Giảm áp lực thi cử sẽ giảm dạy thêm học thêm

Cuối năm 2013, trả lời cử tri về một trong những giải pháp khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, công tác thi theo hướng gắn với thực tiễn, đánh giá khách quan, thực chất năng lực của học sinh, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc.

Trong một lần trả lời về giải pháp khắc phục dạy thêm, học thêm tràn lan, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng hiện nay tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan có nguyên nhân thuộc về quản lý, chương trình; học sinh hiện nay đang phải học quá nhiều. Ông Hiển khẳng định: “Chương trình mới sẽ đảm bảo không có việc cào bằng, sẽ có những phần kiến thức để cho học sinh tự chọn. Áp lực thi cử, học hành giảm thì sẽ giảm được việc dạy thêm học thêm”.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết trong khi chờ những việc đòi hỏi phải có thời gian lâu dài hơn như đổi mới đào tạo và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, đổi mới chương trình - sách giáo khoa... thì trước mắt Bộ GD-ĐT coi đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh là khâu đột phá trong đổi mới chất lượng giáo dục. Với những thay đổi này, ông Hiển hy vọng: “Dạy thêm học thêm chắc sẽ vẫn còn nhưng sẽ không có dạy thêm học thêm tiêu cực, mà phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh và đáp ứng được quyền lợi của các em”.

Thay đổi cách đánh giá, thi cử

Cách thi như thế nào sẽ tác động trở lại đến việc dạy và học. Nếu vẫn ra đề đánh đố, nặng về kiến thức, ghi nhớ máy móc thì cấm cỡ nào, học sinh vẫn phải cần học thêm. Thay đổi về cách thi sẽ góp phần đổi mới chương trình cũng như việc dạy và học ở trường phổ thông. Lúc bấy giờ quan niệm học cốt yếu để thi sẽ không còn nữa; khi học gì thi nấy, đúng với nội dung chương trình và cách thầy cô đã dạy thì tự thân nhu cầu học thêm sẽ không còn nữa.

Có lẽ nhận thấy điều này nên thời gian gần đây Bộ có những điều chỉnh về cách tổ chức thi và đánh giá kết quả học tập. Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua đã giảm phần nào lý thuyết suông, không chú trọng quá nhiều vào kiến thức hàn lâm. Việc xét tốt nghiệp cũng như tuyển vào ĐH không chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi mà tính cả quá trình học phổ thông. Ở bậc tiểu học, năm học này lần đầu tiên các giáo viên áp dụng cách đánh giá mới đối với học sinh - không bằng điểm số mà bằng nhận xét của thầy cô, bạn bè.

Tuy nhiên, những thay đổi này do mới diễn ra lại còn có vẻ dè dặt, chưa toàn diện nên chưa thật sự ngấm vào việc dạy và học bình thường ở các trường phổ thông. Trên thực tế, việc đánh giá, kiểm tra học sinh từ hằng ngày đến học kỳ vẫn chưa thật sự đổi mới. Ngoài ra, một khi hệ thống trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS vẫn tồn tại mặc dù luật Giáo dục không cho phép thì rất khó lòng cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Vì nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý muốn con được vào học những trường/lớp chọn này. Muốn thế, buộc phải học thêm.

Ý kiến liên quan tới vấn đề dạy thêm học thêm:

Vẫn cho con học thêm: PV Thanh Niên đã thực hiện khảo sát nhỏ trên 11 phụ huynh học sinh tiểu học tại TP.HCM của các trường  Phan Văn Trị (Q.1), Lương Định Của (Q.3), Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), Trần Bình Trọng (Q.5), Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận)... với câu hỏi cho con đi học thêm nữa hay không khi Bộ GD-ĐT thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học từ điểm số sang hình thức nhận xét. Kết quả: 9 phụ huynh khẳng định vẫn tiếp tục cho con đi học thêm vì để có người trông coi con; yên tâm hơn vì giáo viên sẽ quan tâm đến con hơn; củng cố, nắm vững kiến thức; để chuẩn bị cho việc xét tuyển vào lớp 6... Sau đây là một số ý kiến của phụ huynh và giáo viên:

An tâm hơn: Dù bỏ đánh giá cho điểm ở học sinh tiểu học, tôi vẫn phải cho con học thêm vì vợ chồng tôi kinh doanh nhỏ, quần quật từ sáng đến tối thì lấy đâu thời gian chăm con, dạy con học. Đưa cháu đến nhà giáo viên học sẽ an tâm hơn. Nguyễn Tấn Phú - (phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phạm Hồng Thái, Q.5)

Sẽ giảm nhiều: Nếu thay đổi cách đánh giá tiểu học, việc học thêm sẽ giảm đáng kể. Trước đây, sợ điểm số con thấp nên mới cho học thêm. Nếu bây giờ trường không chấm điểm, thì tôi không còn phải lo nữa. Miễn sao cháu lên lớp là được. Đến khi nào con tôi lên lớp 5 mới cho học thêm lại, vì năm cuối cấp nghe nói kiến thức nặng. Trần Thị Thu Lan - (phụ huynh học sinh Trường  tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10)

Sẽ giảm nhưng không nhiều: Việc không đánh giá bằng điểm số sẽ giảm rất nhiều áp lực thành tích cho cả học sinh và phụ huynh. Nhờ đó, phụ huynh sẽ an tâm hơn và không cho con đi học thêm nữa. Nhưng theo tôi, số lượng này không  nhiều. Bùi Thị Ngọc Linh - (giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3)

Video được xem nhiều trong tuần:

Khoá học Kỹ năng giao tiếp ứng xử

Theo tác giả Nhiên An, báo Thanh Niên, link bài viết gốc: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140919/bo-gd-dt-can-thay-doi-quy-dinh-cho-hop-ly.aspx