Càng không có thời gian cho con, càng để con học thêm

Dù Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng tới 74,6% phụ huynh có con bậc học này cho biết đã cho con đi học thêm. Trong đó 56,9% phụ huynh nêu lý do để củng cố kiến thức căn bản trong chương trình và bổ sung kiến thức nâng cao ngoài chương trình.

Đây là kết quả của khảo sát do Báo Thanh Niên thực hiện trong 2 tuần ở 6 tỉnh, thành với phụ huynh (PH) của hơn 140 trường tiểu học.

Có 74,6% số PH được hỏi trả lời có cho con học thêm và 25,4% trả lời không. Như vậy, có tới 3/4 PH cho con đi học thêm. Về địa phương thì PH ở Đà Nẵng có tỷ lệ cho con đi học cao nhất (88,2%), theo sau là TP.HCM (76,4%), Cần Thơ (74,5%), Hà Nội (74%) và thấp nhất là Bình Định (chỉ 65,2%). Đa số  PH đều cho con học thêm ngay từ tiểu học trong khi quy định của Bộ GD-ĐT là cấm dạy thêm ở bậc học này.

Có nhiều lý do để PH cho con đi học thêm. Trong đó, để củng cố kiến thức căn bản trong chương trình là cao nhất (31,2%), bổ sung kiến thức nâng cao ngoài chương trình (25,7%), tự nguyện vì thấy con thua kém bạn bè (22,3%). Như vậy, 2 lý do đầu chiếm trên 50%, nghĩa là PH muốn “nạp” thêm kiến thức vào đầu con trẻ càng nhiều càng tốt. Đây cũng là tâm lý chung của PH các nước châu Á, trong khi PH các nước phương Tây muốn cho con vừa học, vừa chơi để phát triển năng lực và trí tuệ của trẻ. Cần lưu ý là có 21,7% PH cho rằng do không có thời gian quản con nên cho con đi học thêm. Chỉ có 4,3% PH trả lời do giáo viên gây áp lực, bắt ép, trù dập nên cho con học thêm, trong đó Cần Thơ cao nhất (9,6%), kế đến là Hà Nội (6,1%) và Đà Nẵng là 5,9%, trong khi TP.HCM (2,6%) và Bình Định chỉ 1%.

Cũng có sự khác nhau giữa PH các tỉnh, thành phố về lý do để con học thêm. Vì không có thời gian quản con ở TP.HCM cao nhất (38%), kế đến là Đà Nẵng (32,4%), Hà Nội chỉ 9,2%, trong khi Cần Thơ (3,2%) và Quảng Nam (0%). Từ số liệu này, có thể suy ra thời gian và cường độ làm việc của PH ở TP.HCM và Đà Nẵng căng nhất.

Học cả cuối tuần, hết các ngày trong tuần

Theo khảo sát, đa số PH cho con học thêm tại nhà giáo viên (39%), ở trung tâm bồi dưỡng (16,3%), tại trường (14,1%) và tại gia thấp nhất (13,5%). Trong đó việc cho con học thêm ở nhà giáo viên thì Quảng Nam cao nhất (51%), Hà Nội (49%), Cần Thơ (44,7%), TP.HCM (33,5%) và Bình Định thấp nhất (27,2%).

Có 32,8% PH cho con học với giáo viên trực tiếp dạy con mình, 33,1% với giáo viên giỏi và 9,1% nhờ gia sư.

Đến 47,3% PH cho biết giáo viên đang dạy con mình có tổ chức dạy thêm, 23,7% cho rằng không có (29% không trả lời). Kết quả trả lời này cũng phù hợp với thông tin học sinh chủ yếu học thêm với giáo viên  đang dạy. Vì lý do này mà có đến 52,2% PH cho biết sẽ chọn giáo viên đang dạy để cho con học thêm. Một số PH nhận định: học với thầy cô dạy con mình có 2 cái lợi, thứ nhất thầy cô là người hiểu con mình thiếu gì và thứ hai, thầy cô vui vẻ hơn.

Về thời gian cho con đi học thêm, có 35,2% PH trả lời sau tan trường, 32,7% vào các ngày cuối tuần và 9,6% học tất cả các ngày trong tuần. Với câu hỏi này, PH ở Bình Định trả lời cả 3 thời điểm đều thấp nhất (8,7%, 9,8% và 9,8%), điều này rất phù hợp với thông tin ở trên khi PH ở địa phương này cho con đi học thêm ít nhất. PH ở Đà Nẵng chọn sau giờ tan trường nhiều nhất (58,8%), PH Hà Nội chọn các ngày cuối tuần cao nhất (55,6%). Có thể PH Hà Nội chọn cuối tuần cho con đi học thêm để có thời gian đưa, đón. Lựa chọn này phù hợp với trả lời của PH ở câu 2, không có thời gian để quản con nên cho con đi học thêm.

Vẫn còn tình trạng trù dập nếu học sinh không học thêm

Đa số PH cho con học thêm các môn chính (44,4%) gồm toán, tiếng Việt và ngoại ngữ (tiếng Anh). Có 37,5% PH cho rằng học thêm là gánh nặng chi tiêu trong gia đình, 44,4% trả lời không và 18% không trả lời. Như vậy, có tới 1/3 PH cho rằng tiền học thêm là gánh nặng của gia đình, trong số này thì Cần Thơ có tới 51%, Hà Nội 49%, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đều dưới 37%.

