Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Giáo dục là sự đầu tư dài hạn

Tại Việt Nam, phương pháp “Bàn tay nặn bột” được đưa vào nhà trường nhờ các chương trình của Hội Gặp gỡ Việt Nam (với sự chủ trì của Chủ tịch Hội - GS Trần Thanh Vân) trong hơn 10 năm qua. GS Trần Thanh Vân đã có cuộc trao đổi với GD&TĐ về một số khía cạnh của phương pháp đang được triển khai đại trà ở các trường tiểu học và THCS của Việt Nam này.

Hiện nay các trường tiểu học và THCS của Việt Nam đang triển khai đại trà phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Là người đã cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam đưa phương pháp này  vào trường học Việt từ hơn 10 năm qua, Giáo sư cho thể chia sẻ một vài ưu điểm nổi bật mà phương pháp này có thể đem lại cho việc học tập của HS?

- Trong hoạt động học tập, quan trọng là phải làm sao cho HS thường đặt những câu hỏi thực tế trong quá trình học. Thực nghiệm giúp cho HS có được những kiến thức và hiểu biết chắc chắn, giúp HS biết cách lý luận, mà là lý luận từ thực tế. Thực nghiệm sẽ khiến HS đặt câu hỏi. Ví dụ, với câu hỏi “Tại sao thuyền không bị chìm khi ở trên mặt biển?”, GV có thể đưa cho HS một chậu nước để HS làm thực nghiệm với một chiếc thuyền làm bằng miếng đất sét. GV sẽ đưa ra câu hỏi là làm sao để thuyền đất sét ấy nổi trên mặt nước, để có câu trả lời thì HS phải làm thực nghiệm. Qua thực nghiệm HS sẽ tiếp tục đặt câu hỏi và có được câu trả lời từ kiến thức học được trong thực nghiệm, hiểu biết kiến thức như vậy sẽ chắc chắn, HS sẽ không thể quên được kiến thức thu được.

Để dạy tốt phương pháp học thực nghiệm như vậy, vai trò của người GV phải như thế nào, thưa Giáo sư?

- Hiện nay, GV vẫn chưa được đào tạo một cách hoàn toàn bài bản để dạy tốt được ngay phương pháp học thực nghiệm. Theo tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã và đang hết sức cố gắng để triển khai những lớp tập huấn cho GV theo từng năm, để giúp cho GV có thể nắm được phương pháp dạy thực nghiệm nhiều hơn. Đây phải là một chương trình đào tạo, tập huấn dài hạn cho GV. Bởi số GV của Việt Nam rất nhiều, không thể làm trong một ngày hôm nay hay trong một ngày mai, mà phải đào tạo liên tục cho GV có khi cần phải trong 10 - 20 năm, như vậy mới dần thay đổi được hiểu biết và cách thức giảng dạy của GV.

Khi phương pháp dạy học hiệu quả đã thấm vào GV thì trong giờ học, phương pháp này sẽ được GV đưa ra cho HS một cách tự nhiên, chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa.

Với tình trạng sĩ số một lớp học ở Việt Nam có thể lên tới 50, trên 50 HS, theo Giáo sư, việc đưa phương pháp học bằng thực nghiệm liệu có khó khăn gì không?

- Không chỉ với riêng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học bằng thực nghiệm. Với một lớp học quá đông HS, nhiều hơn nhiều con số hợp lý là 20 - 30 HS, thì đúng là rất khó để triển khai phương pháp học tập theo nhóm.

Nhưng trong tương lai cần phải có những điều chỉnh dần để số HS trong một lớp học không quá đông. Tôi được biết là trong trường chuyên, lớp chuyên, sĩ số HS một lớp chỉ khoảng 20 - 25 HS. Đó là môi trường học tập thuận lợi để đào tạo những HS giỏi vượt trội.

Trong tương lai chúng ta mong rằng môi trường học tập thuận lợi với số học sinh trong mỗi lớp không quá đông như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn. Phần đông học sinh Việt Nam hiện nay vẫn phải học hoặc buổi sáng, hoặc buổi chiều, cũng cần phải làm sao để HS được học 2 buổi/ngày, cùng với đó là cố gắng bớt dần số HS trong mỗi lớp để tạo môi trường học tập thuận lợi hơn.

Hiệu quả của phương pháp “Bàn tay nặn bột” đối với HS có thể thấy ở Việt Nam chưa, thưa Giáo sư?

- Sự phát triển, lan rộng dần của phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong các trường học của Việt Nam cho thấy hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, có một điều thường gặp ở Việt Nam là hôm nay làm việc này thì ngày mai muốn biết ngay hiệu quả như thế nào.

Giáo dục là một sự đầu tư dài hạn, trong gia đình khi mà cha mẹ đầu tư học hành cho con cái thì phải có một sự đầu tư dài hạn, bao gồm biết bao nhiêu vấn đề gộp lại trong một sự đầu tư ấy, mà kết quả không thể thấy ngay được.

Nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường thì không chỉ một phương pháp “Bàn tay nặn bột” làm được, mà cần phải có sự tổng hợp nhiều phương pháp khác nữa. Ngay trong phương pháp “Bàn tay nặn bột” cũng cần phải có nhiều yếu tố góp phần tạo ra hiệu quả cho phương pháp này.

Sự thay đổi trong nhận thức của GV và niềm đam mê khám phá trong HS thể hiện như thế nào ở phương pháp “Bàn tay nặn bột”?

- Có một sự thay đổi rõ ràng về nhận thức, sự ham mê ở những GV đã đi theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, mong rằng số GV này sẽ ngày càng nhiều hơn. Sự ham mê cũng thể hiện ở chính HS. HS ham mê học tập theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” rồi khi từ trường về gia đình, chính các em lại truyền cảm hứng về phương pháp này đến các bậc cha mẹ, anh chị trong gia đình.

Đây thực sự có thể là một phong trào về phương pháp tiếp thu kiến thức. Chúng ta phải coi việc giáo dục HS là công việc xây dựng những cột trụ cho tương lai, đó cũng là nền tảng của giáo dục trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Bàn tay nặn bột" gọi theo tiếng Anh là "Hands on", theo tiếng Pháp là "La main à la pâte" - có nghĩa là "Bắt tay vào hành động". Đây là phương pháp tập trung phát triển khả năng nhận thức của trẻ em một cách khoa học, giúp trẻ em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc về thế giới xung quanh và những kiến thức được học, bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá bản chất vấn đề.

Tờ Thế giới nhận xét vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Kim Ngọc là những nhà khoa học có tầm nhìn xa và lao động cần mẫn. Nếu như đa số các nhà khoa học tập trung vào những nghiên cứu của cá nhân, thì GS Trần Thanh Vân được giới chuyên môn đánh giá cao ở khả năng tập hợp con người và tầm nhìn giúp mở đường cho các nhà khoa học trẻ tuổi.

Theo tác giả An Nhiên, Báo giáo dục Thời đại, link gốc: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201312/giao-duc-la-su-dau-tu-dai-han-1976913/