Nửa học kỳ I của năm học mới 2014-2015 đã đi qua. Tính đến thời điểm này, cũng gần 2 tháng kể từ khi Thông tư 30 ban hành quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học chính thức được thực hiện, sau thời gian đầu còn bỡ ngỡ và nhiều khó khăn, giáo viên tiểu học cũng dần quen với cách làm mới.

Giờ đây, việc ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục là một vấn đề được nhiều giáo viên tiểu học quan tâm và trăn trở nhất. Chính vì vậy, trên nhiều diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, các thầy cô chia sẻ cho nhau gợi ý ghi nhận xét vào sổ theo dõi.

Một giáo viên dạy lớp 3 có chia sẻ nhận xét đối với một số học sinh như sau: Đối với em A, cô ghi “Nắm chắc cấu tạo của bài văn kể về gia đình; chữ viết đều, rõ ràng. Giải toán còn chậm. Nhắc nhở tác phong làm bài. Biết giữ lời hứa. Tích cực học tập, tự tin, cởi mở, thân thiện với bạn bè. Trung thực, kỉ luật, có ý thức giữ gìn vệ sinh trong lớp, vệ sinh cá nhân”.

Một số gợi ý nhận xét học sinh tiểu học dành cho giáo viên

Một số nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục được các thầy cô chia sẻ.

Hay với học sinh D., cô lại có lời nhận xét: “Đọc to, rõ ràng. Hướng dẫn viết đúng những chữ có âm đầu s/x. Hướng dẫn cách thực hiện phép tính cộng trừ có nhớ. Ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ; nhắc em về chuẩn bị đồ dùng sách vở đầy đủ. Tích cực tham gia các hoạt động giáo dục. Nhắc em ý thức giữ vệ sinh chung”.

Đối với môn thể dục, một môn học đặc thù diễn ra ngoài lớp học, việc ghi nhận xét vào sổ theo dõi khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn. Vì thế, nhiều giáo viên “kêu cứu” đồng nghiệp có nhận xét thì cho tham khảo. Một số nhận xét môn thể dục như sau:

“Biết thực hiện 5 động tác vươn thở, tay, chân, lườn, bụng/ Biết cách chơi và thực hiện theo yêu cầu của trò chơi / Biết thực hiện 5 động tác đã học/ Bước đầu biết thực hiện động tác toàn thân, nhảy/ Chưa thực hiện được động tác nhảy, cần cố gắng thêm/ Bước đầu biết cách chơi và tham gia chơi được….”

Một số môn như đạo đức, thủ công, địa lý, lịch sử… cũng trong tình trạng tương tự như thể dục. Không chỉ với các môn học, đối với nhận xét vào sổ chủ nhiệm, nhận xét về năng lực và phẩm chất học sinh để không trùng lặp cũng không phải việc dễ dàng. Một giáo viên có chia sẻ một loạt gợi ý như sau:

Về năng lực có “Tự phục vụ, tự quản: biết vệ sinh thân thể, ăn, mặc hợp vệ sinh; biết chuẩn bị đồ dùng học tập ở lớp, ở nhà; biết làm các việc theo yêu cầu của giáo viên; chấp hành nội quy lớp học. Giao tiếp, hợp tác: Mạnh dạn khi giao tiếp; Trình bày rõ ràng, ngắn gọn, nói đúng nội dung cần trao đổi, ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng…”

Về phẩm chất như “Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục (Đi học đều, đúng giờ, thường xuyên trao đổi nội dung học tập; Tích cực tham gia và vận động các bạn cùng tham gia giữ gìn vệ sinh, làm đẹp trường lớp, nơi ở và nơi công cộng…); Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm (Nhận làm việc vừa sức mình, sẵn sàng nhận lỗi khi làm sai, Tự chịu trách nhiệm về các việc làm, không đổ lỗi cho người khác khi mình làm chưa đúng…)

Gặp khó khăn trong việc ghi nhận xét vào sổ theo dõi, giáo viên tìm kiếm sự trợ giúp từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Theo đó, nhiều bí quyết cũng được truyền qua cho nhau như “lấy mục tiêu ở sách giáo viên ra mà làm”, “dựa vào sổ hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng”.

Với những nhận xét tham khảo, những gợi ý mà đồng nghiệp chia sẻ, các thầy cô sẽ tiết kiệm được thời gian hơn trong việc suy nghĩ và ghi lời nhận xét, không còn áp lực như thời điểm đầu đón nhận Thông tư 30 nữa.

Chia sẻ để cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ vì sự tiến bộ của học sinh là điều cần thiết trong giáo dục, nhất là khi việc thực hiện một quy định mới ban đầu bao giờ cũng nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng lời nhận xét này sẽ dẫn đến những lời nhận xét theo khuôn mẫu, lặp lại giống nhau. Giáo viên chỉ làm thao tác cắt - dán - ghép lời nhận xét.

Vì thế, giáo viên nên cân nhắc lựa chọn lời nhận xét sao cho phù hợp với từng học sinh của mình, đừng biến những lời nhận xét trở nên khô khan, vô cảm, vào ai cũng đúng không lo bị sai.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam, tin gốc: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dung-de-loi-nhan-xet-vao-hoc-sinh-nao-cung-dung-khong-sai-post152908.gd