DU HỌC - HỌC BỔNG - HỌC BỔNG DU HỌC - DU HỌC MỸ - GIÁO DỤC

>> Chương trình học bổng Global UGRAD

>> Học bổng giao lưu văn hoá Mỹ 2013

Học bổng Global Undergraduate Exchange và những câu hỏi thường gặp

1. Em hiện đang là sinh viên năm thứ tư tại một trường đại học ở Việt Nam, vậy em có thể nộp đơn dự tuyển chương trình được không?

Chương trình yêu cầu sinh viên phải còn ít nhất một học kỳ ở trường đại học Việt Nam sau khi kết thúc chương trình ở Mỹ. Nếu em là sinh viên năm thứ tư hệ đào tạo bốn năm thì hồ sơ của em không hợp lệ.

2. Em là công dân Việt Nam hiện đang học đại học ở Anh Quốc, hồ sơ dự tuyển của em có được chấp nhận không?

Không. Chương trình Global UGRAD chỉ dành cho sinh viên Việt Nam hiện đang theo học các trường đại học Việt Nam, hồ sơ dự tuyển của em sẽ không được chấp nhận.

3. Em là công dân Việt Nam hiện đang theo học một trường đại học ở Việt Nam, em có người thân ruột thịt hiện đang định cư ở Hoa Kỳ, hồ sơ dự tuyển của em có được chấp nhận không?

Hồ sơ của em được chấp nhận.

4. Em hiện đang theo học một chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, vậy em có thể nộp đơn xin dự tuyển chương trình được không?

Hồ sơ của em được chấp nhận.

5. Ngoài chứng chỉ TOEFL, chương trình còn chấp nhận những chứng chỉ tiếng Anh nào khác không?

Chứng chỉ TOEFL không phải là giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ dự tuyển. Các chứng chỉ tiếng Anh khác có thể được chấp nhận cho vòng tuyển chọn ở Việt Nam. Trước vòng phỏng vấn tại Việt Nam, các ứng viên tiềm năng chưa có chứng chỉ tiếng Anh sẽ được yêu cầu tự túc thi lấy một chứng chỉ tiếng Anh tuỳ lựa chọn, ví dụ như ITP TOEFL, TOEIC, IELTS…). Nếu được đề cử tham gia chương trình, ứng viên sẽ được tài trợ để thi lấy chứng chỉ iBT TOEFL nếu chưa có.

6. Em có thể bổ sung chứng chỉ tiếng Anh, hoặc cập nhật điểm mới cao hơn sau khi đã nộp hồ sơ dự tuyển không?

Có, nếu sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh đó khoảng một đến hai tuần sau hạn chót nộp hồ sơ. Sau thời gian này, hồ sơ bổ sung sẽ không được chấp nhận nữa.

7. Em có thể nộp bản sao chứng chỉ tiếng Anh thay vì nộp bản gốc được không?

Được. Sinh viên có thể nộp bản sao (không cần công chứng) chứng chỉ tiếng Anh. Nếu được lựa chọn, chương trình sẽ yêu cầu sinh viên nộp bản gốc khi đến phỏng vấn.

8. Em chỉ có điểm IELTS do trường nơi em học tổ chức thi, vậy có được chấp nhận không?

Được, sinh viên có thể nộp các chứng chỉ tiếng Anh khác, ngoài chứng chỉ TOEFL, như là một giấy tờ tham khảo về trình độ Anh ngữ của sinh viên.

9. Trong đơn dự tuyển, em có phải quy đổi điểm ở trường đại học Việt Nam theo hệ thống thang điểm của các trường đại học Mỹ không?

Không. Bảng điểm của sinh viên cần ghi điểm môn học và điểm trung bình học kỳ đúng theo hệ thống thang điểm được áp dụng tại trường đại học sinh viên theo học ở Việt Nam. Tương tự khi sinh viên điền mẫu đơn dự tuyển.

