>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Năm 2015 Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng ASEAN trong một thị trường lao động chung. Sự dịch chuyển của học sinh, sinh viên và người lao động giữa các nước bắt buộc Việt Nam phải hội nhập xu hướng GD&ĐT của cả khu vực.

Giáo dục Việt Nam cần chuẩn bị gì để hội nhập?

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết như vậy, nhân hội thảo “Hoạch định tình huống dự đoán tương lai của nền giáo dục đại học khu vực ASEAN”, do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Ông đánh giá thế nào về vị trí của giáo dục VN và những việc cần làm để thu hẹp khoảng cách trong khu vực.

Chúng ta đang đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, điều đặc biệt quan trọng với giáo dục đại học, vì nó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành GD&ĐT đang có nhiều kế hoạch để nâng cao chất lượng.

Ví dụ: các công tác nhằm đảm bảo chất lượng, tăng cường sự giám sát của xã hội, tăng tính tự chủ của các trường… Khi chương trình hành động chung cho toàn bộ đề án đổi mới, các trường sẽ xây dựng kế hoạch hành động riêng, và hy vọng, trong thời gian tới, các hoạt động đó sẽ giúp thu dần khoảng cách giữa nguồn nhân lực của chúng ta đối với các nước.

Giáo dục VN chuẩn bị gì cho nguồn nhân lực khi hội nhập?

Giáo dục của chúng ta sẽ đem lại kỹ năng, trình độ, kiến thức để lao động VN có thể hòa nhập. Đó là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp một cách toàn diện từ khâu tham gia sâu của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đến việc tiếp cận môi trường làm việc khi thực tập.

Tự chủ dường như mới được nhìn thấy ở tuyển sinh như hiện nay. Vậy nguồn nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu không khi mà chưa kiểm tra được hiệu quả của việc tự chủ?

Giáo dục Việt Nam cần chuẩn bị gì đề hội nhập?

Giáo dục Việt Nam cần chuẩn bị gì đề hội nhập?

Tăng tự chủ cho các trường không chỉ dừng lại ở khâu tuyển sinh mà còn trong suốt quá trình đào tạo. Ngành GD&ĐT cũng đang kiểm định chất lượng, như mời các tổ chức quốc tế, ví dụ, mạng lưới các trường đông Nam Á, kiểm định các trường và khuyến khích các trường tự đánh giá.

Nói đến kiểm tra, kiểm định, vừa qua, ngành GD&ĐT đình chỉ 207 ngành rồi lại ngay lập tức cho mở lại 62 ngành, có thể hiểu thế nào về sự kiên quyết trong kiểm định chất lượng?

Việc đình chỉ 207 ngành là nằm trong một lộ trình đã được thực hiện từ lâu. Năm nay ngành sẽ làm với các trường cao đẳng. Việc rà soát lại các điều kiện để đảm bảo chất lượng là một trong các hoạt động giám sát để nâng cao chất lượng; việc cho mở lại ngành là do xét lại tính đặc thù của một số ngành như: nghệ thuật, một số ngành ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ có ít trường đào tạo.

Cho mở lại ngành nhưng có cảnh báo: từ nay đến 2017 trường phải có lộ trình xây dựng để đạt chuẩn. Môi trường giáo dục đại học phải mang tính chất học thuật lớn, đòi hỏi các trường phải có đủ đội ngũ có thể đảm nhận được chứ không thể chỉ bằng kinh nghiệm.

Hơn thế nữa, trong các trường phải có nghiên cứu khoa học nên sinh viên cần phải được trang bị lý luận chứ không chỉ tay nghề. Chắc chắn những yêu cầu sau này sẽ phải chặt hơn. Cũng xin nhấn mạnh, Bộ sẽ giám sát chặt hơn và yêu cầu các trường báo cáo lại chứ không chỉ dừng ở đây.

Vậy phải mất bao lâu để chất lượng giáo dục VN có thể so sánh với các nước trong khu vực?

Khó có thể nói được chính xác thời gian, nhưng, Bộ, các cơ quan chức năng và các trường đang nỗ lực để thu dần khoảng cách.

Cám ơn ông.

Đóng liền - mở ngay!

Những động thái “đóng”, “mở” với tốc độ chóng mặt đối với một số chủ trương liên quan đến cả triệu con người của ngành GD&ĐT gần đây như: Ưu tiên đối với mẹ Việt Nam anh hùng và bỏ liền sau đó; cấm dạy ngoại ngữ ở mầm non rồi lại khuyến khích dạy; đóng 207 ngành rồi ngay lập tức mở lại ngay 62 ngành, khiến người ta đã bắt đầu đặt câu hỏi: có uẩn khúc gì phía sau?…

Trả lời về việc này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: việc kiểm tra chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng là việc ngành GD&ĐT làm thường xuyên với một cơ chế mở. Theo đó, trường nào không đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng thì bộ thông báo cho biết, nếu không bổ sung kịp thì bị ngừng tuyển sinh; trường nào ít nghiêm trọng hơn, có thể do thiếu thực sự, có thể là chưa đưa đầy đủ số liệu nhưng nếu cập nhật đầy đủ số liệu, bổ sung để đảm bảo điều kiện thì được mở ngành trở lại. Vì vậy, không nên hiểu vấn đề quá nặng nề.

Những ngành được mở lại đã công khai các điều kiện để được mở lại; nếu dư luận còn băn khoăn chỗ nào thì phản ánh lại để Bộ có thể kiểm tra.