Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOC - ĐIỂM CHUẨN

Tin liên quan:

>> Không dung túng, phải xử lý nghiêm

>> Không tổ chức thi lại ở Bắc Giang

>> Phải cải tiến việc thi cử

Đừng để tiêu cực thoát tội, người chống tiêu cực chịu tội

Tôi mong rằng những người làm giáo dục từ địa phương đến Trung ương cần có hướng xử lý khéo léo để những người chống tiêu cực không lâm vào thế đơn phương. Nặng hơn nữa, đừng để kẻ tiêu cực thoát tội, người chống tiêu cực bị chịu tội.

Báo Giáo dục Việt Nam luôn cập nhật những thông tin mới nhất cũng như những ý kiến từ phía độc giả mong muốn đi đến cùng sự thật, công bằng của vụ bê bối thi cử tại Bắc Giang. Sau đây là bức thư của độc giả Hoàng Long gửi về Tòa soạn, dưới một góc nhìn rất nhân văn về nhân vật S. (Thí sinh quay clip chống tiêu cực tại Bắc Giang).

Trong lời tâm sự của mình, thí sinh S. (người quay clip tố cáo tiêu cực tại Bắc Giang) tâm sự: “Em học cũng không tệ lắm nhưng bị giáo viên trù dập nên sinh ra chán nản, chểnh mảng chuyện học hành. Sự bức xúc của em với trường lên đến cao độ khi một bạn gái trong lớp của em bị giáo viên tát chảy máu mồm, nhà trường biết nhưng vẫn không hề xử lý kỷ luật giáo viên”.

Vì vậy, S. nhận lời giúp anh N. quay clip cảnh gian lận ở phòng thi. Em đã thay mặt cho toàn bộ học sinh trên toàn quốc nói chung và học sinh THPT Đồi Ngô nói riêng "phản ứng" lại những bất cập trong giáo dục. Tôi cho rằng, việc làm của S không những tạo nên một cú "hích" cho nền giáo dục nước nhà mà còn khiến bản thân mỗi người một lần nữa nhìn nhận lại chính mình.

Từ lời tâm sự nêu trên của S. cho thấy hành động ấy là có cơ sở, có ý thức chứ không phải một hành động bị liệt vào dạng bị động do bị “xui dại” hay bồng bột trong tâm lý lứa tuổi. Trong quá trình thực hiện clip, tôi nghĩ rằng S. đã ít nhiều nghĩ đến hậu quả, thế nhưng em dám chịu trách nhiệm bởi em tin rằng điều đó là quan trọng.

Trong cuộc đời học sinh, không ít lần bạn có câu trả lời cho câu hỏi của giáo viên nhưng sợ sai nên không giám giơ tay phát biểu, không ít lần bạn có những ý tưởng mới mẻ nhưng sợ bị vùi dập nên không dám nói ra. Mười hai năm học trên ghế nhà trường, mỗi học sinh dễ biến thành “chất lỏng”. Ra cuộc đời, người ta cho các em vào cái chai, các em thành hình chai, người ta cho các em vào bình bầu dục, các em thành hình bầu dục. Hành động của S. đã “phá bỏ” hoàn toàn một hệ thống giáo dục cứng nhắc, tiêu cực bao lâu nay. Dù S. có thể bị coi là lập dị, quái dị hay dại dột đi chăng nữa nhưng em đã chứng tỏ riêng bản lĩnh của mình đã làm được một việc không phải ai cũng làm được, mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Đáng ra, việc chống tiêu cực không phải do một mình em gánh vác, đây là trách nhiệm của ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. S. mới chỉ là một học sinh 17 tuổi, công việc của em là cố gắng thi đạt kết quả tốt. Thế mà, trong khi nhiều học sinh cùng phòng đang nhìn bài nhau, ném phao, chép tài liệu thì S. lại thực hiện nhiệm vụ thay cho toàn xã hội chỉ bằng một chiếc bút có chức năng như một camera. Điều đó chứng tỏ S là người có khí phách cứng cỏi, kiên cường, vì nghĩa lớn. Em đã vạch trần một sự việc mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng dám nói: Tiêu cực giáo dục đang hoành hành rất trắng trợn.

S đã không sử dụng các hành vi khác để chống tiêu cực như báo cáo với các cơ quan chức năng. Có lẽ, bởi em thấy không tin tưởng sự việc sẽ được giải quyết, mà sẽ bị vùi vập vì “lưỡi không xương mười đường lắt léo”. Điều này đáng để chúng ta phải suy nghĩ về một xã hội để cho cậu bé mới chập chững bước cuộc sống cảm thấy bất an.

Tuy nhiên, sau khi đã quay được clip S. tin vào lẽ phải, công lý trên đời nên đã đưa cho thầy N. Em nghĩ rằng chỉ cần mình vạch trần được sự việc thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Tôi nghĩ sau việc làm của S. tất cả chúng ta phải cảm ơn em. Vì nhờ có việc làm thiết thực này, chúng ta mới có được những clip sống động làm bằng chứng. Bộ Giáo dục cũng nên khen thưởng em một cách xứng đáng. Thế nhưng, những điều tôi nghĩ, những điều S. nghĩ lại hoàn toàn ngược lại. Hiện tại S. đang gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý cũng như về pháp luật.