10. Trong đơn dự tuyển, mục “Emergency Contact Information” có ý nghĩa gì? Em có thể để trống mục này không?

Đây là mục để ứng viên điền thông tin về người (ở Hoa Kỳ và Việt Nam) mà chương trình có thể liên hệ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sinh viên. Nếu không có mối quan hệ nào ở Mỹ, sinh viên có thể để trống mục “In the United States”. Không được bỏ trống mục “In your home country”.

11. Trong đơn dự tuyển, phần dán ảnh hộ chiếu đề nghị dán “two photocopies of a Passport-size (2 x 2 inches) photograph here” nghĩa là sao?

Nghĩa là bản mềm (soft copy) của đơn xin dự tuyển nộp trực tuyến phải có ảnh. Sau khi đã nộp trực tuyến, sinh viên in đơn xin dự tuyển ra để nộp cùng các giấy tờ khác, bản in đó sẽ có copy ảnh hộ chiếu mà chương trình yêu cầu. Tuyệt đối không dán ảnh vào bản cứng (hard copy) của đơn xin dự tuyển. 2x2 inches tương đương 5x5cm, nhưng ảnh 4x6 cũng có thể được chấp nhận, với điều kiện không bị co kéo làm hình ảnh không trung thực.

12. Trong đơn dự tuyển, phần số điện thoại phải ghi thế nào cho đúng?

Số điện thoại cố định 8 35204610 sẽ phải viết thành (84) (8) 3520 4610

Số di động 0122 670 8312 sẽ phải viết thành (84) (122) 670 – 8312

13. Trong đơn dự tuyển, phần Field of Study, em đã học chuyên ban D ở trường cấp 3 và cũng đang theo ngành Cử nhân Tiếng Anh, liệu em có thể chọn PR hoặc Marketing cho khóa học của mình tại Mĩ không?

Sinh viên ở Việt Nam đang học chuyên ngành gì thì phải khai ngành đó trong đơn, mục Academic Major. Tiếp theo là mục “Other Fields of Academic Interests”, thông thường ở mục này ứng viên sẽ khai cụ thể hơn ngành học, ví dụ Marketing, Finance..., nhưng cũng có thể khai những ngành học khác mà ứng viên quan tâm. Một sinh viên đang học TESOL có thể khai ở mục này là thích học Finance được. Tương tự, các sinh viên có chuyên ngành Finance cũng có thể điền ngành TESOL, hay American Studies ở mục này.

14. Trong đơn dự tuyển, phần Educational Background, phải khai thế nào cho đúng?

Hàng Primary school: chỉ khai điểm trung bình năm lớp 5, bỏ trống cột Major Field of Study, cột Degree Received and Date Received chỉ điền ngày tháng năm tốt nghiệp tiểu học.

Hàng Secondary school: phải khai làm hai dòng, THCS và THPT. Chỉ khai điểm trung bình năm lớp 9 và lớp 12, bỏ trống cột Major Field of Study, cột Degree Received and Date Received chỉ điền ngày tháng năm tốt nghiệp THCS và THPT.

Hàng University: Cột Degree Received and Date Received ghi tên bằng đại học theo tiếng Anh, ví dụ bằng cử nhân thì ghi là Bachelor of Arts, và ngày tháng sẽ được nhận bẳng

Điểm trung bình (GPA) phải ghi điểm trung bình trên tổng điểm tối đa, ví dụ 3.3/4, hay 8/10.

15. Trong đơn dự tuyển, phần Non – Academic Activities, em hiện đang tham dự một câu lạc bộ từ thiện và cũng đã làm rất nhiều chương trình từ thiện. Tuy nhiên hầu hết các câu lạc bộ này do các nhóm sinh viên lập ra và sẽ không thể cấp chứng chỉ cho em. Vậy em phải làm sao để chứng mình là mình có tham gia?

Em có thể đề nghị người phụ trách câu lạc bộ gửi thư xác nhận và gửi kèm các hình ảnh hoạt động để chứng minh.

