Sự kiện: Giáo dục, Tuyển sinh, Thông tin tuyển sinh

 

Tin liên quan:

thuong_tet_cho_giao_vien

Giáo viên vùng cao xã Trà Trung chưa biết khái niệm về tiền thưởng tết

 

Năm hết, tết đến, trong khi các ngành, các cấp mừng vui với chuyện tiền thưởng tết, ở tỉnh Quảng Ngãi, có giáo viên chỉ nhận quà tết trị giá 100.000 đồng, thậm chí có giáo viên chưa bao giờ biết khái niệm về tiền thưởng tết.

23 năm chưa từng nhận quà tết

Khi chúng tôi hỏi về tiền thưởng tết sắp đến, ông Nguyễn Trà, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Tiểu học Trà Trung (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) cười nói: “Tôi lên xã vùng cao này dạy được tám năm, nhưng chưa bao giờ nghe tiền thưởng tết, thậm chí quà tết cũng không có nữa”.

Ông Trà kể: “Tết Tân Mão, giáo viên ở đây nghe nói có tiền cho tết, thế nhưng, chờ đến tết, rồi qua tết, cũng không thấy đâu. Mãi đến tháng 9.-2011, tụi tôi, mỗi người nhận được 100.000 đồng, gọi là tiền tết Tân Mão”.

Theo ông Trà, muốn có tiền “tươi” cho giáo viên ăn tết, thì phải có các hoạt động để có quỹ phúc lợi như: dạy phụ đạo, tổ chức văn nghệ, thu học phí... tuy nhiên, đối với vùng miền núi này, những chuyện ấy không thể có.

Tương tự như hoàn cảnh của giáo viên ở vùng cao xã Trà Trung, cả huyện Tây Trà và năm huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Ngãi cũng vậy. Mới đây, tôi gặp anh Trần Kim Mậu ở số 85 đường Bắc Sơn, thành phố Quảng Ngãi, khi anh về nhà lấy gạo chở lên vùng cao – nơi anh dạy là Trường THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Anh Mậu kể: “Đến nay, sau 23 năm đi dạy học ở sáu xã vùng cao, tới giờ này, tôi chưa một lần nhận được quà tết, huống hồ là tiền thưởng, tiền hỗ trợ tết”.

Mang câu chuyện của giáo viên vùng cao kể lại với chị tôi là giáo viên tiểu học ở huyện Bình Sơn, chị tôi cho biết 16 năm đứng trên bục giảng, hầu như năm nào, chị tôi cũng có quà tết. Tuy nhiên, thường quà tết là: “Nếu năm nay là bịch hạt dưa, thì sang năm là lít dầu ăn, trị giá khoảng từ 50.000 – 60.000 đồng”, chị tôi nói.

Lực bất tòng tâm

Chuyện tiền thưởng tết của giáo viên ở vùng miền núi và nông thôn là vậy, còn tiền thưởng tết của giáo viên ở thành thị, thành phố thì sao?

Trao đổi với chúng tôi, cô Võ Thị Xuân, Hiệu phó Trường THCS Trần Phú (thành phố Quảng Ngãi) cho biết sau 33 năm đi dạy, cô Xuân chưa hề một lần nhận tiền thưởng tết. Theo cô Xuân, ngày trước, khi còn dạy ở trường nội trú con thương binh liệt sĩ, cô Xuân không những không nhận được quà, mà cô còn trích tiền lương của mình để giúp cho học sinh.

“Còn bây giờ, nếu có, thì đó là phần quà tết trị giá dưới 100.000 đồng do hội phụ huynh học sinh tặng. Muốn có tiền hỗ trợ cho giáo viên ăn tết, nhà trường phải tổ chức dạy phụ đạo tại trường, sau đó lấy 25% tiền học sinh nộp sung vào quỹ phúc lợi và đến tết, lấy tiền đó hỗ trợ cho giáo viên. Thế nhưng, ở trường này, chỗ học cho học sinh còn không đủ thì lấy gì tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh”, cô Xuân nói.

Còn thầy Đỗ Tấn Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Ba Gia (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết: “Tết Tân Mão 2011, tiết kiệm hết sức, nhà trường chúng tôi hỗ trợ cho gần 100 cán bộ giáo viên nhà trường từ 400.000 – 500.000 đồng/giáo viên, còn tết Nhâm Thìn năm nay thì do tình hình khó khăn chung, chúng tôi chưa biết như thế nào”.

Trao đổi với ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi về chuyện tiền thưởng tết cho giáo viên, ông Đồng lắc đầu nói: “Lực bất tòng tâm em ơi! Ngành giáo dục biết lấy nguồn nào để hỗ trợ cho anh chị em giáo viên ăn tết? Nếu đi xin tiền thưởng tết, chỉ một giáo viên là 100.000 đồng, thì tỉnh Quảng Ngãi có hơn 16.000 giáo viên, phải mất 2 tỉ đồng. Nhưng liệu có xin được không?”

 

Theo ông Đồng, hiện nay, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi đang chuẩn bị tổ chức đêm văn nghệ để quyên góp tiền cho học sinh nghèo và học sinh khuyết tật. Trong dịp này, ngành cũng vận động mỗi giáo viên đóng góp 50.000 đồng giúp cho học sinh nghèo, khó khăn. “Đã không nhận quà, còn phải trích lương ra cho học sinh nghèo nữa. Nhưng biết làm sao đây, đời nhà giáo là vậy mà”, ông Đồng chia sẻ.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (nld)


Bài: Giáo viên 23 năm chưa từng nhận quà tết