Điều này bắt nguồn từ việc đánh giá cuối học kì I, một số đơn vị còn lúng túng trong cách ghi nội dung nhận xét các môn học và hoạt động giáo dục, các năng lực, các phẩm chất ở học bạ và việc tổ chức xét khen thưởng.

Học bạ: Ghi nhận xét ngắn gọn, chọn lọc

Theo thầy Ba, việc ghi học bạ định kì đối với các môn học có điểm kiểm tra định kì (KTĐK), phần nhận xét, giáo viên chọn lọc ghi nội dung nhận xét ngắn ngọn về những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế theo chuẩn kiến thức - kĩ năng, năng khiếu, hứng thú về từng môn học. Cột điểm KTĐK, giáo viên ghi điểm số học kì I và cuối năm tương ứng với từng môn học.

Đối với các hoạt động giáo dục không có điểm KTĐK, phần nhận xét, giáo viên chọn lọc ghi nội dung nhận xét ngắn ngọn về những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành theo chuẩn kiến thức - kĩ năng, năng khiếu, hứng thú về từng môn học; xếp loại từng môn học, hoạt động giáo dục thuộc một trong hai mức: Hoàn thành hoặc chưa hoàn thành.

Ví dụ, với môn Âm nhạc, giáo viên có thể ghi nhận xét: Hát đúng giai điệu, lời ca và kết hợp động tác phụ họa phù hợp (Hoàn thành).

Đối với các năng lực, phẩm chất, căn cứ vào mức độ hình thành và phát triển năng lực của học sinh, giáo viên đánh dấu tích vào ô "Đạt" hoặc "Chưa đạt" ở dòng các năng lực.

Phần nhận xét, giáo viên chọn lọc ghi ngắn gọn những biểu hiện nổi bật hoặc khuyến nghị phù hợp theo từng nhóm năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tuyệt đối không dùng các danh hiệu khen thưởng cũ

Việc xét khen thưởng, tuyên dương cuối học kì I và cuối năm học, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quy định tại Thông tư 30 để tiến hành xét khen thưởng, tuyên dương.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT lưu ý, trong quá trình xét khen thưởng, tuyên dương, giáo viên chủ nhiệm cần khách quan, công tâm và có vai trò quyết định trong việc tổ chức hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên (các môn học và hoạt động giáo dục, các năng lực, các phẩm chất).

Thuật ngữ ghi trên giấy khen thưởng, tuyên dương có thể ghi là: Đạt thành tích nổi bật về… ; Có thành tích nổi bật về…; Đạt giải hội thi…; Có tiến bộ vượt bậc…

Tuyệt đối không dùng các danh hiệu khen thưởng trước đây theo Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT đã hết hiệu lực như: Học sinh xuất sắc, Học sinh giỏi, Học sinh tiên tiến.

Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.

Sở cũng hết sức lưu ý các hiệu trưởng, cần quán triệt đối với đội ngũ giáo viên quan tâm đến việc tuyên truyền giải thích cho cha mẹ học sinh hiểu được ý nghĩa và mức độ khác nhau của từng nội dung khen thưởng, tuyên dương đối với từng học sinh.

Mục đích khen thưởng là nhằm động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh là chính.

Sau một học kì triển khai thực hiện cách đánh giá mới với học sinh tiểu học, qua kết quả kiểm tra hỗ trợ ở 16 trường thuộc 7 phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận bước đầu các đơn vị có sự quan tâm và thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT.

Cán bộ quản lý và giáo viên các trường hiểu được quan điểm chỉ đạo mới về đánh giá học sinh tiểu học cũng như việc vận dụng vào thực tế đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đúng quy định.

Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Ba


Theo Giáo dục thời đại, http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ghi-hoc-ba-hoc-sinh-tieu-hoc-ngan-gon-co-chon-loc-642360-v.html