Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep


Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội vừa có một số kiến nghị gửi Chính phủ, trong đó có kiến nghị giải thể những trường đại học (ĐH) không đảm bảo chất lượng.

Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội cho rằng, cần phải tính toán kỹ để giảm tối đa thiệt hại; thà xử lý nghiêm ngay từ đầu còn hơn giải thể một trường.

Nhiều sinh viên rất giỏi

Ông có thấy chuyện giáo dục đang bị kêu ca quá nhiều?

Đúng là chuyện giáo dục gần đây có quá nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo quá kém. Thậm chí cho rằng ngày xưa chả cần tốt nghiệp ĐH, chỉ cần tốt nghiệp lớp 10 đã làm được khối việc. Bây giờ có khi tốt nghiệp ĐH cũng chả làm được cái trò gì... Cùng với ý kiến đấy, nhiều doanh nghiệp cũng kêu nhiều người tốt nghiệp đại học vào không làm được gì, phải đào tạo lại...

Thế còn ý kiến của ông...

Tôi không ở mức ấy. Tôi đồng tình là chất lượng giáo dục ĐH bây giờ kém, nhưng không phải tất cả đều kém. Bây giờ, số lượng tăng ghê gớm quá nên trong số lượng ấy, phải thừa nhận tỷ lệ kém là nhiều. Nhưng bây giờ cũng nhiều sinh viên giỏi. Nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp đã làm được rất nhiều điều. Tôi nhớ có sinh viên ở Đà Lạt chưa tốt nghiệp đã ghép gốc khoai tây để lấy củ, còn ngọn là cà chua để lấy quả mà cho kết quả rất tốt. Hay nhiều em đi vào lĩnh vực trồng hoa lan, chăn nuôi; nhiều em đã bắt đầu có sáng chế nhất định như sáng tạo robot chẳng hạn...


TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội.

Thầy kém, trường kém nên chất lượng giảm

Vậy, ông đánh giá nền giáo dục ĐH của chúng ta như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta đang đào tạo ĐH với số lượng quá nhiều. Chúng ta không tuyên bố phổ cập ĐH, nhưng trong nhu cầu của người dân, ai cũng muốn phổ cập cho con em mình. Người Việt Nam mình hiếu học, nhưng tôi nói điều này có thể bị giận - người Việt Nam cũng hiếu thắng nữa. Con ông, bà học ĐH thì con tôi cũng phải vào ĐH, dù chẳng biết có học được hay không và học để làm gì! Cầu mạnh quá, bằng mọi giá đẩy con mình vào đại học. Nhà nghèo, thậm chí rất nghèo cũng nhịn ăn nhịn mặc, bằng mọi giá vào đại học. Cầu như thế thì đẻ ra cung.

Có lẽ "cung" ồ ạt quá nên mới dẫn đến sự lộn xộn, chất lượng còn chưa đạt như mong muốn?

Quản lý của chúng ta đang buông lỏng, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách không cân nhắc, không tính toán cẩn trọng. Không cân nhắc nên một loạt trường từ ông cao đẳng thì lên ĐH, ông trung cấp thì lên CĐ rồi vài năm sau lại lên ĐH. Đối với chất lượng đào tạo, ngoài cơ sở vật chất - tôi quan tâm nhất là lực lượng giảng dạy. Trường đã không ra trường. Chất lượng thầy đã kém, bây giờ lại phải dàn trải chất lượng kém ấy cho một lượng trường quá lớn.

Ông cho rằng những người làm quản lý giáo dục đã sai lầm khi cho thành lập ĐH một cách vô tội vạ?

Người làm quản lý bây giờ có vẻ không bình tĩnh được trước áp lực, nhu cầu của xã hội, đưa ra những quyết sách tôi cho rằng cái nọ chồng lên cái kia, đặc biệt trong lĩnh vực mở rộng quy mô đào tạo. Mở rộng quy mô đào tạo mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt - nhu cầu có thật nhưng chưa chắc đã đúng của người dân. Nhưng cũng phải chia sẻ với những người làm quản lý. Nếu "cung" không kịp thì dân cũng kêu toáng lên: cả một nước như thế mà chỉ có vài trường ĐH...

Chả lẽ nhu cầu, mong mỏi vào ĐH lại là không chính đáng?