51,5% PH cho rằng con mình hiểu biết hơn sau khi học thêm. Điều này cũng phù hợp với lý do đi học thêm là củng cố và bổ sung, nâng cao kiến thức mà PH đã nêu. Tuy nhiên cũng có tới 19,6% PH cho biết giáo viên vui vẻ và giúp đỡ con mình hơn sau khi học thêm. Có 10,4% PH thừa nhận học lực không thay đổi sau khi học thêm.

Theo khảo sát, 58,3% PH cho rằng không có chuyện gì xảy ra nếu con không đi học thêm (con bị trù dập, điểm số thấp, thường xuyên bị giáo viên than vãn về việc học tập của con). Tuy nhiên, việc trù dập, cho điểm thấp do không đi học thêm cũng không phải hoàn toàn không vì có tới 10,7% PH trả lời có.

Vì lý do này mà 38,9% PH cho biết cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn khi để con học thêm, 28,6% thấy bình thường và 12,3% thấy buồn nhưng vẫn “cắn răng” chịu. Khi không hài lòng về việc con đi học thêm, phần lớn PH hờn trách chương trình giáo dục hiện hành (24,7%); bực tức, than thầm 20,7% và chỉ 17,9% phản ánh với nhà trường/cơ quan quản lý. Về biểu hiện bực tức, than thầm, PH Cần Thơ 29,8%, Hà Nội 27%, Quảng Nam 22% và thấp nhất là Đà Nẵng 8,8%. Ngược lại, thái độ hờn trách chương trình thì Đà Nẵng cao nhất 41,2%, Hà Nội 35,2%, Cần Thơ 27%. Như vậy, PH Hà Nội cả 2 biểu hiện này đều cao, chứng tỏ PH ở đây không muốn cho con đi học thêm nhưng thực tế phải chấp nhận như vậy.

Không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi

Đến 42,1% PH thừa nhận khi học thêm, học sinh sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi; 29,4% cho rằng không vấn đề gì; 27,7% mệt mỏi;  14,1% thiếu kỹ năng sống và 15,3% cho biết mất tính sáng tạo. Như vậy, điều mà PH nhận thấy ngay là đi học thêm, học sinh không có thời gian vui chơi và mệt mỏi. So sánh giữa các địa phương thì ở Hà Nội có 65,8% PH trả lời không có thời gian vui chơi và 34,7% cho là mệt mỏi (2 yếu tố này ở Hà Nội đều cao hơn bình quân các nơi khác), trong khi chỉ có 16,3% PH thủ đô trả lời không có vấn đề gì. Ngoài ra, cũng có tới 24% PH ở đây cho rằng thiếu kỹ năng sống và 28,1% cho là thiếu tính sáng tạo. Như vậy, về nhận thức, PH Hà Nội nhận thấy có nhiều tiêu cực, tác hại của việc học thêm, nhưng có tới gần 75% PH vẫn cho con đi học thêm. Tương tự, PH Đà Nẵng có 4/5 yếu tố trên trả lời đều cao hơn mức bình quân (cũng nhận thấy tác hại của việc học thêm) nhưng vẫn có tới 88,2% cho con học thêm. Ngược lại, PH Bình Định cho rằng không vấn đề gì rất cao (51%) còn các vấn đề khác thấp hơn bình quân 6 địa phương. Điều này khá phù hợp vì PH Bình Định cho con đi học thêm thấp nhất trong 6 địa phương.

Gần 60% PH khẳng định không cần học thêm

Theo PH, khi học thêm, học sinh chỉ tăng khả năng giải bài tập và làm bài thi nhưng những năng lực cần thiết trong cuộc sống như: làm việc nhóm, tự học và sáng tạo, đặt và giải quyết vấn đề không phát triển mấy. Có tới 44,5% cho rằng năng lực giải bài tập và 40,3% kỹ năng làm bài thi phát triển; còn tự học và sáng tạo chỉ có 14,8%, làm việc nhóm 8,8% và giải quyết vấn đề ít nhất 6,8%. PH Hà Nội và Cần Thơ gần như nhau khi chọn trên 50% cho 2 năng lực giải bài tập và kỹ năng làm bài thi.

Chính thực tế này có tới 55,8% PH khẳng định học sinh tiểu học không cần học thêm, 35,1% trả lời có. Đặc biệt, ở Hà Nội có tới 71,9% PH trả lời không nên, chỉ có 24,5% có. Như vậy, hơn 50% PH cho rằng ở tiểu học không cần cho học thêm, điều này cũng phù hợp với nhận định bên trên học thêm sẽ gây ra nhiều hệ lụy như mệt mỏi, không có thời gian vui chơi, một số năng lực cần thiết không được phát triển.

Tuy nhiên, nghịch lý là dù biết vậy nhưng trong khảo sát, có tới 74,6% PH cho con đi học thêm. Nhiều PH đã nhận thức được những mặt tiêu cực của học thêm, nhưng vẫn phải cho con học thêm. Có lẽ vì học thêm đã trở thành phổ biến, và tâm lý sợ con mình học kém, tâm lý muốn con mình vào trường chuyên, trường điểm. Qua trả lời cho thấy PH Hà Nội nhận thức được vấn đề tác hại của học thêm, không nên cho học sinh học thêm từ tiểu học nhưng có tới 25% (cao nhất trong 6 tỉnh, thành) PH cho rằng do chương trình học quá nặng, không học không thể vượt qua.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140915/gan-75-phu-huynh-cho-con-hoc-them.aspx