Giọng điệu kể chuyện hài hước, duyên dáng, cách dùng từ nửa “cư dân mạng”, nửa phương ngữ, những bài viết cứ tưng tửng theo những cái bật cười thú vị mà đi vào lòng người đọc, in vào trí họ những lời khuyên, bài học rất cụ thể mà không kém phần sâu sắc, thâm thúy: Hãy học ngoại ngữ, hãy đọc sách, hãy tập thể thao, hãy đúng giờ, hãy rèn thói quen chuyên nghiệp, hãy mang tinh thần làm chủ, hãy cư xử văn minh, lịch lãm, hãy hào sảng, hãy chia sẻ... để hiên ngang, kiêu hãnh đi khắp năm châu bốn biển mà vẫy vùng.

Dành cho người trẻ, hẳn nhiên, nên nhiều bậc phụ huynh đã chọn Cà phê cùng Tony như một món quà dành cho con ở ngưỡng cửa trưởng thành.




Hiện tượng \

 


Nhưng nhiều người đã lớn tuổi đọc sách cũng có khi giật mình vì thấy hình ảnh mình trong những câu chuyện mà tác giả kể về những thói xấu của người Việt: khoe giỏi, khoe giàu, trọng tiền trọng chức; ít học hỏi, tìm hiểu điều gì đến gốc đến ngọn; hay nói dối để lợi mình hại người; hay bớt giờ làm để lo việc riêng; hay tìm cách tham nhũng vặt; thích ăn động vật hoang dã...

Viết những câu chuyện đó, Tony giải thích theo kiểu của mình: “Ai cũng chỉ sống khoảng 100 năm trên trái đất này, với một đời người thì dài nhưng thật ra cũng chỉ là một chớp mắt của vũ trụ. Nên trong cái chớp mắt ấy, sống sao cho đẹp, cho hay, cho đến tận cùng của cảm xúc, yêu thương và được yêu thương trở lại, trong sáng, thánh thiện, quý phái, trong sáng về mặt tâm hồn, có phải hay hơn không?”.

Và lại vẫn có những bài, những đoạn có thể khiến người đọc rơi nước mắt, chính là những câu chuyện mà tác giả kể về bản thân mình, dù vẫn cứ là một người mà nhiều người không biết là ai trong đời thực.

Câu chuyện về cậu bé Tony học giỏi nhưng mỗi sáng chỉ có một bình nước lọc để đi học cho đến nỗi phải ngất xỉu vì đói; hình ảnh cậu bé Tony sốt run cầm cập chỉ vì trót ói vào bồn hoa sứ mà bị bác sĩ từ chối khám bệnh, mặc kệ nước mắt và lời van xin của mẹ; giấc mơ của cậu bé Tony mỗi tối nằm giữa sân nhà nhìn lên bầu trời với trăng, với sao, với những bóng máy bay và những gửi gắm của cha...

Có lúc gây ra những tranh luận về tính xác thực, nhưng chính Tony Buổi Sáng đã tuyên bố “những chuyện và nhân vật đều là hư cấu”.

 



Hiện tượng \

 


Hiện tượng đặc biệt nhất của Cà phê cùng Tony là những bài viết ấy đã bước vào cuộc đời rất nhanh, rất thực. Các câu lạc bộ tình nguyện TnBS đã được thành lập một cách tự nhiên ở nhiều tỉnh, thành phố chỉ bằng vài lời kêu gọi trên Facebook.

Và ở các nhóm tình nguyện đó, các bạn trẻ hết mình với những trải nghiệm mới: đến những miền xa xôi để tìm hiểu và thu mua sản vật, rao hàng và phân phối. Tiền vốn giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, cải thiện thu nhập; tiền lãi được đổi thành áo ấm, giày dép, bánh sữa cho trẻ em...

Không khỏi cảm động khi đọc những dòng tuyên bố mộc mạc, hào sảng của “Quỹ hành động Tony Buổi Sáng”: “Quỹ giúp khởi nghiệp sản xuất, đặc biệt học sinh trường nghề, ngoài hướng dẫn cách làm còn gửi các bạn một ít tiền gọi là động viên. Các bạn không phải trả lại, nếu sau này thành công, thành ông chủ lớn cỡ Samsung, LG... thì góp lại cho quỹ, thất bại thì thôi. Các bạn ở mọi miền có thể đề cử cho TnBS, sau khi xác minh, cơ sở đó sẽ được đăng lên cho độc giả ủng hộ, cùng nhau xây dựng một nền sản xuất VN. Bạn trẻ phải có tinh thần sản xuất. Nước Việt phải thay thế Israel thành quốc gia khởi nghiệp. Người Việt chúng ta sẽ “cho việc” thay vì tốt nghiệp ra trường và xếp hàng “xin việc” như hiện nay...”.

Và đằng sau tất cả hoạt động sôi nổi đó, tác giả Tony Buổi Sáng vẫn là một bí ẩn, và là một bí ẩn đẹp như Tony tự hào: “Có một ông nào đó ở dưới miệt vườn Cần Thơ, đẹp trai ngời ngời, thông tuệ uyên bác, nói chuyện thiệt có duyên, ai cũng mê cũng thích”.

Và lý do cho việc ẩn danh cũng được giải thích thật thuyết phục: “Các bạn không cần tìm kiếm Tony Buổi Sáng là ai, hãng Phượng Tím ở đâu nhé. Nếu một ngày nào đó bạn thấy Tony trên tivi hay báo đài thì Tony đã có mưu cầu thương mại kiếm tiền, hoặc ham danh ham lợi rồi”. Lý do thật là dễ thương nên thôi, Tony cứ ẩn danh đi vậy.

Theo tuoitre.vn