Giáo dục nghệ thuật: Đào tạo tràn lan, bất chấp năng khiếu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo giáo viên giảng dạy nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật: đào tạo tràn lan, bất chấp năng khiếu

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Nghị, cách đây khoảng trên dưới chục năm, khi các trường phổ thông có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên dạy âm nhạc, nhiều gia đình thấy con em mình ít cơ hội thi đỗ vào các trường ĐH khác nên cho theo học sư phạm âm nhạc.

“Đầu vào ồ ạt, trong khi vẫn sử dụng giáo trình và mô hình của Học viện âm nhạc quốc gia để đưa vào giảng dạy. Với chất lượng đầu vào và cách thức giảng dạy như vậy, ai dám bảo đảm đầu ra chất lượng sẽ cao”, ông Nghị đặt câu hỏi.

Ông Nghị cũng cho hay, khoảng 5, 6 năm trở lại đây, chỉ tiêu biên chế giáo viên âm nhạc cho các trường phổ thông gần như đã lấp đầy. Do đó, ngành sư phạm âm nhạc không còn “hot” như xưa, sinh viên thi vào ngành này giảm sút nhanh chóng. Trong khi các trung tâm đào tạo nghệ thuật tư nhân ở nhiều tỉnh thành lại có chiều hướng phát triển tốt. Đây là bài toán khó giải đối với Ban Giám hiệu các trường có đào tạo chuyên ngành này.

“Nếu nhìn nhận một cách công bằng thì thấy đào tạo nghệ thuật hiện nay đang có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, nếu so sánh mấy năm gần đây với hơn chục năm trở về trước thì chất lượng đào tạo thực sự đang là vấn đề phải báo động”, PGS Nguyễn Đăng Nghị khẳng định.

Cử nhân sư phạm nghệ thuật không dạy được nghệ thuật

Liên quan chất lượng đầu vào, TS Đỗ Quang Minh, Trưởng khoa tại chức và đào tạo liên kết, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng việc thi năng khiếu nghệ thuật của sinh viên ở đầu vào chưa đảm bảo đạt chất lượng yêu cầu của giáo viên nghệ thuật. Thực trạng sinh viên theo học các ngành nghệ thuật mà không có năng khiếu nghệ thuật thì khổ trò trước, sau đó đến khổ thầy.

“Hậu quả của vấn đề này là đào tạo ra những cử nhân sư phạm nghệ thuật không dạy được nghệ thuật, chưa nói trong quá trình học có bao nhiêu tiêu cực, hệ lụy khác... Để khắc phục thực trạng này, công tác tuyển sinh chắc chắn phải thay đổi để đảm bảo chất lượng yêu cầu đầu vào của sinh viên sư phạm nghệ thuật”, TS Đỗ Quang Minh đề nghị.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập nhiều đến vấn đề chất lượng đầu ra của ngành nghệ thuật. Nhạc sĩ Hoàng Lân, Hội Âm nhạc Hà Nội nêu tình trạng đào tạo tràn lan thời gian vừa qua thật đáng suy nghĩ, đâu đâu cũng đào tạo giáo viên âm nhạc. Nhạc sĩ Hoàng Lân cho biết, chỉ riêng tại Hà Nội đã có 6 địa chỉ đào tạo loại hình giáo viên này.

“Thời gian qua, mở ra quá nhiều trường, dẫn đến tình trạng đào tạo dư thừa không có chỗ tiêu thụ, sử dụng. Trong bối cảnh đó, chất lượng đào tạo kém ở một số cơ sở là quá rõ. Để đảm bảo số lượng đầu vào, người ta bất chấp tiêu chuẩn về năng khiếu vốn là tiêu chí số một đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”, nhạc sĩ Hoàng Lân nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực chứ không phải là một môn học và là một trong 8 lĩnh vực cần giáo dục. Việc giáo dục nghệ thuật ở trường phổ thông nhằm tạo cho học sinh sự hứng thú với các loại hình nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ cho học sinh. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo giáo viên giảng dạy nghệ thuật.

Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/giao-duc-nghe-thuat-dao-tao-tran-lan-bat-chap-nang-khieu-1008327.tpo