Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, đào tạo, khoa giáo, học đường

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Rất tai hại nếu giáo dục bị thương mại hóa

Với cơ chế thị trường như hiện nay bất kỳ lĩnh vực nào cũng rơi vào tình trạng thương mại hóa, và giáo dục cũng đang bên bờ mấp mé “thương mại hóa”. Giáo dục đúng nghĩa không phải là chợ, giáo dục không phải là hàng hóa có thể bán, có thể cho, có thể nhận, càng không thể thương mại hóa được. Giáo dục là một loại hình đặc biệt mà ở đó giá trị con người được lưu giữ, phát triển theo đúng quy luật của nó.

Không có thị trường giáo dục

Đây là quan điểm khẳng định của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi ông nói về tình trạng giáo dục có phần rối ren ngày nay. Trong buổi trò chuyện giữa phóng viên và GS Phạm Minh Hạc về những kỉ niệm thời ông còn đương chức, những quyết sách giáo dục thời đó và bây giờ được ông ôn lại rất nhiều. So với thời đó, ngày nay giáo dục đang rối ren và khó khăn trong việc phát triển đúng định hướng, và đứng trước cơ hội phát triển, đứng trước cơ chế thị trường theo quy luật giá trị thì nguy cơ thương mại hóa giáo dục ngày càng rõ nét.

GS Phạm Minh Hạc ví rằng một số báo nếu hay có thể xuất bản tới 10.000 tờ/số nhưng tất cả những cái đó khi vào giáo dục là rất phức tạp. Thậm chí cách đây 5-7 năm có người quan niệm đã có thị trường giáo dục, giáo dục là thương mại hóa. Nhưng cũng có người nêu quan điểm rằng, giáo dục không phải là cái chợ, giáo dục càng không phải là hàng hóa và GS Hạc cũng đã có quan điểm riêng về vấn đề này.

Để giải thích cho tư tưởng này, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhận định, trước những năm 1986 -1990 hầu như chúng ta rất ít mở trường. Theo tính toán của GS Hạc, từ năm 2009-2012 trong vòng ba năm đã mở tới 33 trường đại học, như vậy rất dễ mắc vào thương mại hóa giáo dục.

Học thì nhiều tiền, dạy gì không cần, ra làm gì không cần biết, nhân lực yếu trong khi dạy nghề rất thiếu nhưng không mở mà cứ mở đại học, vì lí do dân mình có bằng đại học cho yên tâm. Như vậy, tư tưởng thương mại hóa rất tai hại”. GS Phạm Minh Hạc khuyến cáo.

GS Phạm Minh Hạc cũng chia sẻ, trước nguy cơ thương mại hóa giáo dục Hội cựu Giáo chức mà ông làm Chủ tịch đã có một số năm đấu tranh và đã có báo cáo trực tiếp với Thường trực Ban bí thư lúc đó là đồng chí Trương Tấn Sang về nguy cơ này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thêm, hiện tình trạng dạy thêm, học thêm chúng ta rất muốn giải quyết, rất muốn cấm nhưng chưa thành công vì một bên có cầu và bên kia có cung. Theo đúng quy luật giá trị thì đến học phải trả tiền.

“Tôi thấy nặng nề nhất là thương mại hóa có thị trường giáo dục, giáo dục không có thị trường, nước Mỹ không bao giờ gọi là thị trường giáo dục mà chỉ có thị trường lao động. Nước Pháp cũng chưa bao giờ giáo dục có thương mại hóa. Phải tiếp tục đấu tranh để có nền giáo dục lành mạnh, có nghĩa là đào tạo ra con người có nghề đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động của các nước, đáp ứng được sự phát triển, xây dựng được xã hội mình. Cái đó là sứ mệnh của giáo dục mà không bao giờ xa rời được”. GS Phạm Minh Hạc khẳng định.

Phải tự cứu lấy nền giáo dục

Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện làm giáo dục ngày nay, GS Phạm Minh Hạc ngẫm nghĩ: “Như tôi đã nói giáo dục rất phức tạp, bất cập, có chỗ rối ren, tôi đề ra tư tưởng chiến lược chung để xoay vần tình thế giáo dục hiện nay không phải là viết theo kiểu “cổ điển”, thành tích, quan điểm chỉ đạo rất dài dòng. Phải chấn chỉnh, củng cố và phát triển. Tình hình này mà không nói gì đến chấn chỉnh cả thì làm sao đổi mới được?”. GS Hạc nói.

Và theo ông, đừng để tới khi Chủ tịch Quốc hội phải hỏi Bộ trưởng tại phiên chất vấn trực tiếp rằng, bao giờ đồng chí làm cho người dân an tâm về nền giáo dục này? Tại sao người ta không an tâm, người ta lo lắng cho nền giáo dục này? Muốn cho người ta an tâm thì phải chấn chỉnh những cái sai đi, chấn chỉnh những cái bất cập đi.

Chia sẻ với phóng viên, GS Hạc cho biết có một thực trạng hiện nay ở nước ta đang xuất hiện nhiều loại hình trường, trong đó có trường nước ngoài. Nhưng tại sao chúng ta quá đề cao, ngưỡng vọng vào các trường nước ngoài?

Câu hỏi của GS Phạm Minh Hạc rằng, một trường đại học nước ngoài vào có cứu được nền giáo dục của nước ta? Câu trả lời ai cũng hiểu là không và hơn hết chúng ta phải tự cứu lấy nền giáo dục.

“Tôi muốn các thầy cô giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã làm phải vững tin, không lung lay ý chí. Chúng ta phải củng cố những kết quả đã đạt được và lấy nội lực của chính chúng ta để đi lên. Tất nhiên, phải hội nhập quốc tế theo quy định của WTO. Chúng ta có đủ sức về khoa học và trí tuệ để phát triển nền giáo dục này”. GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Cũng theo GS Hạc, bên cạnh đó chúng ta phải có đường lối quan điểm đúng, phải có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, phải chấn chỉnh. Nền giáo dục không được khỏe mạnh, lành lặn, đau chỗ nào phải chữa chỗ đó.

Và ông đề nghị kiên trì đề ra một tư tưởng chiến lược chấn chỉnh củng cố và phát triển. Phải nói rõ, chấn chỉnh cái gì chứ không nói đổi mới, đổi mới…chung chung thì không phải là đổi mới.

Theo quan điểm của nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì hiện nay chúng ta đang để trường nghề “teo tóp” đi nhiều, đó là một sai lầm. Và cần dứt khoát chấn chỉnh có tư tưởng thương mại hóa giáo dục, không thể để giáo dục bùng nhùng như hiện nay.

“Trong nhà trường có tiêu cực, có tham nhũng không? Tôi khẳng định có, và nhiều người nói là có. Thời gian qua chúng ta nói đổi mới, nhưng đổi mới gì khi cứ cho mang máy vào phòng thi là đổi mới? Không phải. Hoặc chấm điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, người ta bảo bà mẹ Việt Nam anh hùng có còn ai, phải xóa cái đó đi, vậy đổi mới là như thế?

Tôi thấy những chính sách đó quá vụn vặt, nếu đó gọi là đổi mới thì không đúng với quan điểm phát triển của Đảng. Nghị quyết của Đảng rất nhiều ý tưởng sáng suốt, đúng đắn nhưng do chúng ta triển khai không tốt” GS Phạm Minh Hạc khẳng định.

Theo Báo giáo dục Việt Nam