Ông Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):

Thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn đại học

Thực chất điểm sàn không hoàn toàn dùng để đánh giá chất lượng đầu vào mà mang tính chất định hướng phân luồng sau THPT nhiều hơn. Hiện có nhiều chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài (cấp bằng nước ngoài) chỉ xét tuyển đầu vào với yêu cầu tốt nghiệp THPT, nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên vẫn rất tốt.

Như vậy quá trình đào tạo quan trọng hơn nhiều so với điểm thi tuyển đầu vào. Với 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi hằng năm trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH - CĐ chỉ gần 600.000, điểm sàn có lẽ là giải pháp phân luồng hiệu quả nhất hiện nay.

Vì vậy chúng tôi cho rằng ý tưởng “dung hòa” của giải pháp “lần lượt hai mức điểm sàn” hi vọng vừa “nới” được cho bậc ĐH của các trường ngoài công lập, vừa có thể giữ được số lượng nhất định cho nguồn tuyển sinh các bậc CĐ, CĐ nghề và trung cấp.

Với thống kê số lượng sinh viên nhập học sau kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2012, được công bố trong hội nghị tổng kết tuyển sinh ngày 23-1 vừa qua, theo đó bậc ĐH chỉ tuyển được 88% chỉ tiêu, bậc cao đẳng 78% và bậc trung cấp 63%, các trường tốp trên vẫn tuyển đủ chỉ tiêu và gần như không bị ảnh hưởng bởi điểm sàn, chỉ một số trường ở khu vực địa phương và các trường ngoài công lập tuyển thiếu nhiều chỉ tiêu.

Vậy thí sinh không trúng tuyển đi đâu? Tác dụng phân luồng của điểm sàn có hay không? Những câu hỏi này cần được giải đáp bằng các nghiên cứu, khảo sát mang tính khoa học và thực tiễn, nếu không thì dù có mức điểm sàn trên (được xác định theo các tiêu chí như những năm trước), mức điểm sàn dưới (được xác định theo điểm bình quân ba môn thi của khối thi), chưa kể điểm sàn “đáy” (bằng tốt nghiệp THPT) vẫn không giải được bài toán tương quan số lượng - chất lượng.

Việc cho phép áp dụng “điểm sàn dưới” trong đợt xét tuyển cuối cùng thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn trúng tuyển. Điều này sẽ mâu thuẫn với quy định điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng trước.

 

Hạ điểm sàn đại học đồng nghĩa với hạ chuẩn đầu ra | Điểm chuẩn ĐH

 

Kết quả thi khối A năm 2012, điểm sàn khối này là 13 điểm

 

GS.TS Vũ Văn Hóa (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội):

Hạ điểm sàn: nên triển khai, nhưng không thể lâu dài

Đặt ra hai mức điểm sàn với số dư thí sinh đạt mức điểm giữa sàn dưới và sàn trên là 200.000 em thì nhiều khả năng mục tiêu tuyển thêm được 30.000 thí sinh là khả thi. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục thật sự thì đây không thể là giải pháp lâu dài. Bộ có thể mạnh dạn triển khai trong năm 2013, rồi tiếp tục rút kinh nghiệm cho năm 2014, 2015 và chờ đến lúc thay đổi tuyển sinh một cách căn bản như chính bộ đã nhiều lần khẳng định.

Là trường ngoài công lập, nhưng thường không phải xét tuyển đến đợt thứ ba, việc thay đổi này của Bộ GD-ĐT không ảnh hưởng gì đến công tác tuyển sinh của trường tôi, nhưng rõ ràng sẽ mở thêm cánh cửa rộng hơn cho các trường ngoài công lập tốp dưới.

 

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long):

Không giải quyết được vấn đề gì

Bằng tốt nghiệp đều do Bộ GD-ĐT cấp, mà lại cho tồn tại hai mức điểm sàn với đầu vào rất khác nhau, tôi thấy không thật sự công bằng với thí sinh. Cách làm này có vẻ là giải pháp “dễ thở”, dễ làm cho bộ, nhưng có thể không giải quyết được vấn đề gì ngay với trường đang chật vật tuyển sinh.

Tôi đang thực hiện kế hoạch mỗi tuần đi một tỉnh, khảo sát về các trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập ở địa phương. Tuần vừa rồi, tôi đến Nam Định. Một tỉnh không lớn mà có đến ba trường ĐH công lập (đều nâng cấp từ CĐ lên) và một trường ĐH ngoài công lập thì lấy đâu ra SV? Học phí Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh của Nam Định chỉ có 6,5 triệu đồng/năm, trường lấy nguồn đâu để đầu tư, phát triển? Việc không tuyển sinh được như vậy chắc chắn không chỉ bắt lỗi tại điểm sàn, mà còn là câu chuyện thương hiệu, uy tín và sức hút. Bộ có hạ sàn xuống nữa, kể cả mức 6-8 điểm/thí sinh thì cũng không chắc các trường đang khó sẽ hết khó ngay.