Mong mỏi vào ĐH là chính đáng, nhưng nhiều khi không hiện thực. Cũng như cả nhà thu nhập có 5 triệu đồng/tháng nhưng cứ đòi tiết kiệm để mua ô tô! Nhu cầu mua ô tô chính đáng nhưng không đúng sẽ làm cho cả gia đình nghèo đói, có khi suy dinh dưỡng vì không ăn uống đủ chất, vì tiết kiệm để mua được ô tô. Mua ô tô chỉ vì sĩ mà không quan tâm đến hiệu quả sử dụng cũng không khác nhiều với việc không có khả năng học ĐH nhưng cứ nhất thiết đẩy con mình vào ĐH bằng mọi giá. Trên thực tế, vào mùa nóng, muốn chữa điều hòa, kiếm một ông thợ điều hòa khó khăn lắm, trong khi chỉ chữa một lúc được 2 - 3 trăm ngàn ngay. Tại sao không cho con mình học để thành thợ trong khi nó có khả năng và năng khiếu làm thợ?

Quá nhiều rủi ro thì đừng vội giải thể

Việc một trường nào đó đột ngột bị giải thể, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều sinh viên đã và đang theo học...

Đúng. Sinh viên đang học ở đó, nếu giải thể thì chuyển đi đâu? Phải có lộ trình, quy chế giải thể. Theo tôi, những trường kém chất lượng, trước tiên đình chỉ tuyển sinh. Việc này trước hết để cảnh báo cho anh biết, thứ 2 là để khỏi quá tải trong năm sau; trường đó quay trở lại tập trung sức lực để đào tạo số sinh viên đang có. Cứ 2 - 3 năm ngừng tuyển sinh để tập trung vào đào tạo thì chất lượng sẽ đỡ hơn.

Ngoài ra, phải tìm cách giúp đỡ trường đó. Ngành giáo dục phải chỉ đạo việc hỗ trợ các trường yếu kém chuyển dần sinh viên sang các trường khác trước khi bị giải thể. Nói thì dễ, bởi thực tế nếu giãn sang trường có chất lượng cao hơn thì trường kia sẽ không nhận vì không đúng tiêu chuẩn. Ngược lại, nếu giãn sang trường có chất lượng thấp hơn thì người đang học cũng không muốn. Dẫu sao cũng phải cân nhắc thận trọng vì sinh viên chứ không phải vì các trường.

Nghe ông nói, tôi cũng thấy việc này cũng nan giải...

Dù khó vẫn phải làm, chứ không thể bỏ mặc con em mình. Phải đưa ra những tiêu chuẩn phụ, chẳng hạn nếu anh muốn đến trường tốt hơn thì phải qua một kỳ thi nhỏ nữa để tuyển chọn. Tóm lại là phải làm bớt dần số sinh viên ở những trường kém chất lượng, vì về mặt vật chất, giảng viên... không đủ để đáp ứng yêu cầu đào tạo thì phải chuyển bớt.

Dù sao, ông có công nhận, giải thể một trường ĐH - dù đúng là nó có chất lượng chưa đảm bảo - là một vấn đề lớn, nhạy cảm và liên quan đến rất nhiều số phận?

Tôi nghĩ rằng giải thể một trường hệ luỵ nhiều hơn việc thành lập một trường, vì giải thể liên quan đến vật chất, người lao động và ngoài ra là hàng trăm, hàng nghìn con em của chúng ta đang học ở trường đó, số phận của nó như thế nào? Nếu số phận của nó sẽ gặp quá nhiều rủi ro thì đừng vội giải thể.

Phải xử lý nghiêm sai phạm

Trong các mùa tuyển sinh trước, đã có những chuyện nực cười là nhiều em có giấy báo trúng tuyển còn ngỡ ngàng vì mình không thi vào trường đó, và điểm thi (vào trường khác) cũng rất thấp, thậm chí điểm thi 3 môn chỉ đạt dưới 10 điểm.

Dứt khoát phải xử phạt nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần Luật Giáo dục, không kiêng nể bất kỳ ai - dù người đó là GS, người làm lâu trong ngành, vô tình hay hữu ý. Những hành vi vụ lợi, bất chấp Luật giáo dục, quy chế tuyển sinh... vi phạm liên kết, liên doanh trong đào tạo phải được xử lý nghiêm.

Nói thì dễ nhưng thực hiện sẽ khó vì là đồng nghiệp và là chỗ quen biết với nhau...

Không thể coi thường pháp luật theo kiểu "một bồ cái lý không bằng một tí cái tình" như thế được. Không làm nghiêm cái sai nọ đẻ ra cái sai kia còn tệ hơn. Thà rằng xử lý nghiêm ngay từ đầu còn hơn giải thể một trường. Nhưng trường kém quá không giải thể thì làm sao đây?!

Kênh tuyển sinh: kienthuc