Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Ngày 31/10, là hạn cuối cùng các trường đại học, cao đẳng nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng của thí sinh, cũng là thời điểm chính thức khép lại kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất nhiều trường ngoài công lập chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, một kết thúc đầy ảm đảm và không khá khẩm hơn các năm trước dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “bật đèn xanh."

Thêm gần 100.000 thí sinh, trường vẫn… "đói"

Mùa tuyển sinh năm 2013 được xem là mùa thi nhẹ nhàng hơn với các thí sinh so với những năm trước do đề thi đã được Bộ đổi mới theo hướng “hợp lý” hơn.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, tỷ lệ cơ cấu ban ra đề đã có sự điều chỉnh, thay vì tỷ lệ 70% giảng viên đại học và 30% giáo viên phổ thông như mọi năm chuyển thành 50% chia đều cho cả hai bên. Lực lượng ra đề cơ cấu theo cả vùng miền, có giáo viên miền xuôi, miền núi, vùng thuận lợi, vùng khó khăn, miền Nam, miền Bắc để đảm bảo đề thi phù hợp với năng lực học sinh, không quá khó.

 

Trường ngoài công lập trong cơn chật vật tìm sinh viên | Tuyển sinh


Theo đó, đề thi được thí sinh đánh giá là dễ hơn mọi năm. Điểm số của các em đương nhiên cũng dịch chuyển từ thấp sang trung bình trở lên. Vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên mức điểm sàn như mọi năm thì số thí sinh trên điểm sàn dôi dư so với chỉ tiêu là trên 238.000 em, tăng khoảng gần 100.000 em so với mọi năm. Con số này cộng với các thí sinh điểm cao nhưng trượt những trường nhóm trên được coi là nguồn tuyển phong phú cho các trường đại học, cao đẳng nhóm dưới, nhất là các trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, tình hình đã không khả quan như sự mong đợi của các trường. Thí sinh cứ nộp hồ sơ là được “mời” nhập học nhưng tình trạng “khát” sinh viên vẫn phổ biến khi rất nhiều trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu.

Trường Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) có chỉ tiêu là 1.000 em nhưng mới tuyển được khoảng 100 em. Đại học Hòa Bình tuyển được khoảng 300 em trên tổng số 1.200 chỉ tiêu, thấp hơn so với các năm trước.

Tại trường Đại học Hà Hoa Tiên, theo Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Văn Trình, trường chỉ nhận được khoảng 200 bộ hồ sơ. Tuy nhiên, nếu thực sự có 200 hồ sơ thì với Đại học Hà Hoa Tiên đây có lẽ đã là con số đáng khích lệ khi năm ngoái, trường hầu như không tuyển được hồ sơ nào và vì thế không mở được lớp học nào. Ngay cả năm nay, khi kết thúc xét tuyển nguyện vọng đợt 1 (ngày 10/9), lãnh đạo trường cho biết chỉ có khoảng chục bộ hồ sơ đăng ký học.

Các trường Đại học Thành Tây, Đại học Thành đô, Đại học Nguyễn Trãi… tình hình cũng không khả quan hơn. Ngay cả một trường ngoài công lập khá lâu năm như Đại học Dân lập Hải Phòng cũng không ngoại lệ. Theo Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị, trường này chỉ tuyển được khoảng 50%.

Nguyên nhân của tình trạng này được các trường lý giải là do số lượng trường đại học quá nhiều, thí sinh có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, các trường công lập lấy điểm chuẩn không cao, học phí thấp hơn trường ngoài công lập nên được thí sinh ưu ái hơn. "Học phí cao cùng với việc uy tín của các trường tư không bằng các trường công nên có thể thí sinh không mặn mà," ông Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Trãi nói.

>> Do đâu đại học ngoài công lập khó tuyển

Chờ được tuyển sinh riêng

Với số lượng sinh viên tuyển được quá khiêm tốn, các trường ngoài công lập đang trông chờ vào việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua các đề án xét tuyển.

Trước đó, một số trường như Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Ngãi), Đại học Quang Trung (Bình Định), Đại học Yersin (Lâm Đồng), Đại học Trưng Vương (Vĩnh Phúc)… đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phương án tuyển sinh riêng. Cách thức chủ yếu của các trường là xét tuyển dựa vào kết hợp các yếu tố kết quả thi đại học, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học lực của thí sinh trong quá trình học cấp 3 và có thể có thêm vòng phỏng vấn.

Ông Nguyễn Văn Nhã cho biết: “Chúng tôi đang có dự kiến là sau khi kết thúc xét tuyển, nếu trường không tuyển đủ 2/3 chỉ tiêu thì xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép được tuyển theo đề án đã trình Bộ".

“Chúng tôi muốn tổ chức các kỳ thi phụ để thí sinh biết đến trường, cũng là thêm có hội cho các em,” ông Nhã phân trần.

Đây cũng là ý kiến của ông Trần Hữu Nghị. Ông Nghị cho biết sẽ phải “cầu viện” tới Bộ, đề xuất thêm phương án xét tuyển để có thể bù thêm chỉ tiêu. Lãnh đạo Đại học Hà Hoa Tiên cũng bày tỏ hy vọng được có một đợt tuyển sinh nữa để trường bớt phần ảm đạm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các phương án tuyển sinh do các trường đưa ra đều chưa được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã công khai đề án của các trường để lấy ý kiến dư luận nhưng không được đồng tình.

“Các trường tiếp tục hoàn thiện đề án. Nếu được dư luận xã hội đồng thuận thì Bộ sẽ chấp nhận và để các trường áp dụng ngay,” Thứ trưởng Ga nói. Ông Ga cũng cho rằng các trường nên tập trung đầu tư vào chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu, uy tín để thu hút người học.

 

Theo: tamnhin