Tuy nhiên, một quy định ràng buộc khác là dù được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV), nhưng khi xét tuyển thí sinh chỉ được xét trúng tuyển theo một - và chỉ một - NV duy nhất.

Như vậy, có thể xem quy định xét tuyển năm 2017 đã dung hòa quy định xét tuyển năm 2015 (mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào một trường với 4 NV, do đó khi xét tuyển cũng chỉ có thể trúng tuyển được một trường) và năm 2016 (mỗi thí sinh ĐKXT vào hai trường với 4 NV và có thể được xét trúng tuyển ở cả 2 trường).

Vì vậy, nếu như năm 2015 không xảy ra tình trạng trúng tuyển ảo, thì ngược lại ở năm 2016 hầu hết các trường đều tuyển thiếu chỉ tiêu dù có một số trường đã gọi trúng tuyển với tỉ lệ đến 150% so với chỉ tiêu.

Hai thay đổi lớn trong khâu xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia 2017

“Ảo” như thế nào?

Vấn đề “ảo” năm 2017 đã phát sinh, khi mà trong quy chế quy định tất cả các NV mà thí sinh ĐKXT được xét tuyển bình đẳng như nhau trong cùng một đợt xét tuyển, nhưng thí sinh chỉ được xét trúng tuyển vào NV cao nhất từ trên xuống dưới trong danh sách các NV mà thí sinh đã ĐKXT.

Ví dụ: Nếu một thí sinh không trúng tuyển NV1 ở một trường ĐH, thì những trường ĐH khác mà thí sinh có đăng ký các NV 2, 3, 4... cũng không thể nào biết được thí sinh này đã trúng tuyển NV1 hay chưa, để xét tuyển thí sinh này vào các NV 2, 3, 4 mà thí sinh đã đăng ký vào trường mình.

Ngược lại, khi thí sinh đã được xét trúng tuyển theo NV1 vào trường đã đăng ký, nếu các trường ĐH khác tiếp tục xét tuyển thí sinh này trúng tuyển các NV 2, 3, 4... thì tình trạng trúng tuyển “ảo” sẽ xảy ra, và chỉ phát hiện được khi đưa lên hệ thống tuyển sinh chung do Bộ GD-ĐT quản lý.

Điều này rất dễ xảy ra, vì một lẽ đương nhiên là những thí sinh điểm cao hoàn toàn có khả năng trúng tuyển ở nhiều NV, thậm chí là tất cả các NV. Khi đó các trường ĐH mà thí sinh có ĐKXT các NV... phải hiệu chỉnh lại điểm chuẩn dự kiến để xét tuyển cho phù hợp với quy định xét tuyển và số lượng trúng tuyển.

Việc hiệu chỉnh này sẽ được các trường rất cân nhắc vì quy định tuyển sinh 2017 không cho phép điểm xét tuyển trong đợt tuyển bổ sung tiếp theo (nếu thiếu chỉ tiêu)thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển trong đợt trước.

Hai yếu tố quan trọng

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc giai đoạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi và ĐKXT, số lượt NV ĐKXT của cả nước là khoảng 2,5 triệu, trung bình mỗi thí sinh ĐKXT theo 4 NV.

Chỉ tính riêng một số trường có đông thí sinh ĐKXT của khu vực TP.HCM như các trường thành viên ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - marketing, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Y dược TP.HCM thì số lượt NV ĐKXT của các trường này đã chiếm khoảng 25% số lượt NV ĐKXT của cả nước.

Chính vì vậy, việc hình thành một nhóm xét tuyển chung của các trường trong khu vực, trước hết là của TP.HCM là điều hết sức cần thiết, chẳng những giúp các trường này không bị “ảo” lẫn nhau, mà còn giúp các trường trong cùng khu vực có ít thí sinh ĐKXT hơn thuận tiện trong khâu xét tuyển.

Để một nhóm xét tuyển chung hoạt động hiệu quả, có hai yếu tố quan trọng là nhóm xét tuyển chung phải quy tụ được các trường cùng khu vực địa lý và có đầy đủ các trường “tốp trên”. Thí sinh thường chọn các trường tương đối gần khu vực cư trú của mình để ĐKXT, do đó hiện tượng “luân chuyển” NV thường chỉ có ở các trường trong cùng khu vực.

Các trường “tốp trên” có số lượt NV ĐKXT lớn, trong đó sẽ có nhiều thí sinh có điểm thi cao. Hiện tượng “nước từ vùng cao chảy xuống vùng trũng” đã là quy luật trong tuyển sinh nhiều năm nay.

Do đó, nhóm xét tuyển chung cần phải có một “lực lượng đặc nhiệm” mạnh về kỹ thuật để xử lý các dữ liệu của thí sinh, do trường có đông thí sinh nhất chủ trì vì chính cơ sở dữ liệu của trường này sẽ tác động đến việc xét tuyển của trường khác trong nhóm.


Theo tuoitre.vn