Hôm qua (ngày 2-6), hơn 900 nghìn thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 với hai môn thi ngữ văn và hóa học. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, không khí chung tại các hội đồng coi thi (HĐCT) trên địa bàn thành phố Hà Nội khá yên ả, không xảy ra sự cố nào về đề thi, các điều kiện phục vụ kỳ thi được bảo đảm.

 

Không có vi phạm quy chế thi nghiêm trọng trong ngày đầu tiên

 

Không có vi phạm quy chế thi nghiêm trọng trong ngày đầu tiên

 

Tăng cường thanh tra đột xuất

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, số lượng TS dự thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm hơn so với năm ngoái 17 nghìn TS, số giám thị (GT) coi thi giảm hơn 1 nghìn người, số phòng thi giảm gần 300 phòng. Tuy nhiên, công tác thanh tra, giám sát kỳ thi lại được tăng cường, trong đó đặc biệt chú trọng ở khâu coi thi. Nhằm tránh tình trạng đối phó của các địa phương, 10 đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đều thực hiện nhiệm vụ mà không báo trước. 15 tỉnh, thành phố nơi địa bàn, dân cư phức tạp hoặc đã từng là "điểm nóng" ở các năm trước được khoanh vùng, song không công bố công khai để có thể đánh giá chính xác, thực chất quá trình chuẩn bị, tổ chức các khâu của kỳ thi tại địa phương.

Ngày thi đầu tiên, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Bằng đã có mặt tại một số HĐCT của tỉnh Ninh Bình. Chánh Thanh tra cho biết, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của địa phương được thực hiện nghiêm túc; chủ trương tăng cường kiểm tra, giám sát kỳ thi góp phần làm cho kỷ cương trường thi nền nếp hơn.

Tại Hà Nội, trong thời gian diễn ra hai môn thi đầu, ngoài các đoàn thanh tra của Ban chỉ đạo thi thành phố, 15 đoàn thanh tra lưu động của Sở GD-ĐT đã tỏa đi khắp các HĐCT. Để tránh tình trạng chồng chéo khi làm nhiệm vụ, hoặc để xảy ra việc có nơi quá nhiều đoàn thanh tra đến giám sát, nơi lại chẳng có ai, từng đoàn đã được phân công phụ trách địa bàn cụ thể. Nếu HĐCT để xảy ra sự cố thì trách nhiệm không chỉ thuộc về chủ tịch HĐCT, mà trưởng đoàn thanh tra phụ trách khu vực cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Với chủ trương tăng cường trách nhiệm cá nhân và cách thức giao việc như vậy, mong muốn của Hà Nội là làm giảm đi những biểu hiện dễ dãi, nể nang có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi. Việc bố trí lịch thi tốt nghiệp năm nay theo hướng xen kẽ giữa môn thi tự luận và trắc nghiệm khiến TS đỡ căng thẳng hơn.

Sự căng thẳng không cần thiết

Thực tế ghi nhận tại các HĐCT cho thấy, dù không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào, song điều khiến hầu hết các GT, lãnh đạo HĐCT lo lắng, thậm chí cảm thấy căng thẳng là việc giám sát TS mang các thiết bị ghi âm, ghi hình (không có chức năng truyền, phát thông tin và tín hiệu âm thanh, hình ảnh). Mặc dù nắm rõ yêu cầu "3 không" (không loa, không tai nghe, không chức năng truyền phát tín hiệu) theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, song với các thầy, cô giáo việc nhận diện thiết bị này không đơn giản. Thực tế, chỉ việc kiểm tra các loại máy tính mang vào phòng thi môn toán, lý, hóa như ở các năm trước đã hết sức phức tạp, chưa nói gì đến máy ghi âm, ghi hình. Trước kỳ thi, đại diện Công an thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, với sự bùng phát của CNTT như hiện nay, ngay cả người có nghề cũng khó có thể xác định chính xác chức năng của thiết bị.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT khi cho phép TS được mang máy ghi âm, ghi hình là tạo ra sự giám sát hai chiều giữa GT và TS. Xét về lý thuyết thì việc này góp phần làm cho kỳ thi bớt "sạn" hơn, song thực tế triển khai cho thấy có nhiều bất cập. Nhiều chủ tịch HĐCT cho rằng, quy định này tạo ra sự căng thẳng không cần thiết trong phòng thi. Nhiệm vụ của TS là làm bài tốt, chứ không phải là chống tiêu cực.

Ở góc độ của đạo lý, quy định này cũng khiến những người làm thầy không khỏi suy nghĩ. Sự bình đẳng trong giáo dục là cần thiết, song với cách giám sát ngược lại thầy cô dường như đem lại nhiều hiệu ứng không tích cực. Các GT coi thi khi được hỏi đều chạnh lòng, bởi họ đều là những người được lựa chọn kỹ càng về tư cách đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và giữ cương vị làm thầy. Cách làm này vô hình trung dẫn đến những đảo lộn về giá trị đạo đức.

Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐCT Trường THPT Kim Liên - một trong những HĐCT có quy mô lớn nhất của thành phố Hà Nội với gần 800 TS, ông Nguyễn Quốc Thắng cho biết, đã dành khá nhiều thời gian, công sức cả trước và trong quá trình diễn ra các môn thi để giải tỏa mối căng thẳng cho GT, động viên họ chuyên tâm vào nhiệm vụ coi thi. Theo ông, nếu mọi thành viên, trong đó có GT coi thi làm đúng phận sự của mình với ý thức nghiêm túc, trách nhiệm cao và đồng lòng vì một mục tiêu chung là để kết quả thi phản ánh thực chất chất lượng dạy - học thì bất kể hình thức giám sát nào cũng không có nhiều ý nghĩa.

Tính đến 17h ngày hôm qua, theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, không khí trường thi ở các HĐCT trên toàn quốc nhìn chung trật tự, an toàn. Việc tăng cường giám sát ở khâu coi thi đã góp phần làm giảm nhiều biểu hiện gian lận. Tại Hà Nội, có 7 TS vi phạm Quy chế thi bị lập biên bản (3 TS sử dụng điện thoại di động và 4 TS sử dụng tài liệu).

Sáng hôm nay, bắt đầu từ 7h30, TS làm bài thi địa lý (thời gian làm bài 90 phút); chiều từ 14h30, TS làm bài thi môn sinh học (60 phút). Đáp án chính thức của các môn thi sẽ được Bộ GD-ĐT công bố vào chiều ngày 4-6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng.

Khoảng 15.000 sinh viên TP Hồ Chí Minh “Tiếp sức mùa thi

Ngày 2-6, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ra quân chiến dịch "Tiếp sức mùa thi 2013". Theo đó từ nay đến ngày 15-7, khoảng 15.000 sinh viên tình nguyện của TP sẽ có mặt tại các bến xe, nhà ga, trạm xe buýt, nhà trọ... nhằm đón - tư vấn hỗ trợ cho khoảng 300.000 thí sinh về TP dự thi ĐH-CĐ. Điểm mới của chiến dịch năm nay là thông tin về chương trình và đường dây nóng của tổng đài 19006836 được dán trên tất cả các tuyến xe buýt và 3.000 taxi. Chương trình này do Bộ GD-ĐT, Thành đoàn TP, Hội Sinh viên TP, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức hằng năm.

 

Thông tin cần biết:

 

Tin bài gốc: hanoimoi

Kenhtuyensinh

Theo: Hanoimoi