Việt Nam, cùng với các tập Tên đường phố của Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh… Như vậy không thể nói Sử là môn khoa học thiếu hấp dẫn.

Nhưng vì sao học sinh lại thờ ơ, chán ngán khi nói đến môn Lịch sử trong trường học? Hoàng Thanh Trang (Bình Thạnh) mô tả giờ học sử của mình: “Cô giáo đọc tóm tắt những ý đã có sẵn trong sách giáo khoa, tụi em chép lại, hoặc nếu không chép thì cứ làm việc khác về nhà mượn vở bạn chép lại cũng không sao. Miễn sao đến cuối kỳ có chép đủ bài, học thuộc và viết ra khi thi học kỳ. Sau đó thì em chẳng nhớ gì hết nữa. Nếu chỉ cần đọc trong sách thì em cũng đọc được ở nhà, nên em không chú ý lắm đến bài giảng”.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chương trình môn Lịch sử hiện nay chưa thỏa đáng, tập trung quá nhiều vào giai đoạn sau năm 1930 trong khi lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều nghìn năm.

Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…;

Môn Lịch sử thiếu hấp dẫn vì không làm nổi bật được vị thế hào hùng của các vị anh hùng dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Học Lịch sử là để hun đúc lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược chứ không nhất thiết cần phải nhớ chi tiết các con số, các diễn biến, các tên tuổi phụ - những điều mà nếu muốn cần tìm hiểu thì chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy tính là đã có quá đầy đủ. Hãy xem lại các đề thi Lịch sử vào đại học mấy năm qua thì thấy đúng là lối dạy nhồi sọ mà nhiều chuyện có lẽ thầy cô giáo dạy Sử cũng không thể nào nhớ nổi.

Không thể bỏ môn Lịch sử?

Tại một số trường như quốc tế, tư thục tại TPHCM, các em học sinh cho biết, môn Lịch sử không phải là gánh nặng, một số thầy cô cho các em đóng kịch theo bài học, cho về nhà tự chọn sách đọc, thuyết trình để thuyết phục cả lớp, xem clip, xem phim tài liệu ngắn, giảm đi hàm lượng đọc - chép.

Minh Hoàng, học sinh một trường tư thục hào hứng kể: “Giờ Sử của tụi em vui lắm, ví dụ như hôm học về đại chiến trên sông Bạch Đằng, thầy giáo minh họa bài giảng bằng một clip trên youtube, hay như giờ học về người Chăm, thầy mời nhà nghiên cứu Insara đến nói chuyện với tụi em”.

Nhiều học sinh cho biết, để môn Sử trở nên sinh động và hấp dẫn không khó, thầy cô có thể làm  infographic hoặc slideshow về các trận chiến, hành quân, học sinh chỉ cần xem qua vài lần là có thể nhớ rất dễ dàng chứ không phải cứ cắm cúi gạch đầu dòng, nêu hàng loạt con số về quân đổ bộ, quân bị đánh bại như hiện nay. Hoặc cho học sinh chọn một quyển sách lịch sử theo sở thích, đọc rồi viết bài luận về quyển sách đó…

Trong một điều tra xã hội học quy mô nhỏ do giáo viên Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương) thực hiện với 1.167 học sinh 3 khối 10, 11, 12, có đến 939 em không đồng ý việc môn lịch sử là “môn tự chọn”, chiếm tỉ lệ 80,4%. Các em cho rằng, bỏ môn Lịch sử có thể không ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước nhưng chắc chắn trình độ đạo đức sẽ đi xuống. “Khai tử” môn Lịch sử sẽ khiến giới trẻ không còn biết về công lao đánh giặc giữ nước của cha ông ta, sẽ trở thành những đứa trẻ vô ơn, thậm chí “hại” nước.

Những giáo viên thực hiện điều tra này cũng cho rằng trong nhiều năm qua, Bộ GDĐT có cách nhìn nhận không công bằng, đánh giá không đúng vai trò và vị trí của môn lịch sử trong các môn học phổ thông. Và khi môn lịch sử chưa có cơ hội “phục hưng” thì những người soạn thảo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GDĐT đã và đang từng bước “khai tử” môn học này.

Thầy Đ.H, giáo viên dạy Lịch sử tâm sự, Lịch sử là bộ môn khoa học, nó gắn liền với hình hài đất nước, nuôi dưỡng thế hệ con người Việt Nam, góp phần hình thành cái tâm, tính, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nếu Lịch sử dân tộc ngừng chảy, hoặc chảy không mạnh, nó sẽ đẻ ra một thế hệ con người Việt Nam mới “vô thức”, không có sự yêu thương đùm bọc, chia sẻ, xem thường các đạo lý mà trước hết là đạo làm người…

Đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu hiện đại, nhưng phải đảm bảo các giá trị lịch sử gốc, vì thế, không thể bỏ Lịch sử hoặc xem Lịch sử một cách “méo mó” mà cần phải được nhìn nhận như một khoa học chân chính, môn học chính thống bắt buộc ở trường phổ thông.

Theo Infonet, nguồn: http://infonet.vn/hoc-sinh-quay-lung-voi-lich-su-hay-quay-lung-voi-cach-day-hoc-mon-lich-su-post181928.info