Hỏi: Em sinh năm 90 nhưng hiện tại em là sinh viên năm thứ nhất trường đại học, nhưng khi học ở đây em mới nhận ra mình không có một chút hứng thú với ngành học mà em đang theo. Theo Ban tư vấn em có nên thi lại không, bởi em cũng bị áp lực tuổi tác, mặt khác bằng tốt nghiệp và học bạ chính em đã nộp cho trường rút ra chắc mất nhiều tiền. ([email protected])

*Trả lời:

Trên thực tế đôi khi học ngành mình hứng thú chưa chắc đã thành đạt hơn những ngành hiện tại chưa thích. Chính vì thế em cần xác định lại rõ ràng về khả năng của mình và xu hướng của ngành nghề trong tương lại. Hiện nay việc chọn ngành ngoài việc theo năng lực, sở thích còn phải tính đến xu hướng việc làm sau khi ra trường.

Theo Ban tư vấn thì trước mắt em nên trình bày nguyện vọng của mình với Ban giám hiệu nhà trường để được phép dự thi lại ĐH. Sau khi trúng tuyển thì em có thời gian lựa chọn để đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu Ban giám hiệu nhà trường đồng ý cho em dự thi thì chắc chắn sẽ không làm khó dễ trong việc rút hồ sơ sau này.

Còn nếu đi thi mà không xin phép Ban giám hiệu trường đã theo học thì em phải xác định có thể phải bồi thường kinh phí đào tạo (nếu trường yêu cầu). Chúc em thành công!
Em tốt nghiệp hệ cao đẳng chính qui ngành tin học trường ĐH khoa học tự nhiên TPHCM, em đang học hệ liên thông của trường ĐH Sư phạm Thành phố HCM, em đang học tại cơ sở trường cao đẳng công thương TPHCM. Em xin hỏi là khi tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp là chính qui hay tại chức? ([email protected])

Theo quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ thì người học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, sau khi kết thúc khoá học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ chính quy, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy.

Học liên thông sẽ được cấp bằng như thế nào? - Ảnh 1
Hình minh hoạ


Người học theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học, sau khi kết thúc khoá học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ vừa làm vừa học, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.
Chính vì thế để biết chính xác mình được cấp bằng chính quy hay tại chức em phải đánh giá xem mình đang theo học hình thức nào. Thông thường trước khi thông báo tuyển sinh các trường đưa ra rất chi tiết về hình thức đào tạo, em nên liên hệ trực tiếp với Phòng đào tạo nhà trường để được hỗ trợ chính xác nhất.

Em hiện đang học lớp 12, em tính sẽ dự thi vào ngành ngoại thương, em tính thi ở Cần Thơ nhưng em không biết nộp đơn vào những trường nào? Em nên ôn thi ở đâu và em cần học như thế nào để có thể đậu? Hiện tại em đang ở Cà Mau vậy em có được điểm ưu tiên gì không? Sau khi học xong đại học ngoại thương em có thể ra làm những công việc gì? ([email protected])

- Về ngành nghề, chỉ tiêu em nên đợi cuốn “Những điều cần biết…” được ban hành vào tháng 3 tới để có thông tin đầy đủ nhất.

Ngoại Thương là một chuyên ngành hẹp của ngành Kinh tế. Thông thường các trường có đào tạo khối kinh tế đều có các chuyên ngành hẹp của ngành Ngoại Thương. Ở TPHCM em có thể tham khảo một số trường đào tạo các chuyên ngành này như ĐH Hoa Sen, ĐH Hồng Bàng, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại Thương cơ sở 2…

Việc học như thế nào để đậu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Em cần phải đánh giá lại sức học và khả năng của mình để chọn được trường phù hợp. Nếu em có kiến thức tốt thì việc đến các trung tâm ôn thi là không cần thiết, em có thể tự ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài của mình ở nhà. Nhiều năm qua đề thi ĐH, CĐ được ra theo phương thức bám sát chương trình SGK, không đánh đố và quá khó.

- Ưu tiên trong tuyển sinh bao gồm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực. Chính vì thế nếu em học THPT ở nơi nào sẽ được hưởng ưu tiên ở khu vực đó. Điểm ưu tiên khu vực được chia thành 3 mức: KV1 được cộng 1,5 điểm, KV2-NT được cộng 1 điểm, KV2 được cộng 0,5 điểm.

- Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Ngoại Thương là đào tạo Cử nhân kinh tế thông thạo ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao. Trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh quốc tế và chính sách ngoại thương. Có sự am hiểu nhất định về pháp luật và thông lệ trong giao dịch thương mại quốc tế để nghiên cứu thị trường nước ngoài, đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, triển khai và hoàn tất các nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, hãng tàu, công ty bảo hiểm, công ty giao nhận, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài, các công ty liên doanh, các khu chế xuất, các khu công nghệ cao... cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại quốc tế và quan hệ đối ngoại.

Em đang có ý định thi vào trường Ngoại Thương, nhưng em được biết là năm 2011 tới, một số trường đại học nằm trong nội thành Hà Nội sẽ bị chuyển ra ngoại thành, trong đó có Đại học Ngoại Thương. Em muốn hỏi về thực hư của vấn đề này, và liệu nó có áp dụng ngay trong năm nay hay không? ([email protected])

Theo Ban tư vấn thì em không nên bận tâm về vấn đề này. Việc học ở khu vực nào không quan trọng bằng việc em tập trung ôn tập để thi trúng tuyển vào trường.

