Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Kết quả khảo sát của dự án sức khỏe và dinh dưỡng học đường cho thấy trong 100 học sinh tiểu học thì có hơn 30 học sinh bị cận thị. Ở bậc THCS, con số này là 48 em.

TP.HCM: số học sinh đeo kính tăng

Báo cáo đánh giá cuối kỳ của TS Phạm Văn Phú (ĐH Y Hà Nội) trong dự án sức khỏe và dinh dưỡng học đường do Tổ chức Cứu trợ trẻ em cùng ba sở GD-ĐT gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM phối hợp thực hiện cho biết tỉ lệ học sinh bị các tật về nhìn rất cao, nhưng hiểu biết của các em về việc giữ cho mắt khỏe lại khá sơ sài. Cụ thể, tỉ lệ cận thị của học sinh tiểu học ở Hà Nội khảo sát năm 2013 trên 100 em là 23%, Hải Phòng là 22,6% và TP.HCM là 25,5%. Tỉ lệ loạn thị của học sinh tiểu học ít hơn cận thị nhưng cũng là một tật chiếm tỉ lệ nhiều trong giới học sinh. Tại Hà Nội, tỉ lệ này là 8%, Hải Phòng là 5,9% còn TP.HCM lên đến 12,7%.

tỷ lệ cận thị học đường ngày càng gia tăng

Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS cũng cho biết càng học lên cao, số học sinh bị tật về nhìn càng tăng.

Khảo sát tại ba tỉnh, thành nói trên ở bậc THCS cho con số đáng báo động hơn. Ở Hà Nội và Hải Phòng, cứ trong 100 học sinh THCS thì có đến 40 em bị cận thị, riêng TP.HCM là 48,2%. Tỉ lệ học sinh phải đeo các loại kính (cận, viễn, loạn) cũng tăng theo cấp học. Khảo sát đối với học sinh tiểu học năm 2013 tại Hà Nội cho tỉ lệ 27% phải đeo kính, nhưng bậc THCS cao hơn 11%, đến 38%; tại Hải Phòng là 22,6% với học sinh tiểu học, nhưng bậc THCS có đến 37%; riêng TP.HCM “vượt” mặt với 34,6% học sinh tiểu học và 45,5% học sinh THCS phải đeo kính.

Dự án sức khỏe và dinh dưỡng học đường được thực hiện ở 30 trường THCS, tiểu học tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM từ tháng 6-2011. Trong giai đoạn 2 của dự án, từ nay đến năm 2015 TP.HCM có thêm hai trường được đưa vào danh sách tham gia là THCS Trung Mỹ Tây 1 và tiểu học Nhị Tân (Hóc Môn) nâng tổng số trường tham gia lên 12 trường. Đây là những trường học thuộc diện nghèo, khó khăn của TP.

Mọi nẻo đường đều dẫn đến... cận thị

“Nghiện” điện thoại, máy tính, game; ngồi sai tư thế, học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng... là những nguyên nhân khiến tỉ lệ học sinh cận thị ngày càng nhiều. Ngoài ra, nhiều phụ huynh và học sinh chủ quan, không khám và điều trị khi phát hiện trẻ bị cận thị.

Tại TP.HCM, rất hiếm phòng học có đầy đủ ánh sáng tự nhiên để đảm bảo việc dạy học. Đa số trường sử dụng hệ thống bóng đèn để chiếu sáng. Nhiều học sinh và giáo viên cho biết việc học tập diễn ra trong thời gian dài dưới “rừng” bóng đèn khiến cả cô lẫn trò bị chói, lóa mắt, nhất là những tiết học đòi hỏi tập trung cao độ.

Trường THCS An Nhơn, Gò Vấp tuy cũ nhưng là một trong những ngôi trường hiếm hoi ở TP.HCM tận dụng được ánh sáng thiên nhiên do thiết kế phòng học thoáng rộng, có một cửa chính, bốn cửa sổ ở hai mặt phòng. Tuy vậy, mỗi phòng học vẫn phải sử dụng ít nhất bốn bóng đèn neon mới có thể đáp ứng việc dạy học. Với những cây cổ thụ tán rộng, sum sê ở sân trường, nhà trường phải thường xuyên cắt cành, tỉa cây để các tán lá không lấy đi ánh sáng của các phòng học.

