Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Và đây là trở ngại khiến nhiều thí sinh không dám đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài công lập, thậm chí có thí sinh trúng tuyển bỏ học.
 
Tăng 14,5 triệu đồng/năm
 
Chưa có năm học nào mà mức học phí của các trường ĐH ngoài công lập lại tăng đến chóng mặt như năm học 2011-2012. Gần như tất cả các trường từ ĐH, CĐ đến trung cấp đều đồng loạt tăng học phí.


 
Ở hệ ĐH, các trường ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế - Tài chính, ĐH Quốc tế Sài Gòn phá kỷ lục khi tăng học phí 11 - 14 triệu đồng so với năm 2010. Theo thông tin công khai trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM từ mức học phí 55 triệu đồng/năm tăng lên thành 69 triệu đồng/năm, chưa kể học phí tiếng Anh. Như vậy, học phí trường này đã tăng 14 triệu đồng so với năm 2010. Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, được gắn mác quốc tế có mức tăng kỷ lục nhất. Theo đó, học phí của trường này chia làm hai loại: Chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt thu học phí 41,8 - 48 triệu đồng/năm (tăng 4,8 - 6,55 triệu đồng so với năm 2010); chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh thu 108 - 119 triệu đồng/năm (tăng 11,8 - 14,5 triệu đồng so với năm 2010). Trường đã xác lập kỷ lục khi tăng học phí năm sau cao hơn năm trước đến 14,5 triệu đồng.


 
Nằm trong nhóm những trường tăng học phí đột biến còn có Trường ĐH Hoa Sen. Cụ thể, học phí năm 2010 của trường này đưa ra là 19 - 22,5 triệu đồng/năm. Sang năm 2011, học phí của trường đã tăng lên thành 30 - 33 triệu đồng/năm.


 
Nhóm những trường có mức tăng 2 - 4 triệu đồng so với năm 2010 có Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Trường ĐH Văn Hiến... Trường ĐH Văn Lang lâu nay vẫn được xem là trường có mức học phí ổn định so với các trường ngoài công lập tại TPHCM nhưng năm nay, ngành học cao nhất cũng tăng 2 triệu đồng so với năm 2010.


Ở nhóm trường CĐ, nhiều trường cũng đồng loạt tăng học phí trong năm học 2011-2012. Năm học 2010, ngành Điều dưỡng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành (nay đã nâng cấp thành Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) có mức học phí cao nhất trường - 10,95 triệu đồng/năm, sang năm 2011 tăng lên thành 12,9 triệu đồng/năm, Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM từ 5,8 triệu đồng/năm tăng lên thành 6,9 triệu đồng/năm.
 
Ngoài khoản học phí trên, tân sinh viên các trường ngoài công lập phải gánh thêm các khoản phí khác như tiền tài liệu, giáo trình, tiền đồng phục, tiền thang máy… Với mức học phí “khủng” nói trên, nhiều tân sinh viên trúng tuyển đã ngậm ngùi bỏ học.


 
Chất lượng có tăng?
 
Lý giải về việc tăng học phí, đại diện các trường đều cho rằng, tăng học phí là do bù trượt giá, tăng lương, tăng tiền điện nước, tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, việc học phí tăng cao là do phải đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị, xây dựng cơ sở… nhằm tạo điều kiện học tập tốt cho sinh viên, nâng chất lượng giáo dục lên tầm quốc tế.


 
Như vậy, theo lý giải của các trường ngoài công lập, việc tăng học phí gắn liền với việc tăng đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo cho người học. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế đang diễn ra ở nhiều trường, dường như điều này hoàn toàn mâu thuẫn. Trường ĐH Hoa Sen tăng học phí liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, từ khi nâng cấp từ trường CĐ lên ĐH, trường đã chuyển sang thuê tòa nhà số 93 Cao Thắng, quận 3 (cơ sở chính tại số 8 Nguyễn Văn Tráng, quận 1 vẫn đang chờ xây). Do đó, sinh viên của trường hiện nay phải học tại địa điểm thuê mướn. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM thành lập từ năm 2007 và đào tạo theo mô hình chất lượng cao nhưng đến nay dự án của trường vẫn chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng.


 
Có tuổi đời lâu hơn, Trường ĐH Văn Hiến thành lập từ năm 1997 nhưng các cơ sở tại quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 4 và nay thêm cơ sở tại quận 12 cũng đều đi thuê. Tương tự, Trường ĐH Hùng Vương cũng ngót nghét 15 năm nhưng vẫn chưa có đất để xây trường… Hàng loạt trường CĐ, trung cấp khác cũng tăng học phí vèo vèo nhưng cho sinh viên, học sinh thuê cả phòng nấu ăn để học.


 
Nếu xét đến yếu tố quyết định là đội ngũ giảng viên giảng dạy, hầu hết các trường đều thiếu trầm trọng và thậm chí có người vừa giảng dạy ở trường công vừa kiêm nhiệm 5 - 7 chức vụ khác tại các trường ngoài công lập. Như vậy, với mức học phí đã cao và liên tục thay đổi, năm sau cao hơn năm trước nhưng người học lại phải chịu cảnh học nhờ, thiếu thầy, liệu có công bằng với người học?


Dù đã thực hiện công khai theo quy định của Bộ GD-ĐT về mức học phí, cơ sở vật chất nhưng việc công khai nửa vời như nhiều trường đang làm hiện nay vô tình làm cho người học mất thiện cảm với những trường ngoài công lập.

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh nguyện vọng 3, nguyện vọng 3

Đăng ký nhận thêm thông tin qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh ( SGGP)