Giáo dục > Tuyển sinh > điểm thi > học đường > Hướng nghiệp

Theo chỉ thị của Phó Thủ tướng trong thời gian tới việc thành lập những trường đại học, cao đẳng mới sẽ bị hạn chế tối đa trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên.

Phó Thủ tướng đã có chỉ thị nêu trên khi Xét đề nghị của Bộ GD&ĐT về hồ sơ dự án thành lập ĐH Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (ngày 22/5). Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT, trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng mạng lưới trường đại học, cao đẳng trong cả nước để có đề xuất phù hợp về các giải pháp kiện toàn, củng cố và mở rộng mạng lưới trong thời gian tới.

Trên cả nước hiện có trên 400 trường đại học, cao đẳng và mỗi trường đều đang cố gắng phát triển thêm nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, nhiều trường trong số này đang gặp khó khi rơi vào tình trạng khủng hoảng do không thể tuyển sinh đủ sinh viên theo học hay việc tranh chấp giữa các lãnh đạo. Thêm nữa, việc đào tạo quá tràn lan đã dẫn tới cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” và mô hình lao động mất cân đối tại nước ta.

Số người thất nghiệp tăng gần gấp đôi mỗi năm

Năm 2010, bình quân mỗi tháng có gần 16.000 người đăng ký thất nghiệp, nhưng đến năm 2011 con số này đã là hơn 27.700 người, năm 2012 là hơn 40.000 người. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại đang ngập trong “nợ xấu” bởi các doanh nghiệp cũng đang phải sống mòn trong thua lỗ.

Thống kê từ các trung tâm giới thiệu việc làm cho thấy tính đến ngày 20/9, cả nước có hơn 1,3 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp, bình quân mỗi tháng có hơn 114.000 người đăng ký thất nghiệp. Riêng năm 2013, số người đăng ký thất nghiệp đã tương đương hơn 93% của cả năm 2010, bằng 68,4% của cả năm 2011, gần bằng 53% của cả năm 2012.  Sở dĩ con số người thất nghiệp tăng vọt là do nhiều doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, cắt giảm nhân sự, nhưng một phần không nhỏ là bởi giờ đây nhiều người mới biết được rằng nếu kê khai thất nghiệp sẽ được hưởng chế độ của bảo hiểm, vậy nên họ đã mách nhau đi đăng ký để được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, bảo hiểm xã hội đang đau đầu với tình trạng nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp ngày càng lớn. Tính đến tháng 8/2013, số nợ đóng BHTN đã lên đến hơn 600 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ ngân sách Nhà nước nợ gần 303 tỷ đồng. Khi bị đòi nợ các doanh nghiệp đều than khổ bởi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi sức mua xuống thấp, hàng xuất khẩu giảm trong khi chi phí thì tăng cao, vốn lại eo hẹp…Vì vậy, các doanh nghiệp đều tìm cách thoái thác hoặc đình hoãn việc đóng bảo hiểm, thậm chí không ít đơn vị còn lách luật bằng cách “biến hóa” các hồ sơ, hợp đồng lao động, “tạo điều kiện” cho người lao động để giảm bớt gánh nặng trả lương giữa lúc làm ăn khốn khó mà ngân hàng thì hờ hững.

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối đồng bộ để có thể bao quát được cung - cầu, nên việc cập nhật thông tin việc làm và lao động còn nhiều hạn chế. Để có thể cải thiện tình hình này thì cần những giải pháp dài hơi cả trong việc “nâng đỡ” nền kinh tế lẫn quy hoạch giáo dục, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó là lồng ghép các chương trình mục tiêu về việc làm với các chương trình, dự án khác nhằm nâng cao chất lượng cung, điều chỉnh cung lao động phù hợp cầu lao động, đẩy mạnh kết nối cung - cầu và trực tiếp làm tăng quy mô việc làm hay gián tiếp tạo ra việc làm mới. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, khi thất nghiệp trở thành “mốt” thì kinh tế Việt Nam khó có thể đứng vững trong cơn xoáy suy thoái đang ngày một đến gần.

Theo Songmoi.vn