Ngoài kiến thức trên lớp ra, giảng đường giúp bạn nhận ra rằng mình phải tự tìm cách dạy chính mình, ngoài ra còn dạy bạn về cuộc sống và thái độ sống.

Giảng đường không chối bỏ sự phấn đấu

Môi trường Đại học, Cao đẳng là một môi trường đầy tính độc lập. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết tự vận động, tự nỗ lực vươn lên, tự đứng dậy sau vấp ngã. Đó là một xã hội thu nhỏ, có người tốt nhưng cũng không thiếu kẻ xấu, có ganh đua tích cực nhưng cũng đầy toan tính, có công bằng và cả tiêu cực. Suy cho cùng, một vài cá nhân nào đó có thể nhận được nhiều hơn những gì công sức mình bỏ ra, dựa vào tiền bạc hay quyền thế, kèm theo đó là một ít sự may mắn.

Nhưng những người thực sự cố gắng và biết nỗ lực thì chắc chắn sẽ không bao giờ bị phủ nhận. Đại học có thể tôn vinh một vài cá nhân không xứng đáng, nhưng không chối bỏ sự phấn đấu của bất kì cá nhân nào. Sinh viên, chúng ta đã bước đầu gánh trên vai cả cuộc đời mình, được học, được “thực tập” để làm quen với những điều mà cuộc sống bên ngoài đang chờ đợi.



hoc dai hoc, dai hoc, tuyen sinh, truong dai hoc, kenh 14

Là môi trường hướng bạn suy nghĩ tích cực

“Mình đang làm việc trong một trường Đại học mà chẳng ai tốn thời gian cầm tiền và tìm cách chia động từ “chạy chọt”, vì đấy là việc làm vô nghĩa và đáng buồn cười nhất ở đây. Cá nhân mình nghĩ rằng thay vì các bạn cứ than phiền hay phàn nàn, hãy nghĩ mình đã rơi vào một môi trường tốt để ném bản thân vào vòng nỗ lực: nỗ lực học thay vì cách dùng tiền mua điểm, nỗ lực thay đổi bản thân để góp phần thay đổi thế giới nhỏ xung quanh. Nếu bạn học tốt và không đưa tiền, thì làm gì có lý do cho “tệ nạn chạy chọt” tồn tại?” – Bích Vân ( Giáo viên thực tập tại Đại học Đà Nẵng) cho biết.

Dạy bạn sống Tự do và Trách nhiệm

Đại học sẽ là nơi bạn học được rất nhiều bài học cuộc sống cần thiết. Bạn học cách tự học – vì không còn thầy cô cầm tay chỉ đường như khi còn phổ thông. Bạn không xoay xở được với biển kiến thức khổng lồ, những tưởng bạn sẽ chết chìm. Nhưng đa số, nhiều bạn sau khi tự loay hoay xoay xở thì nhận ra thật sự mình bơi rất giỏi và chẳng thua kém ai.

Bạn có hai chữ T cần tự mình gánh vác, là Tự do và Trách nhiệm: cách tự quyết định hôm nay bùng tiết đi chơi hay vẫn lên giảng đường đi học. Đó chính là những thứ quan trọng để bạn bước ra cuộc sống sau này.

Đừng than vãn và nhìn ra toàn điểm tiêu cực, hãy nghiêm túc coi đây như là giai đoạn demo để bạn bước ra cuộc sống thật bởi thật ra, cuộc sống thật đôi khi và đôi nơi nó còn gớm ghiếc hơn nhiều.

Còn tư duy thì sao?

Tất nhiên là không thể thiếu yếu tố này. Có rất nhiều từ để ghép với từ tư duy như: Tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy bạn bè, tư duy độc lập, tư duy kỹ năng…Nhưng cái bạn học được lớn nhất chính là tư duy nhìn nhận vấn đề đúng đắn dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Quang (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Đại học đã dạy tớ khi xem xét một vấn đề,  không nên nhìn sự vật/hiện tượng đó theo phán đoán chủ quan mà phải đặt nó theo các góc độ khác nhau để có cái nhìn tổng quát. Ví dụ rất đơn giản: những việc bạn làm sai chưa chắc đã xấu và những việc làm đúng chắc gì đã hoàn toàn tốt? Đúng không?”

Nếu môi trường Đại học khiến bạn nhìn cuộc đời màu xám hơn thì tin tôi đi, cuộc sống ngoài kia trần trụi như vậy đấy, khi nào bạn đối diện nó thì đó là khi bạn trưởng thành. Và nếu có thể, đừng chấp nhận mà hãy thay đổi nó theo cách mà bạn cho là đúng, trường Đại học đang là một bệ phóng tốt đấy chứ?!

Và dạy bạn cách chấp nhận khác biệt

Khi đã là sinh viên, sự trưởng thành không nằm trên tấm chứng minh thư mà thể hiện ở cách nhìn nhận và giải quyết những vấn đề của bản thân. Trong một lớp, sinh viên đến từ nhiều vùng khác nhau. Dù họ cũng là học sinh THPT, cùng học một chương trình học như bạn, nhưng chắc chắn ở nơi khác, cách nhìn, cách đánh giá, cách sống hay cụ thể hơn là hệ giá trị của họ không đồng nhất với bạn. Điều quan trọng không phải là đánh giá họ đúng hay sai, hay hay dở, mà quan trọng là chấp nhận và dung hòa sự khác biệt đó. Điều đó cũng đúng khi bạn va chạm, tiếp xúc với nhiều người khác trong xã hội mà trước giờ chưa có cơ hội.

Hãy luôn giữ bản lĩnh nhưng đừng cứng nhắc trước nhiều thực tế của cuộc sống. Không còn nghĩ mình là trẻ con, cũng không còn quan niệm thầy giáo luôn đúng nữa, mỗi người phải tự thân mà vận động. Chính bạn đang đứng ngoài xã hội rộng lớn mà Đại học là một điểm dừng chân đấy!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: Zing