Học ngoại ngữ trong trường đại học: Đối phó và không thực chất

Trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ đang trở thành một yêu cầu rất cấp thiết, đặc biệt đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên thực tế tại TPHCM cho thấy, ngoại ngữ đang trở thành một môn học phụ ở nhiều trường ĐH khối không chuyên ngữ. Tình trạng nhà trường bị động, sinh viên thờ ơ, học đối phó để được tốt nghiệp, khiến chất lượng ngoại ngữ của sinh viên đang đi xuống.

“Loạn” chuẩn đầu ra và chứng chỉ… nội bộ: Một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường ĐH trên địa bàn TPHCM là không có một chuẩn ngoại ngữ chung cho sinh viên tốt nghiệp. Mỗi trường đều có một chuẩn đầu ra riêng về ngoại ngữ cho sinh viên trường mình. Điều này đã dẫn đến khá nhiều bất cập và khuất tất trong việc có được chứng chỉ ngoại ngữ

Không chấp nhận chứng chỉ bên ngoài

ĐH Ngân hàng TPHCM yêu cầu chuẩn ngoại ngữ khi tốt nghiệp của sinh viên là TOEIC từ 530 điểm trở lên. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM yêu cầu sinh viên phải đạt tối thiểu TOEIC 450 điểm khi tốt nghiệp. ĐH Luật TPHCM yêu cầu TOEIC từ 450 - 600 điểm, tùy từng ngành. ĐH Nông - Lâm TPHCM cũng yêu cầu chuẩn đầu ra khác nhau tùy từng ngành, như ngành Kế toán là TOEIC 300 điểm, các ngành khác cao hơn. ĐH Sài Gòn yêu cầu sinh viên phải đạt trình độ bằng B tiếng Anh do trung tâm ngoại ngữ của trường cấp…

Loạn chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở các trường đại học

Mức chuẩn này không chỉ chênh lệch, khác nhau giữa các trường ĐH độc lập mà ngay cả với các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, mỗi trường cũng có một yêu cầu riêng.

Trường ĐH KHXH&NV quy định sinh viên (trừ ngành ngôn ngữ Anh) phải có bằng B môn tiếng Anh hoặc TOEIC, TOEFL có điểm tương đương mới được xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, trường chỉ chấp nhận bằng B do các trung tâm của ĐHQG TPHCM cấp chứ không nhận bằng của các trung tâm khác. Trường cũng tổ chức kỳ thi TOEFL nội bộ cho sinh viên, nếu đạt 400 điểm sẽ được cấp chứng chỉ đạt yêu cầu để xét tốt nghiệp. ĐH Kinh tế - Luật yêu cầu sinh viên phải đạt TOEIC 500 điểm (ngành Kinh tế đối ngoại là 550) do giáo viên trong trường giảng dạy. Tuy nhiên, bất cập ở đây là môn ngoại ngữ được đưa tính thành 24 tín chỉ để thu học phí với mức 130.000đ/tín chỉ, từ năm học này đã tăng lên 170.000đ/tín chỉ.

Sinh viên đối phó, học là đỗ

Việc không đưa ngoại ngữ vào chương trình học tính điểm đã khiến nhiều sinh viên thờ ơ, học đối phó, dẫn đến không đạt yêu cầu chất lượng. Có mặt tại một lớp học Anh văn B của ĐH KH Tự nhiên (ĐH QG TPHCM) vào buổi tối, cả lớp chỉ có hơn 10 sinh viên với dáng vẻ uể oải, hầu hết đang học năm thứ 3 hoặc năm cuối.

Hầu như mỗi trường thành viên của ĐHQG TPHCM đều có một trung tâm ngoại ngữ, không chỉ dạy cho sinh viên trong trường mà còn cho sinh viên các trường khác sang “học nhờ, thi nhờ”. N.Q (ĐH KHXH&NV) cho biết, rất nhiều sinh viên của trường đã sang ĐH Khoa học tự nhiên để thi lấy chứng chỉ vì như N.Q nói: “Bên ĐH KHXH&NV thi khó vô cùng, lần nào mình thi cũng trượt, nghe các bạn sang bên tự nhiên thi thì đậu luôn vì đề dễ hơn rất nhiều. Trường mình chỉ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ của ĐHQG nên bằng B của ĐH KHXH&NV hay ĐH KHTN đều được, miễn là trong khối ĐHQG”.

Hiện tượng sinh viên gần đến ngày tốt nghiệp mới cuống lên kiếm tấm bằng ngoại ngữ không phải chuyện hiếm. N.Q cho biết, một số sinh viên rỉ tai nhau học những lớp “bao đậu” do chính giảng viên tiếng Anh trong trường dạy với mức giá 2 triệu đồng/khóa. Tại các lớp này, sinh viên được luyện làm những dạng bài tương tự, thậm chí giống hệt như đề thi. Trong trường còn truyền tai nhau chuyện một sinh viên đã chi 15 triệu đồng để “mua” được chứng chỉ C Anh văn trong khi gần như không đọc, nói, viết được một chữ tiếng Anh nào. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học mà trình độ ngoại ngữ mới chỉ là đọc chưa thông, viết chưa thạo.

Có thể bạn quan tâm: Chương trình tiếng anh cho người mất căn bản:


Theo tác giả Bạch Dương, Đức Lộc, Số 255 Báo Lao Động, tin gốc: http://laodong.com.vn/giao-duc/hoc-ngoai-ngu-trong-truong-dai-hoc-doi-pho-va-khong-thuc-chat-262930.bld