>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

“Giáo dục vẫn bị coi là lĩnh vực chưa thành công trong sự nghiệp đổi mới. Trong tất cả các lĩnh vực giáo dục, sự yếu kém của giáo dục ĐH là đáng quan tâm, lo lắng nhất vì đó là khâu quyết định chất lượng nguồn nhân lực”. Đây là nhận định của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tại hội thảo Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, do Hội đồng Lý luận trung ương và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 7-1.

Chất lượng thấp, thiếu sáng tạo

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, 2 hạn chế căn bản của giáo dục cần được giải quyết để thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 là chất lượng đào tạo quá thấp và năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục ĐH quá yếu. Ông Thuyết chỉ ra hàng loạt tồn tại trong giáo dục ĐH hiện nay như: Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi của các trường thường quá cao; đào tạo sau ĐH dễ dãi, nể nang; tình trạng chạy thầy - chạy điểm, học hộ - thi hộ, sao chép luận văn, luận án ít được phát hiện và khi được phát hiện thì xử lý chưa nghiêm… Kết quả cho thấy chất lượng chung của nhân lực được đào tạo chưa cao, trong số 20.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm thì chỉ 50% có việc làm sau tốt nghiệp.

Đổi mới đào tạo giáo dục bậc đại học

Đổi mới đào tạo giáo dục bậc đại học

Ông Thuyết cũng dẫn chứng con số mà Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra là trong 5 năm 2006-2010, cả nước chỉ có 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ để minh chứng cho nhận định của mình: “Số lượng phát minh sáng chế ít ỏi được đăng ký của Việt Nam nói lên sự hạn chế về năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục ĐH nước ta và của nhân lực mà hệ thống ấy đào tạo ra”.

TP HCM là nơi tập trung rất nhiều trường ĐH, CĐ và cũng là nơi nhu cầu nhân lực sôi động nhất cả nước. Theo bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, những hạn chế chung của giáo dục ĐH của cả nước cũng là khó khăn lớn tại TP HCM. Đó là tỉ lệ giảng viên trình độ TS - GS - PGS còn thấp, số lượng giảng viên thỉnh giảng chiếm tỉ lệ trên 50%. “Chúng ta đã có chuẩn đầu ra thực chất chưa, hay vẫn còn chạy theo thành tích?” - bà Thân băn khoăn.

Đổi mới đào tạo giáo dục bậc đại học: Cần điều chỉnh mục tiêu giáo dục

Theo các đại biểu, nguyên nhân của những yếu kém trong giáo dục ĐH là quy mô đào tạo quá nhanh, không tương xứng với điều kiện bảo đảm chất lượng; phương thức giáo dục không phù hợp với yêu cầu dạy nghề, học nghề; không phát huy được năng lực sáng tạo của người học...

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị phải điều chỉnh mục tiêu giáo dục và xây dựng một nền giáo dục ĐH thực học và dân chủ. “Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong những ngành kinh tế, kỹ thuật có tính ứng dụng cao; học những điều thiết thực, học gắn với hành và yêu cầu của thị trường lao động; cởi mở, khai phóng về tư tưởng, học thuật; tạo điều kiện cho người dạy, người học sáng tạo và phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình” - ông Thuyết đề nghị.

GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận trung ương, cho rằng quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải quyết tâm, quyết liệt đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản trị khoa học, nhất là quản trị đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị nhân lực và tài chính.

Lãng phí quá lớn

Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, hiện cả nước chỉ có 5 trường ĐH sư phạm nòng cốt đào tạo về kỹ thuật. Vì vậy, nếu không có chiến lược phát triển các trường ĐH chuyên về giáo dục nghề nghiệp thì tương lai sẽ thiếu giáo viên dạy nghề...

Đồng ý với quan điểm trên, dẫn chứng số liệu thống kê cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, GS-TS Phùng Hữu Phú cho rằng chúng ta đang đào tạo tràn lan và quá nhiều ĐH, không cần biết nhu cầu thị trường lao động đang cần gì và thiếu gì, gây ra sự lãng phí rất lớn trong đào tạo.

Theo NLĐ