Hiện nay vấn đề di dời các trường ĐH ra ngoại thành đang gặp nhiều khó khăn. Để làm được điều đó các trường phải có đất và đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được bài toán này.

Em đang là học sinh lớp 12, có dự định thi vào trường ĐH Bách Khoa Hà Nội hoặc trường Kinh tế quốc dân. Một số người thân của em nói rằng: “Trường ĐH Bách khoa sau khi sinh viên tham gia học 1 năm thì mới chính thức phân khoa” và “khi thi vào trường Kinh tế quốc dân, nếu không đủ điểm vào ngành đã đăng kí thì được chuyển sang học ngành khác của trường nếu đủ điểm”. Em xin hỏi ban tư vấn tuyển sinh là các thông tin trên có chính xác hay không? ([email protected])

Thông tin em nêu ra là hoàn toàn đúng nhưng chưa rõ ràng. Nhằm giúp em có định hướng tốt Ban tư vấn sẽ nói rõ hơn một chút về vấn đề này.

Bắt đầu từ năm 2010, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội xây dựng điểm chuẩn theo nhóm ngành kết hợp với điểm chuẩn vào trường. Nhà trường có 7 nhóm ngành:

Nhóm ngành 1: Cơ khí- cơ điện tử- nhiệt lạnh gồm tám ngành: cơ khí thuật, kĩ thuật cơ khí, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kĩ thuật ô tô, kĩ thuật cơ điện tử, kĩ thuật hàng không, kĩ thuật tàu thủy, kĩ thuật nhiệt. Nhóm ngành 2: Điện - điện tử - công nghệ thông tin - toán tin gồm ngành kĩ thuật điện tử, điện tử, kĩ thuật điều khiển và tự động hóa, kĩ thuật điện tử truyền thông, kĩ thuật y sinh (chương trình tiên tiến), kĩ thuật máy tính, khoa học máy tính truyền truyền thông và mạng máy tính, kĩ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, công nghệ thông tin, toán ứng dụng.

Nhóm ngành 3: Hóa sinh thực phẩm- môi trường gồm các ngành: kĩ thuật hóa học, hóa học, xuất bản, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm và kĩ thuật môi trường. Nhóm ngành 4: Dệt may- vật liệu- sư phạm kĩ thuật gồm ngành kĩ thuật dệt, công nghệ may, kĩ thuật vật liệu, khoa học vật liệu (chương trình tiên tiến), sư phạm kĩ thuật công nghiệp. Nhóm ngành 5: Vật lý kĩ thuật và kĩ thuật hạt nhân Nhóm ngành 6: Kinh tế quản lý gồm 3 ngành quản trị kinh doanh, kĩ thuật công nghiệp và quản lý công nghiệp. Nhóm ngành 7: Ngôn ngữ Anh.

Thí sinh trúng tuyển ở nhóm ngành nào sẽ có cơ hội được theo học các chuyên ngành của nhóm ngành đó. Việc theo học ngành nào sẽ phụ thuộc vào đăng ký và kết quả học tập của sinh viên ở năm thứ nhất.

Đối với trường ĐH Kinh tế Quốc Dân thì xây dựng điểm chuẩn theo phương thức: Lấy điểm sàn chung kết hợp với điểm chuẩn ngành.

Như vậy nếu em đạt mức điểm sàn mà nhà trường đưa ra thì chắc chắn thuộc diện trúng tuyển. Nếu em đủ điểm vào ngành ĐKDT thì chắc chắn sẽ được theo học ngành đó. Nếu không đủ điểm vào ngành ĐKDT thì sẽ được bố trí sang các ngành khác cùng khối thi và có điểm chuẩn thấp hơn. Việc đăng ký chuyển đổi ngành sẽ được hướng dẫn chi tiết trong giấy báo tựu trường.

Em là một học sinh tốt nghiệp THPT tại Hà Nội nhưng hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc. Mong ban tuyển sinh hướng dẫn cho em cách làm hồ sơ với trường hợp của em (với đối tượng là thí sinh tự do)? ([email protected])

Về cách làm hồ sơ ĐKDT thì không khác nhiều so với lần đầu em dự thi. Điểm khác là ở chỗ em không nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT mà nộp theo tuyển Phòng, Sở GD-ĐT hoặc trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó sẽ có thay đổi về thông tin khi điền hồ sơ ĐKDT đó mà mã đơn vị ĐKDT (Khi em còn học thì mã đơn vị ĐKDT theo trường THPT)

Trước tiên em cần phải xác định phải xác định là mình nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu. Nếu em nộp hồ sơ ĐKDT tại nơi mình có hộ khẩu thường trú thì tùy thuộc em nộp tại Phòng giáo dục nào của địa phương sẽ có mã đơn vị ĐKDT tương ứng. Em có thể hỏi trực tiếp cán bộ tuyển sinh nơi mình nộp hồ sơ để biết chính xác mã này.

Nếu em nộp hồ sơ ĐKDT tại nơi mình không có hộ khẩu thường trú thì mã đơn vị ĐKDT sẽ theo diện mã vãng lai. Mã vãng lai của các tỉnh, thành đựa quy định chi tiết trong cuốn “Những điều cần biết…”. Trong trường hợp em nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ thì mã đơn vị ĐKDT đều được quy ước là 99.

Em nên lưu ý: Dù nộp theo hình thức nào thì hồ sơ ĐKDT của em vẫn phải có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú.

Ban Tư vấn tuyển sinh - Dantri