Trong khi đó, nhiều trường ở TP.HCM có diện tích chật chội, thiếu sáng thì tất cả hoạt động giảng dạy đều phải phụ thuộc vào bóng đèn. Như ở Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Phú Nhuận), các lớp học ở tầng trệt bị dãy nhà phía sau che mất ánh sáng nên mỗi phòng học phải sử dụng 14-18 bóng đèn, trong đó có hai bóng đèn chiếu sáng phần bảng.

Bên cạnh điều kiện ánh sáng, những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tăng tỉ lệ cận thị là việc học sinh tiếp xúc với các loại máy móc màn hình nhỏ quá nhiều và với cường độ cao. Cô Trương Thị Thanh Mỹ, hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Từ năm 2006, nhà trường đã sử dụng loại bàn học có thể điều chỉnh phù hợp với dáng người học sinh, đầu năm có hoạt động hướng dẫn học sinh cách cầm bút, tư thế ngồi đúng, cứ 2-3 tháng giáo viên lại đổi chỗ ngồi học sinh để các em điều chỉnh mắt khi nhìn bảng. Tuy nhiên, việc phụ huynh cho con sử dụng điện thoại, đặc biệt các loại điện thoại “xịn”, ngoài giờ học các em chơi game nhiều, nhất là các em lớp 4, 5, có thể khiến tỉ lệ cận thị cao”.

Tại trường này, năm học 2012-2013 có 28% học sinh bị cận thị (trên tổng số khoảng 700 học sinh). Đáng nói là sau các hoạt động khám mắt định kỳ, nhà trường đã gửi thông tin đề nghị phụ huynh cho con đi khám mắt và đeo kính, nhưng chỉ có một nửa trong số này được đi khám và điều trị. Nhiều phụ huynh không quan tâm hoặc chủ quan với việc cận thị của con mình. Theo khảo sát của nhà trường, học sinh ở các lớp 4, 5 bị cận thị nhiều hơn so với học sinh lớp 1 mới vào trường.

Cô Lê Thị Phương Thảo, cán bộ phụ trách y tế Trường THCS An Nhơn, cho biết đợt kiểm tra mắt đầu tháng 10-2013 cho thấy có 317/1.001 học sinh của trường bị cận thị, trong đó phần lớn chưa đeo kính. Chỉ riêng khối lớp 9 có sáu lớp với khoảng 300 em thì đã có hơn 100 em bị cận thị. “Nhiều học sinh mắc cỡ nên bị cận thị vẫn không chịu đeo kính hoặc có kính nhưng không đeo thường xuyên khiến mắt ngày càng nặng hơn. Các lớp càng lớn thì tỉ lệ học sinh cận thị càng cao do bài vở nhiều hơn” - cô Thảo cho biết.

Để giảm các tật về mắt

Cũng theo khảo sát của TS Phạm Văn Phú, việc được chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng và khám định kỳ về mắt đối với học sinh các bậc học sẽ làm giảm tỉ lệ học sinh bị các tật về mắt. Như tại TP.HCM, năm 2012 cứ 100 học sinh THCS thì có hơn 55 em bị cận thị nhưng năm 2013 đã giảm chỉ còn 48 em khi các trường có các chương trình tư vấn sức khỏe trực tiếp từ các bác sĩ mắt.

Những hiểu biết về giữ cho mắt rất quan trọng nhưng chỉ 26,4% học sinh tiểu học ở TP.HCM, 32% ở Hải Phòng và 37% ở Hà Nội biết được cả 6 kiến thức như ăn những thực phẩm tốt cho mắt; không đọc sách, xem tivi quá gần, nơi thiếu ánh sáng; kiểm tra thị lực thường xuyên; không sử dụng máy vi tính quá lâu...

Đưa tài liệu sức khỏe dinh dưỡng vào trường học

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở sẽ đưa tài liệu sức khỏe và dinh dưỡng học đường đến với các trường THCS và tiểu học trên địa bàn TP. Sở sẽ bàn bạc với Tổ chức Cứu trợ trẻ em để có thể phổ biến tài liệu này đến nhiều trường, nhiều giáo viên, giúp giáo viên có thêm kiến thức sức khỏe để sinh hoạt với học sinh... Tài liệu hướng dẫn sức khỏe và dinh dưỡng học đường được nhiều chuyên gia dinh dưỡng, sức khỏe biên soạn và là một phần kết quả giai đoạn 1 của dự án sức khỏe và dinh dưỡng học đường. Dự án nhằm hướng dẫn giáo viên thực hiện hoạt động ngoại khóa về sức khỏe và dinh dưỡng học đường với nhiều nhóm chủ đề dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 của tiểu học và THCS.

Theo báo tuổi trẻ