 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Điểm thi tốt nghiệp THPT thường không thực

Việc cho ra phương án hai mức điểm sàn lần này chủ yếu đáp ứng tạm thời yêu cầu của các trường ĐH ngoài công lập, giúp các trường có nguồn tuyển cho đủ chỉ tiêu nhưng về lâu dài sẽ có những hệ quả không tốt. Đó là gây áp lực rất lớn cho các trường nghề và các trường TCCN vì nguồn tuyển sẽ ít lại. Các trường ĐH kém chất lượng (kể cả công và tư) có thể tuyển đủ nhưng sẽ vô tình tạo ra một vòng luẩn quẩn: thí sinh đầu vào kém cộng môi trường học tập chưa tốt sẽ cho ra những người tốt nghiệp ĐH kém chất lượng, xin việc khó, thất nghiệp và cuối cùng chỉ sau vài năm thí sinh cho dù rơi vào nhóm giữa hai mức điểm sàn cũng sẽ không vào các trường kém chất lượng.

Thực tế tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM những năm qua cho thấy những ngành khó tuyển phải lấy trên sàn cỡ 1 điểm, sinh viên học rất khó khăn, tỉ lệ bị thôi học do học yếu khá nhiều. Như vậy, thí sinh đạt điểm sàn trong những năm qua chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những trường chú trọng đến chất lượng đào tạo. Thêm vào đó, điểm thi tốt nghiệp THPT thường là điểm không thực, không thể hiện trình độ của học sinh, nhất là nhóm thí sinh rơi vào giữa hai điểm sàn. Không ít thí sinh có điểm thi tốt nghiệp môn toán 9-10 nhưng điểm thi ĐH chỉ đạt 2-3. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, không thể căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét cho nhóm có điểm giữa hai sàn.


TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM):

Có 2 mức điểm sàn đại học: Có nên không?

Việc xác lập thêm mức “điểm sàn dưới” thật ra chỉ giúp các trường ngoài công lập tuyển đủ thí sinh. Vấn đề đáng lo là Bộ GD-ĐT phải làm sao xác định được mức điểm sàn tối thiểu để thí sinh đủ năng lực học ĐH. Nếu hạ điểm sàn xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Mức “điểm sàn dưới” để tuyển cho tất cả các ngành nếu các trường, nhất là trường ngoài công lập áp dụng, đặc biệt ở một số ngành quan trọng như khoa học sức khỏe, ngành công nghệ mũi nhọn... sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Khi đó chất lượng đầu ra của những ngành này chắc chắn sẽ giảm sút.

Ngay cả việc bộ gợi ý các trường xét thêm kết quả tốt nghiệp THPT lại giống như phục hồi quy định điểm thưởng cho thí sinh tốt nghiệp loại giỏi trước đây. Có hợp lý hay không khi áp dụng lại quy định đã bỏ?

Trong ba năm đầu tiên của “ba chung”, bộ chưa đặt ra khái niệm “điểm sàn”. Việc xét điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) vào trường khi đó là do từng trường xác định và các trường lần lượt lên “xin” Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Bắt đầu từ năm 2005, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định điểm sàn. Đây là điểm tối thiểu để thí sinh được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi theo phương thức “ba chung”. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định điểm sàn là mức điểm tối thiểu xác định thí sinh đủ khả năng theo học trình độ ĐH, CĐ. Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và trừ đi số thí sinh được tuyển thẳng, căn cứ vào thống kê điểm của thí sinh, vào quy định về khung điểm ưu tiên, vùng tuyển, các trường chủ động xác định điểm trúng tuyển (điểm trúng tuyển chung vào trường, theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo) bảo đảm tuyệt đối nguyên tắc điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Nghĩa là thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung.

Điểm sàn được xác định cho từng khối thi đối với học sinh phổ thông - KV3. Điểm sàn tương ứng với các nhóm đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1,0 điểm và các khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,5 điểm. Ví dụ: điểm sàn ĐH khối A kỳ thi tuyển sinh năm 2012 đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 là 13 điểm, thì điểm sàn tương ứng theo từng khu vực ưu tiên là: Khu vực 2 là 12,5 điểm; khu vực 2 nông thôn là 12 điểm và khu vực 1 là 11,5 điểm. Tương tự, điểm sàn của thí sinh thuộc nhóm ưu tiên 1 là 11 điểm và nhóm ưu tiên 2 là 12 điểm.

 

Bạn muốn tìm hiểu về:

Điểm sàn đại học khối A và khối A1 từ năm 2009 đến năm 2013

Tuyển sinh 2013: dự kiến sẽ hạ điểm sàn những ngành khó tuyển

 

Tin bài gốc: Tuoitre

Kenhtuyensinh

Theo: Tuoitre