Dư luận "nóng bỏng" sau khi vụ việc xảy ra khiến S. cảm thấy thật sự lo lắng, đặc biệt là khi có những phát biểu rằng mang thiết bị vào phòng thi là vi phạm quy chế. Những ngày này, em thường phải tá túc ở nhà người quen, chịu nhiều sức ép từ phía thầy cô giáo cũng như bạn bè, hàng xóm. Em phải đối diện với sự trách móc, dè bửu, thậm chí là... căm thù. Ngay cả trên mạng cũng có những bạn trẻ hùng hồn đòi lập hội truy lùng thí sinh đã quay clip. Họ cho rằng S. ngu, đã cho quay lại còn không sướng, để kéo theo tất cả mọi người bị liên lụy. Nhiều người còn đe dọa S. với mức độ nhẹ thì ném gạch, nặng thì xử lý S. như luật rừng.

Thế nhưng, điều khó khăn, day dứt nhất mà em phải đối diện là những lo lắng của bố - người thân ruột thịt duy nhất luôn ở bên cạnh em. Mẹ mất đã 5 năm vì bệnh suy thận, S. ở cùng bố trong điều kiện gia đình hết sức khó khăn. Rất thương con nên bố S đâm ra suy sụp, ông chỉ biết nói giá như biết trước sự việc thì đã ngăn cản con.

Như vậy, trong con mắt của nhiều người, S. không phải là một anh hùng, mà là một tội đồ.

Tâm sự của S. sau khi clip được phát tán trên mạng, là mong sao hội đồng thi vẫn chấm điểm cho tất cả các bạn, vẫn mong được tính bài thi của cá nhân mình. Có vẻ như S đã ân hận về việc mình đã làm. Thật khó có thể trách được S. khi em đang ở tuổi mới lớn, tâm lí dễ bị dao động, cũng rất khó khăn khi chịu được sức ép cả từ phía gia đình, người thân lẫn dư luận.

Theo S. việc em đỗ tốt nghiệp hay không đến thời điểm này không còn thật sự quan trọng. Ngay từ trước kỳ thi, S. đã xác định học xong cấp 3 là sẽ ở nhà đi làm. Nhưng tôi tin rằng, với một người thật thà, dũng cảm như S. thì việc tốt nghiệp Trường THPT là một phần, quan trọng là em tốt nghiệp trường đời để có thể giúp đỡ gia đình, trưởng thành thật sự.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải biết trân trọng những người dám đứng lên chống tiêu cực, như thầy Đỗ Việt Khoa, thầy N. và em S. Thầy Đỗ Việt Khoa đã nhiều năm ròng đứng lên chống tiêu cực, chịu không biết bao nhiêu thiệt thòi, tủi nhục. Ít ai dám là một thầy Khoa thứ hai, nhất là những người trong ngành giáo dục. Họ tố cáo tiêu cực thì khác gì: “Vạch áo cho người xem lưng”. Ở đời, người ta luôn có tâm lý: “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, vì vậy chẳng ai muốn đưa cái xấu của cộng đồng ra để trở thành cái "nạn" cho riêng mình.

Vì vậy S. ơi, đừng sợ, có rất nhiều người đứng về phía em, những người luôn mong muốn có một xã hội tốt đẹp hơn. Trên các trang báo mạng nhiều người ủng hộ em, mong muốn giúp đỡ em. Có một nhà doanh nghiệp chuyên đào tạo về mạng máy tính, có trụ sở chính ở Bắc Ninh đã cảm thông với em học sinh dũng cảm chống gian trá. Anh bảo: "Nếu cháu quay Clip thi cử tiêu cực vừa rồi đưa lên mạng vẫn được học tiếp thì không sao. Nhưng nếu yêu thích công việc và cảm thấy hứng thú, chúng tôi luôn rộng mở chào đón cháu. Dù điều kiện còn hạn chế nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp cho cháu một việc làm với mức lương xứng đáng”.

Thầy Hiệu phó ở một trường Cao đẳng cũng chia sẻ: "Nếu để một tấm gương trung thực như vậy phải thất học, rồi đi phụ xe khách hay ở nhà làm ruộng với bố mẹ thì thật thiệt thòi cho em, và cũng thiệt cho cả chính chúng ta”. Rồi thầy còn cho biết thêm: "Nếu em được tiếp tục học, rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng của thầy thì nhà trường sẽ miễn cho em toàn bộ học phí”.

Mong rằng các cơ quan ban ngành đừng "ban" cho em những hình phạt hà khắc, đừng đẩy em vào ngõ cụt. Nếu không thì sẽ không còn ai dám đứng lên chống tiêu cực nữa, nhất là trong giới học sinh, sinh viên. Mong rằng những người làm giáo dục từ địa phương đến Trung ương cần có hướng xử lý khéo léo để những người chống tiêu cực không lâm vào thế đơn phương. Nặng hơn nữa, đừng để kẻ tiêu cực thoát tội, người chống tiêu cực bị chịu tội.

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

 

(Theo: Giaoduc)