Thông tin tuyển sinh > Tuyển sinh 2015

Năm 2015 Hà Nội sẽ có 4 cụm thi THPT quốc gia

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2015, dự kiến sẽ có 34 cụm thi THPT quốc gia, trong đó Hà Nội có 4 cụm thi. Theo đó, 4 trường ĐH được chọn tổ chức cụm thi quốc gia gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Sư phạm Hà Nội và Học viện Nông nghiệp VN. Hiện các trường trên đã tổ chức họp bàn để cùng tổ chức và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ coi thi, chấm thi... Dự kiến mỗi cụm thi sẽ có khoảng 18 ngàn đến 30 ngàn thí sinh dự thi.

Tin mới: ĐH Quốc gia Hà Nội công bố bài thi mẫu

Năm 2015, ĐHQGHN thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực xét tuyển sinh đại học. Phương án tuyển sinh cụ thể như sau:

  • Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp (đến điểm sàn xét tuyển quy định theo ngành học, loại chương trình đào tạo). Kết quả kỳ thi chung tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện. Tất cả các thí sinh đã trúng tuyển theo điểm tuyển của bài thi đánh giá năng lực sẽ được vào học tại ĐHQGHN sau khi đạt điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Các thí sinh có thể thi vào tháng 5 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Sau khi ĐHQGHN công bố các thí sinh đủ điểm trúng tuyển, các thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là được gọi nhập học vào ĐHQGHN. Với các thí sinh đã làm bài thi chung nhưng chưa làm bài thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN sẽ tổ chức thi vào cuối tháng 7.
  • Các sinh viên đăng ký vào các chương trình tài năng, chuẩn quốc tế (nhiệm vụ chiến lược), học tập, giảng dạy bằng tiếng Anh, thí sinh phải làm thêm bài kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ. Những em đủ điều kiện ngoại ngữ theo quy định của đơn vị sẽ được gọi nhập học vào các chương trình này.
  • Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước, đăng ký làm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐHQGHN.

Riêng đối với Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, thí sinh phải làm thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do Trường ĐH Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo. Trường ĐH Ngoại ngữ xác định điểm sàn bài thi ĐGNL theo từng ngành, sau đó lấy trúng truyển theo điểm bài thi ngoại ngữ từ trên xuống.

Lãnh đạo nhiều trường đại học cũng ủng hộ phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội:

GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Khi nghe ĐH Quốc gia công bố phương án đổi mới, tôi rất thích vì phương án này chúng tôi đã nghĩ đến nhưng chưa làm được. Tôi cho rằng trong năm đầu tiên, một nhóm trường đại học top trên nên thỏa thuận với nhau để thực hiện. Khi làm tốt thì có thể nhân rộng ra toàn quốc.

Không chỉ ủng hộ phương án đổi mới thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng Đoàn Quang Vinh cho biết, trường sẽ cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực cho việc xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng.

TS Nguyễn Ngọc Thanh, Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì nhận định phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực có nhiều ưu thế về tính chính xác, linh hoạt, tiếp thu được những điểm tích cực của quốc tế. “Sớm muộn chúng ta cũng phải tuyển sinh bằng cách đánh giá năng lực - xu thế tất yếu trên thế giới. ĐH Quốc gia Hà Nội đã có bước tiên phong và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Theo Congly.vn: http://congly.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nam-2015-ha-noi-se-co-4-cum-thi-thpt-quoc-gia-79540.html