GD&ĐT ở thành phố mang tên Bác: Thành tựu 40 năm

Học sinh TPHCM tưng bừng trong ngày hội 40 nămHọc sinh TPHCM tưng bừng trong ngày hội 40 năm
GD&TĐ - Với nỗ lực phấn đấu trong 40 năm qua, ngành GD&ĐT TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Địa phương duy nhất hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn tám triệu dân; trong khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,07% thì tỷ lệ tăng cơ học lên tới 2,5% (tính cả người ngụ cư thì dân số thành phố hiện hơn 10 triệu người).

Năm 1975, thành phố chỉ có gần 3,5 triệu dân thì sau 40 năm đã tăng gấp 2,3 lần. Tất cả những vấn đề đó đặt ra cho ngành GD-ĐT thành phố trách nhiệm nặng nề trong thực hiện sự nghiệp “trồng người”...

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết: “40 năm qua, ngành GD-ĐT thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em nhân dân thành phố, trong đó có cả người ngụ cư.

Cụ thể, từ 14.992 lớp học với 595 trường, sau 40 năm, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 27.901 lớp học với 938 trường, bảo đảm chỗ học cho 1.122.447 học sinh phổ thông (so với 742.763 học sinh vào năm 1975). Như vậy, số phòng học đã tăng 1,86 lần để theo kịp số học sinh tăng 1,51 lần.

Đó là nỗ lực lớn, thể hiện sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục của lãnh đạo thành phố. Nhất là năm 1999 được thành phố chọn là “Năm Giáo dục” và toàn thành phố đã đẩy mạnh việc xây dựng trường lớp.

Nhờ vậy, đã tăng thêm 427 phòng học khối phổ thông và 461 phòng học mầm non, tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng trường lớp, đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là người ngụ cư…”.

Thành phố cũng đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS vào năm 2002 (cả nước hoàn thành vào năm 2010).

Đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất hoàn thành phổ cập giáo dục THPT (năm 2009) và cũng vừa được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Hằng năm, thành phố đều thực hiện rà soát, kiểm tra việc hoàn thành phổ cập ở tất cả các quận, huyện.

Đến nay, 24/24 quận, huyện đã hoàn thành và được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; 100% số trẻ sáu tuổi vào học lớp một; tỷ lệ học sinh 11 - 14 tuổi vào học bậc THCS là 97,8%; tỷ lệ học sinh 14 - 17 tuổi theo học bậc THPT là 91%.

Đổi mới phương pháp dạy học để hội nhập quốc tế

Nhằm sớm đưa mục tiêu hội nhập quốc tế vào mục tiêu giáo dục phổ thông, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 đã xác định nhiệm vụ của công tác GD-ĐT là “Xây dựng nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”.

Ngành GD-ĐT thành phố đã thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp” đã góp phần nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh phổ thông thành phố, được đánh giá cao nhất cả nước và tương đương với nhiều nước lớn trong khu vực.

Cùng với đó, thành phố luôn tích cực, đi đầu trong hoạt động đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học. Hàng loạt các mô hình hay đã được nhân rộng từ thực tiễn thành phố.

Đó là dạy học hướng vào cá nhân học sinh, đề cao dạy phương pháp tự học, tăng cường tính chủ động cho học sinh, tăng cường dạy kỹ năng sống; đưa các chuẩn quốc tế vào dạy môn tiếng Anh và Tin học cho học sinh phổ thông...

Theo HĐND TP Hồ Chí Minh, để chăm lo cho nhân dân lao động, người ngụ cư, phải quan tâm đến nhu cầu học tập của con cái họ khi đến thành phố làm ăn sinh sống.

Vì vậy, cần có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của ngành lớn mạnh từ quy mô đến chất lượng, đủ về số lượng, có đạo đức lối sống tốt, có lương tâm nghề nghiệp. Vì thế, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về “Hỗ trợ giáo dục mầm non giai đoạn 2014 - 2020” với các chế độ đặc thù.

Theo đó, đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, hỗ trợ thêm 60% số lương; đối với cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy nhóm trẻ 6 - 18 tháng tuổi, hỗ trợ thêm 70% số tiền lương; đối với nhân viên các trường mầm non, hỗ trợ thêm 25% số tiền lương; đối với giáo viên mầm non mới ra trường, hỗ trợ thêm (năm đầu) 100% số lương cơ sở/người/tháng...

Đây là lực lượng trực tiếp dạy, nuôi giữ trẻ em, con của lao động ngụ cư ở các vùng ven, các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Và để hiện thực hóa nghị quyết này, tạo điều kiện giúp người lao động yên tâm làm việc, năm học 2014 - 2015, ngành GD-ĐT thành phố đã thực hiện thí điểm nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi tại một số quận, huyện (đông công nhân ngụ cư) và đến năm 2020, sẽ bảo đảm tất cả 24 quận, huyện đều có trường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn khẳng định: TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng các giải pháp về chính sách xã hội trong GD-ĐT nhằm bảo đảm 100% số học sinh (kể cả người ngụ cư) có điều kiện đến trường. 

Đồng thời chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành GD-ĐT; tăng cường xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển sự nghiệp GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Trong 40 năm xây dựng và phát triển, ngành GD-ĐT thành phố đã nhiều lần nhận được các huân chương, cờ thi đua, bằng khen của lãnh đạo các cấp ghi nhận những nỗ lực và thành tích mà các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên thành phố đạt được.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)