16. Em có thể nộp thư giới thiệu từ người không phải là giáo viên của em không?

Chương trình yêu cầu nộp ba thư giới thiệu từ giáo viên, trong đó một thư từ giáo viên trung học phổ thông. Thư giới thiệu từ người không phải là giáo viên của em là không cần thiết. Tuy nhiên nếu muốn em có thể nộp thêm thư này, ngoài ba thư giới thiệu bắt buộc.

17. Phần yêu cầu nộp “Official results of the national general secondary school graduation exam” nghĩa là sao? Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT của em chỉ có đánh giá kết quả (Giỏi, Trung bình…) chứ không có điểm số các môn thi.

Em cần nộp copy bản dịch tiếng Anh có công chứng Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (tạm thời) có ghi số điểm của từng môn, hoặc copy bản dịch tiếng Anh có công chứng Bằng tốt nghiêp THPT.

18. Em đang tham gia một chương trình trao đổi ở nước ngoài, em có thể xin thư giới thiệu từ giáo viên nước ngoài của em không?


Em có thể xin thư giới thiệu từ giáo viên nước ngoài đang/đã dạy em.

19. Thư giới thiệu của em được viết bằng tiếng Việt, em có thể nộp thư này được không?

Thư giới thiệu bằng tiếng Việt cần phải được dịch sang tiếng Anh và công chứng. Em cần nộp cả bản gốc và bản dịch công chứng.

20. Em có thể viết phần “Personal Statement” dài hơn quy định được không?

Phần Personal Statement có thể viết dài hơn (hoặc ngắn hơn) quy định 5% đến 10%. Không nên viết dài hơn (hoặc ngắn hơn) mức cho phép này.

21. Làm thế nào để biết liệu em sẽ được lựa chọn để học một kỳ, hay cả năm học tại một trường đại học ở Hoa Kỳ?

Điều này tuỳ thuộc vào ngành học của ứng viên, việc xếp trường và ngân sách mà chương trình được cấp hàng năm.

22. Nếu được tham gia chương trình, em có được chọn trường không?

Không, sinh viên không được chọn trường theo sở thích của mình. Tuy nhiên chương trình sẽ dựa vào ngành học và các mối quan tâm học thuật của sinh viên (như trong đơn dự tuyển) để xếp sinh viên vào học ở trường phù hợp.

23. Em có thể chuyển đổi tín chỉ tích luỹ được ở trường bên Mỹ về trường đại học em đang theo học ở Việt Nam không?

Đây là chương trình học không cấp bằng và sinh viên có nhiệm vụ tự tìm hiểu với trường đại học sinh viên đang theo học ở Việt Nam về khả năng chuyển đổi tín chỉ tích luỹ được khi tham gia chương trình ở Mỹ.

24. Nếu được lựa chọn tham gia chương trình, em có phải trả khoản chi phí nào không (đi lại, ăn ở v..v..)?

Đây là học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Sinh viên tham gia chương trình phải thanh toán chi phí làm hộ chiếu, khám sức khoẻ (theo mẫu của chương trình) và tiêm chủng tại Việt Nam. Ngoài ra không phải thanh toán bất cứ chi phí nào khác.

25. Nếu em được lựa chọn tham gia chương trình nhưng lại không thể tham gia vào thời gian đã ấn định, em có thể bảo lưu học bổng đến năm sau được không?

Không. Nếu muốn dự tuyển lại, em sẽ phải nộp hồ sơ dự tuyển như mọi ứng viên khác. Việc xin rút khỏi chương trình với lý do chính đáng không hề ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ lại của em vào năm tiếp theo.

26. Sau khi kết thúc chương trình UGRAD, em có thể ở lại Hoa Kỳ để tiếp tục theo học một chương trình cấp bằng khác không? (nếu em đã nộp đơn dự tuyển và trúng tuyển chương trình đó)?

