Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâuNgày 11-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 qua 6 đầu cầu truyền hình tại 6 tỉnh, thành.

Giảng viên là “thợ dạy”

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sau 3 năm, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã nghiêm túc thực hiện 3 công khai là cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; thu chi tài chính.

Theo thống kê, có 392/420 trường ĐH, CĐ xây dựng cam kết chất lượng đào tạo; 139 trường ĐH và 98 trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá (tỉ lệ 50%). Tuy nhiên, ông Bùi Văn Ga cho rằng công tác quản lý còn nhiều hạn chế như những sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát hiện, xử lý; các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết; công tác kiểm định chất lượng chậm triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả; việc thực hiện 3 công khai và chuẩn đầu ra còn mang tính hình thức; chương trình đào tạo chậm đổi mới…

thi đại học

Nhiều đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp rốt ráo để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Bà Nguyễn Hải Hằng, Phó Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, cho rằng chất lượng giảng dạy đang phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đáng lưu ý là tâm huyết của người thầy. “Nhiều giảng viên biến thành “thợ dạy” khi tham gia giảng dạy nhiều nơi, mất nhiều sức nên lên lớp qua loa, chiếu lệ. Tuy nhiên, nếu không đi dạy nhiều thì không đủ sống” - bà Hằng nêu thực trạng.

Bà Nguyễn Hải Hằng đề nghị Bộ GD-ĐT giải quyết nút thắt này bằng cách lập cơ sở quản lý giảng viên, đồng thời xem xét giải quyết vấn đề vật chất để họ yên tâm giảng dạy.

Ông Trần Văn Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, bày tỏ bức xúc trước việc các trường mặc sức tuyển sinh hệ sư phạm, dẫn đến tỉnh Phú Yên đang thừa hàng ngàn giáo viên THPT, chưa biết sắp xếp việc làm ra sao. Theo ông Chương, Bộ GD-ĐT nên dự báo nguồn nhân lực mang tính quốc gia về ngành sư phạm. “Nếu cứ nói thiếu giáo viên rồi mặc sức đào tạo để tiếp tục dư thừa thì rất lãng phí” - ông Chương nói.

Trường mạnh thành yếu

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng việc đào tạo theo tín chỉ cần nghiêm túc, kiên trì, có hệ thống để tạo sự thay đổi sâu sắc trong cách dạy và học. Đào tạo theo tín chỉ cần được thực hiện tùy theo nội lực của các trường, không nên “bắt” các trường phải thực hiện khi chưa có sự chuẩn bị bài bản. Bộ GD-ĐT cần có chính sách hỗ trợ về tài chính để sinh viên được đi học ở nước ngoài theo chương trình trao đổi sinh viên để các trường nước ngoài công nhận tín chỉ của các trường Việt Nam.

Trước ý kiến của các đại biểu, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết cơ quan này đang rà soát, đánh giá mảng đào tạo giáo viên các cấp để quy hoạch lại. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất chậm nên thời gian tới sẽ tập trung vào vấn đề này. Đối với việc đào tạo tín chỉ và trao đổi sinh viên, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động thực hiện và hiệu trưởng có vai trò quyết định.
Một số đại biểu cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem lại quy chế về đào tạo liên thông bởi nhiều trường CĐ đang điêu đứng do không tuyển được sinh viên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định việc phân luồng rất quan trọng, nếu ai cũng đi đường vòng để vào ĐH thì ai sẽ làm thợ? Nếu ai cũng muốn học ĐH thì việc thành lập các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), CĐ sẽ không đạt được mục tiêu.

“Hệ thống giáo dục hiện không ổn định, các trường trung cấp đứng vững được 3-5 năm lại xin lên CĐ, trường CĐ được 3-5 năm lại xin lên ĐH rồi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ... Đứng núi này trông núi nọ nên từ trường TCCN mạnh thành trường CĐ yếu, từ trường CĐ mạnh thành trường ĐH yếu… Sự mất cân đối này tạo sức ép rất lớn đến hệ thống giáo dục” - bộ trưởng nhận định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ GD-ĐT đánh giá tổng thể về việc tăng chất lượng đào tạo dựa trên các yếu tố đầu vào, đầu ra, trình độ giảng viên, cơ sở vật chất; tăng cường việc kiểm tra thành lập trường; tăng các đơn vị chuyên trách về kiểm định; bảo đảm các yêu cầu về tự chủ trong quản lý và đẩy mạnh đào tạo theo yêu cầu xã hội...

Gánh nặng hệ cử tuyển

Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện nghị định của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong giai đoạn 2007-2013, có 12.805 học sinh được cử tuyển vào ĐH và CĐ, đạt 88% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc bố trí việc làm sau tốt nghiệp đối với người cử tuyển khó thực hiện do quy định tuyển dụng công chức, viên chức phải qua thi hoặc xét tuyển.
Đại diện các trường đã nêu những bất cập trong việc tuyển sinh hệ cử tuyển như Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu quá chậm; quy hoạch về cử tuyển ở các địa phương chưa hợp lý khi tập trung vào ngành y dược, kinh tế; năng lực của sinh viên cử tuyển hầu hết ở mức trung bình, thậm chí yếu...

Theo T.Vinh Báo NLĐ