>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Sau 20 năm ra đời, hệ thống các trường đại học ngoài công lập (NCL) của Việt Nam đã có vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng vẫn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức của các trường NCL hiện nay.

Theo GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, thực hiện chủ trương xã hội hóa, từ năm 1988, trường ĐH NCL đầu tiên ra đời. Ngay từ khi đề ra chủ trương xây dựng, trường ĐH NCL đã có hai sứ mệnh là: Huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành cùng các trường ĐH công lập phát triển mạnh mẽ nền giáo dục ĐH Việt Nam; bằng cơ chế tự chủ cao và tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động, hiểu quả. Thập niên 90 thế kỷ XX về trước, nước ta đã thành lập 15 trường ĐH NCL thuộc “lớp” thứ nhất phát triển từ con số không nhưng đến nay phần lớn đã khẳng định được vị thế của mình. “Lớp” thứ hai thành lập các trường không phải đi từ con số không mà nhiều trường được đầu tư lớn khang trang hiện đại, có những đóng góp quan trọng cho phát triển giáo dục ĐH.

đại học ngoài công lập

Mô hình đại học ngoài công lập thiếu sức hút

Trong hơn 20 năm qua, các trường ĐH, CĐ NCL đã có đóng góp lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Trong điều kiện đầu tư của Nhà nước về giáo dục và đào tạo còn rất hạn chế thì đóng góp của xã hội hóa giáo dục của hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL mang lại kết quả rất quan trọng giúp cho nước ta đào tạo kịp thời nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều trường ĐH, CĐ NCL có uy tín, cạnh tranh tốt, thu hút được đông đảo sinh viên theo học. Hệ thống các trường NCL đã giúp quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH trong việc ban hành chủ trương, chính sách cũng như điều chỉnh quy định quy chế kịp thời, góp phần hỗ trợ phát triển của các trường.

Bên cạnh những thành công ấy, các hiệu trưởng, lãnh đạo các trường ĐH NCL cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, yếu kém của hệ thống này. GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hộp các trường ĐH, CĐ NCL - cho biết, hơn 20 năm qua đã có trên 80 ĐH, CĐ NCL ra đời, chiếm 1/5 tổng số trường và gần 1/7 sinh viên cả nước, trong khi Nhà nước không tốn đồng nào của ngân sách nhưng lại đào tạo được một nguồn nhân lực lớn phục vụ cho đất nước, tuy nhiên, con số này đang ngày càng giảm đi. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên các trường ngoài công lập giảm còn 12,7% so với số lượng sinh viên cả nước; tốc độ thành lập chỉ xấp xỉ 1,3% so với các trường công lập, thậm chí nhiều trường ĐH, CĐ NCL chỉ tuyển được chưa đến 100 sinh viên. Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - GS Trần Phương - thẳng thắn cho biết: “Có trường ở tỉnh Nam Định đặt vấn đề “mượn” giảng viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để mở ngành học nhằm qua mặt Bộ GD&ĐT. Lại có trường nổi phải “thuê” một giáo sư chuyên ngành hóa học làm hiệu trưởng dù trường hoàn toàn không đào tạo ngành này. Có trường còn “mượn” sinh viên của trường khác để đào tạo!”.

Bên cạnh đó, một số trường vẫn để xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết. Một số trường, các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn; các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, chưa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa tạo được uy tín trong xã hội. Cá biệt, có một số trường, nội bộ mất đoàn kết kéo dài, làm mất môi trường sư phạm. GS Trần Hồng Quân nhận định: “Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các trường ĐH, CĐ NCL đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, cùng gánh một phần tải trọng với hệ thống trường công. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 15 trường NCL hoạt động khó khăn, trong đó có một số trường làm ăn không đàng hoàng, vi phạm các quy định và pháp luật, cần có chế tài xử lý”.==>Vì sao sinh viên chê trường đại học ngoài công lập?

Một cửa nhưng nhiều khóa

Bên cạnh đó, đại diện của các trường ĐH, CĐ khối NCL cũng cho rằng, khó khăn về vấn đề tuyển sinh và phát triển hệ thống còn có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. GS Trần Hồng Quân thẳng thắn: “Mấy năm nay tỷ lệ sinh viên NCL liên tục giảm, có lúc 17%, giờ hơn 12%. Số trường NCL từ năm 2005 đến nay thành lập với tốc độ chỉ bằng 1/3 so với công lập. Có khả năng sang năm, tỉ lệ sinh viên NCL còn tiếp tục giảm. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần tính toán lại việc này, và phải xem trách nhiệm để trường NCL lay lắt như hiện nay thuộc về ai?”. Ở một góc độ khác, theo GS Hoàng Xuân Sính (Chủ tịch HĐQT ĐH Dân lập Thăng Long) cho rằng: “Nguyên nhân các trường NCL phải kêu cứu về không tuyển sinh được là do 3 năm gần đây ta đã thành lập và nâng cấp quá nhiều trường ĐH công lập. Việc mở nhiều trường ĐH, nhất là trường công là do nôn nóng, muốn có sinh viên trên vạn dân tăng nhanh. Quá nôn nóng khi tăng trường như vậy dẫn đến không có chất lượng, lãng phí cho đất nước và đào tạo ra không dùng được”. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cho biết: “Bộ GD&ĐT “một cửa” nhưng… nhiều khóa. Chúng tôi chờ tự chủ, rồi chờ khảo sát, đánh giá rất lâu. Chưa bao giờ tôi có cảm giác càng làm càng khó như bây giờ. Trước đây, tất cả cùng xã hội hóa rất hưng phấn nhưng bây giờ chúng tôi như “dân phe phẩy” đi làm, chịu nhiều sức ép”.

***Đại học ngoài công lập đòi công bằng

Trước những bức xúc của đại diện các trường ngoài công lập, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sắp tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển cho các trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng có ba vấn đề lớn của các trường ngoài công lập nên bàn thảo và đưa ra phương pháp xử lý tập trung, đó là cơ chế chính sách, vấn đề tuyển sinh và việc xác định chiến lược để phát triển bền vững. Khó khăn trước mắt và vấn đề lớn nhất của các trường ngoài công lập hiện nay là việc tuyển sinh. Bởi nếu không giải quyết được bài toán này sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL và có điều chỉnh để số lượng thí sinh trên điểm sàn dồi dào hơn nhằm tạo nguồn tuyển cho các trường nhưng nhiều trường vẫn khó khăn. Điều đó cho thấy không phải vì vấn đề học phí mà vì chất lượng. Vì vậy, các trường cần phân tích cụ thể nguyên nhân xuất phát từ đâu.

***Gỡ khó cho các trường ngoài công lập

Theo Nghị quyết 50 của Quốc hội, các trường ĐH, CĐ NCL không có cơ sở vật chất sẽ bị xem xét lại hoạt động. Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận xét: Có những trường thành lập tới 10 năm mà trụ sở vẫn phải đi thuê mướn, chắp vá, đó thực sự là bài toán cần phân tích, mổ xẻ. Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng các trường cần bàn bạc để xác định chiến lược phát triển bền vững. “Hai mươi năm chưa phải là dài nhưng đủ để các trường nhìn lại xem đã phù hợp chưa, cái được và chưa được, làm sao để tiếp tục duy trì và phát triển” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp như rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Bên cạnh đó cũng tháo gỡ khó khăn cho các trường trong việc được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác của nhà nước. Bộ trưởng khẳng định: Nếu trường nào có phương án tuyển sinh khả thi, bảo đảm chất lượng nguồn tuyển thì bộ sẽ cho phép các trường thực hiện.

Theo Nhã Anh, Petrotime