>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Sáng 23.4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Khoa học Lịch sử VN đã tiến hành lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh (HS) giỏi kỳ thi quốc gia môn lịch sử do Bộ GDĐT tổ chức. Điều đáng ghi nhận là lần đầu tiên kể từ khi diễn ra cuộc thi, Hà Nội có thí sinh đoạt giải nhất môn thi này.

Lần đầu tiên Hà Nội có giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Sử

Kỳ thi HS giỏi quốc gia THPT năm 2014 môn lịch sử có 217 HS đoạt giải, trong đó có 6 giải nhất, 51 giải nhì, 73 giải ba, 87 giải khuyến khích. Về giải nhất, tỉnh Nam Định có 2 giải, Vĩnh Phúc 2 giải, Hà Nam 1 giải và Hà Nội 1 giải. Đây là lần đầu tiên Hà Nội có giải nhất môn thi này, giải thưởng thuộc về Nguyễn Thị Anh - HS Trường THPT Mỹ Đức A.

Đây cũng là đầu tiên Hà Nội vươn lên xếp thứ 3 trong “bảng tổng sắp” các trường có giải cao nhất môn thi này với 1 giải nhất và 3 giải nhì.

GS.Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN - chia sẻ tại lễ trao giải: “Một thực tế đáng buồn hiện nay là đại đa số HS không thích học môn lịch sử, thậm chí “quay lưng” hoàn toàn với môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Vì thế, với cuộc thi này, HS tự nguyện tham gia và đoạt giải cao, là việc rất đáng được vinh danh và biểu dương. Cùng với đó, hội cũng bày tỏ sự trân trọng với những thầy, cô giáo tài năng, tâm huyết đã đồng hành cùng các em để đạt được nhiều giải thưởng cao trong năm nay”.

Lần đầu tiên Hà Nội có giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Sử

Lần đầu tiên Hà Nội có giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Sử

Kỳ thi này được xem là một trong những hoạt động trọng tâm của Quỹ Phát triển sử học VN (thuộc Hội Khoa học Lịch sử VN) trong việc góp phần chấn hưng môn sử - môn học đang có nguy cơ bị thờ ơ với không ít HS hiện nay, đồng thời khuyến khích đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà.

Cũng theo GS Phan Huy Lê, việc tuyên dương và trao giải cho học sinh đoạt giải cao chắc chắn chưa thể làm đổi thay được thực trạng giáo dục môn lịch sử ở các trường phổ thông mà mới chỉ là giải pháp kích thích, cổ vũ tinh thần học lịch sử của HS trong bối cảnh hiện nay. “Trong yêu cầu đổi mới, cải cách căn bản giáo dục, việc trao giải thưởng kịp thời với mục đích cổ vũ tinh thần cho HS yêu thích hơn môn lịch sử.

Để thay đổi cách dạy và học môn học này, cần cả quá trình, trong đó đề thi cũng cần phải thay đổi. Thay vì ra liền 4 - 5 đề thi nặng về tính kiểm tra kiến thức, cần thay đổi cách ra đề theo hướng không chỉ để đo kiến thức của HS mà còn là vận dụng kiến thức theo phương pháp tư duy” - GS Phan Huy Lê nói.

Theo Hội Khoa học Lịch sử VN, để cổ vũ hơn lòng yêu thích môn lịch sử, trong năm nay hội sẽ phối hợp với NXB Giáo dục và Bộ GDĐT tổ chức một cuộc thi toàn quốc với chủ đề “Em yêu lịch sử”. Cuộc thi sẽ theo tinh thần hoàn toàn mới, qua đó đo được tấm lòng, những kiến thức lắng đọng trong các HS yêu môn lịch sử, tạo thêm động lực và niềm say mê tìm hiểu lịch sử VN cho các học sinh.

Theo báo Lao động