Không. Sinh viên tham gia chương trình UGRAD bắt buộc phải trở về Việt Nam sau khi kết thúc chương trình ở Hoa Kỳ. Nếu sinh viên đã được chấp nhận theo học chương trình cấp bằng (hoặc không cấp bằng) khác ở Hoa Kỳ, sinh viên sẽ phải nộp đơn xin thị thực mới tại Việt Nam.

27. Em đã từng được nhận một học bổng trao đổi ngắn hạn (dưới sáu tuần) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dành cho sinh viên Việt Nam cách đây một năm, em có được nộp đơn xin dự tuyển chương trình học bổng UGRAD không?

Em có thể nộp đơn dự tuyển chương trình UGRAD, nhưng sẽ không có lợi thế vì chương trình ưu tiên những sinh viên chưa từng đến Hoa Kỳ.

28. Chương trình Global Undergraduate Exchange Program có phải là chương trình hàng năm không?

Đúng, đây là chương trình tuyển ứng viên hàng năm, từ năm 2008.

29. Chương trình bắt đầu tuyển ứng viên vào thời gian nào trong năm?

Chương trình Global UGRAD thường được thông báo vào cuối tháng 9 hàng năm. Thông báo về chương trình có trên trang web của Sứ quán Hoa Kỳ tại địa chỉ http://www.usembassy.gov và gửi đến các trường đại học ở Việt Nam.

30. Mỗi năm có bao nhiêu sinh viên Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình UGRAD?

Mỗi năm có từ 6 đến 8 sinh viên Việt Nam được lựa chọn để tham gia chương trình.

31. Khi nào thì em được biết kết quả tuyển chọn cuối cùng của chương trình?

Kết quả tuyển chọn cuối cùng của chương trình sẽ được thông báo tới ứng viên trúng tuyển vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 hàng năm.

32. Em chỉ nộp hồ sơ dự tuyển trực tuyến thôi thì có hợp lệ không?

Không, sinh viên cần nộp trực tuyến đơn đăng ký tham gia chương trình theo mẫu, đã điền đầy đủ thông tin, và nộp bản sao đơn này cùng các giấy tờ bắt buộc qua đường bưu điện về địa chỉ phù hợp như trong thông báo của chương trình.

33. Em có phải nộp trực tuyến các giấy tờ bắt buộc khác cùng với đơn dự tuyển không?

Không, chỉ nộp trực tuyến đơn xin dự tuyển.

34. Em chưa có hộ chiếu, vậy hồ sơ của em có hợp lệ không?

Hồ sơ của em hợp lệ. Hộ chiếu không bắt buộc phải nộp cùng hồ sơ dự tuyển. Nếu được lựa chọn, em sẽ được yêu cầu đi làm hộ chiếu và được hướng dẫn để nộp đơn xin visa Hoa Kỳ.
35. Em đang là sinh viên năm thứ nhất nên chưa có bảng điểm đại học. Vậy em phải nộp bảng điểm nào?
Em cần nộp bản dịch tiếng Anh có công chứng và bản sao tiếng Việt bảng điểm các năm học Trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12).

36. Làm thế nào để biết em đã nộp thành công đơn dự tuyển trực tuyến?

Một e-mail xác nhận sẽ được gửi đến địa chỉ e-mail sinh viên đã đăng ký ngay sau khi sinh viên nộp đơn dự tuyển trực tuyến.

37. Em có bắt buộc phải nộp bộ hồ sơ qua đường bưu điện không, hay có thể đến tận địa chỉ nêu trong thông báo để nộp?

Ứng viên các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra Bắc) có thể nộp qua đường bưu điện hoặc đến nộp tận nơi tại địa chỉ ghi trong thông báo về chương trình. Ứng viên các tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên – Huế trở vào Nam) bắt buộc phải nộp qua đường bưu điện, không tự mang hồ sơ đến nộp.

Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:

LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013

TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ

ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - BÁO GIÁO DỤC - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

Theo Lãnh Sự Quán Mỹ