Thí sinh khối A, B, C bị thiệt thòi

Kỳ thi quốc gia sau khi công bố tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có việc ôn luyện, học thi của thí sinh, đặc biệt là những thí sinh đã ôn thi khối A, B, C từ nhiều năm trước. Việc tổ chức thi theo cụm có đảm bảo nghiêm túc, đủ độ tin cậy, có đảm bảo công bằng cho thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp; chứng chỉ ngoại ngữ nào thì sẽ được miễn thi là những băn khoăn từ các trường phổ thông muốn gửi tới Bộ GD&ĐT.

Buổi họp phụ huynh lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 14/9 thực sự nóng khi hàng loạt cha mẹ học sinh lên tiếng về kỳ thi quốc gia. Họ cho rằng, dù báo đài tuyên truyền khá đều đặn thông tin về kỳ thi này, nhưng là cha mẹ, hằng ngày đưa đón các con đi ôn luyện, ai cũng lo lắng và cảm thấy bất ngờ khi Bộ công bố về kỳ thi quốc gia.

Anh Trần T.H. ở phố Đội Cấn cho hay: “Bộ là người ở trên, dự thảo ra kỳ thi, họ chưa chắc đã cảm nhận hết nỗi lo lắng của chúng tôi. Con tôi thi khối B, dự kiến thi vào ĐH Y tế công cộng, cháu mải miết ôn 3 môn khối B từ hai năm trước. Giờ thi như thế này, con tôi sẽ phải học tới 5 môn gồm: toán, văn, ngoại ngữ, hóa, sinh vì đến hết học kỳ I các trường ĐH mới công bố phương thức tuyển sinh, có trường sẽ tuyển cả hóa, sinh, có trường chỉ chọn 1 trong 2 môn. Như vậy, chỉ còn mấy tháng nữa, cháu sẽ phải học thêm hai môn văn, ngoại ngữ nữa, khiến cho các môn chính của khối B sẽ bị phân tán”.

Chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thanh L. ở Giảng Võ cũng cho hay, việc Bộ chọn thi phương án 1 được cho là tối ưu trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng theo chị, phương án này học sinh khối D là được lợi nhất, các khối thi còn lại thì liêu xiêu, “sống dở chết dở”. Nếu cùng là thi 4 môn (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) thì khối D đương nhiên trúng 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, trong khi các khối còn lại phải học những môn không thuộc khối thi, chắc chắn kết quả làm bài không được như ý. Nếu các em lại có nhu cầu xét tuyển vào những trường đại học không cần một kỳ thi bổ sung hoặc bài kiểm tra phụ thì rõ ràng, khối A, A1, C, B thiệt hơn rất nhiều. Nhiều phụ huynh khác còn băn khoăn, nếu việc coi thi không nghiêm, nơi coi chặt, nơi coi lỏng thì thí sinh là người thiệt thòi đầu tiên.

Kỳ thi quốc gia cần nhiều giải pháp kỹ thuật tối ưu để quyền lợi và sự công bằng cho thí sinh được đảm bảo.

Kỳ thi chung 2015: Thiệt thòi cho thí sinh thi khối A, B, C

Kỳ thi chung 2015: Thiệt thòi cho thí sinh thi khối A, B, C

“Cánh tay của Bộ không đủ dài để vươn tới các phòng thi. Bộ cho biết sẽ tăng cường thanh tra, giám sát phòng thi đột xuất nhưng những năm trước, vài đoàn thanh tra của Bộ thì đi được bao nhiêu hội đồng thi, trong khi tôi biết, có những phòng thi tại Hà Nội, thí sinh vẫn mang phao, sử dụng phao khá công khai” – một phụ huynh thẳng thắn bày tỏ.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức (Hà Nội) cho chúng tôi biết, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức nhập hai kỳ thi làm một. Như vậy, áp lực cho một kì thi rõ ràng là nặng hơn trước, vì cùng một lúc chúng ta dùng kết quả đó xét công nhận tốt nghiệp và cũng là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. Cái khó khăn lớn nhất mà ai cũng lo lắng là liệu kì thi này có diễn ra an toàn, có khách quan, có trung thực, có đảm bảo độ tin cậy cao nhất để các trường đại học, cao đẳng lấy làm kết quả xét tuyển hay không.

Chúng tôi ủng hộ kì thi quốc gia. Có điều phải cần sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ và cả chính quyền các địa phương. Và cần phải có một chế tài thực sự mạnh như những năm đầu của cuộc vận động 2 không thì tôi nghĩ kết quả có thể tin cậy được” – thầy Nguyễn Quốc Bình cho hay.

Liệu có xảy ra tình trạng chạy chứng chỉ để miễn thi ngoại ngữ?

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và nhiều hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội khi trò chuyện với chúng tôi đều đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT lựa chọn phương án 1. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Tôi có hai băn khoăn: Thứ nhất, giao cho các trường vẫn xét tốt nghiệp căn cứ vào điểm thi và điểm học trong năm là chưa nói rõ cụ thể, ví dụ lấy cái điểm trung bình trong năm là lấy như thế nào, có phải 50% không? Thứ hai, tại sao lại chia học sinh thành 2 khu vực, tức là những học sinh nào dự thi ĐH, CĐ thì sẽ về các cụm của các trường ĐH, CĐ coi thi, còn những học sinh nào không thi ĐH, CĐ  thì  lại được thi ở  địa phương. Vậy những học sinh thi ở cụm địa phương nếu đạt điểm cao lại muốn quay lại thi ĐH, CĐ thì sao? Bộ có cấm được không? Theo tôi, không nên cấm vì đấy là quyền của thí sinh. Do đó, theo tôi nên tổ chức thi một loại cụm thi, không nên phân biệt vì như vậy sẽ có tình trạng công dân loại 1 và công dân loại 2, khu vực trông nghiêm túc và khu vực sẽ không trông nghiêm túc”.

Về môn ngoại ngữ, theo thầy Nguyễn Quốc Bình, hầu hết các trường ở thành phố lớn, ở trung tâm thị xã và một số các trường ở những vùng có điều kiện về môn ngoại ngữ thì việc dạy và học môn ngoại ngữ vẫn tiến hành bình thường. Chỉ có ở những nơi khó khăn về điều kiện giáo viên hoặc là các cơ sở phục vụ dạy và học môn ngoại ngữ thì có thể gặp những hạn chế và nếu như có hạn chế thì theo phương án, các em có thể lựa chọn một môn nào đó thay cho môn ngoại ngữ, như vậy so với trước thì cũng không có gì là thay đổi quá lớn, gây ra cái sự băn khoăn, lo lắng quá cho cái việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, thầy giáo Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring (Long Biên, Hà Nội) nêu quan điểm: Việc cho thay thế môn ngoại ngữ bằng môn khác đối với những nơi học không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện, năm nay thì được và chỉ nên duy trì thời gian ngắn, không thể kéo dài được. Đã gọi là môn bắt buộc thì phải là bắt buộc, không thể có phương án dự phòng được.

Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện miễn thi nếu có chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng theo thầy giáo Đặng Đình Đại thì cần làm rõ hơn chứng chỉ nào được miễn, vì trước đây đã xảy ra tình trạng loạn chứng chỉ trước các kỳ thi tuyển công chức, chuyển bậc cán sự lên chuyên viên người ta chạy chứng chỉ rất là mau lẹ, chứng chỉ A cũng có, chứng chỉ B cũng có

Nguồn CAND, http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/9/244269.cand