Tin liên quan:

>> Đáp án đề thi đại học môn Văn khối D

>> Đáp án đề thi đại học môn Văn khối C


Sáng nay (9/7), thí sinh khối B, C, D kết thúc môn đầu tiên. Đề Sinh tương đối dễ trong khi đề Văn khá thú vị với câu nghị luận về thảm họa mê muội thần tượng và kẻ cơ hội - người chân chính.

Môn Văn: Đề thi thú vị

10h sáng nay, thí sinh khối C, D đã nhẹ nhàng vượt qua môn Ngữ văn. Trong phần thi nghị luận, nếu như đề thi khối D đưa đến một chủ đề rất nóng là sự hâm mộ cuồng nhiệt các thần tượng trong giới trẻ thì khối C lại nghiêng về triết lý kẻ cơ hội - người chân chính, thành tích - thành tựu.

 

https://kenhtuyensinh.vn/images/2012/07/dethimontoankhoia1.jpg

 

Cụ thể, câu nghị luận của khối D: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên".

Câu nghị luận khối C: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên thành tựu. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên".

Những câu hỏi này được thí sinh đánh giá là rất thú vị, thiết thực với đời sống của giới trẻ.

Với khối D, câu nghị luận xã hội trong đề tuy là một vấn đề đang nóng nhưng không gây nhiều bất ngờ cho các thí sinh. Thí sinh dự thi tại Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Kim Ngân cho biết em làm tốt câu này vì đã đọc nhiều bài báo viết về vấn đề này nên có khá nhiều dẫn chứng.

“Em đồng tình với quan điểm mà đề đưa ra, việc thần tượng một hình mẫu nào đó là một điều tốt nếu như chọn đúng đối tượng và yêu mến một cách tỉnh táo” - Ngân chia sẻ.

Thí sinh Hoàng Thiên Nguyệt đến từ tỉnh Khánh Hòa cũng tỏ ra tự tin vì “đã được thầy ôn rất kĩ câu này”. Thiên Nguyệt cho rằng đề thi dễ và tự tin rằng mình hoàn thành tốt. Ở câu nghị luận văn học, Nguyệt chọn theo chương trình chuẩn vì cho rằng đề này “chất” hơn và dễ gây ấn tượng nếu viết tốt.

Với khối C, tại Hà Nội, thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi ở Hội đồng thi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia) sau 2/3 thời gian quy định, bạn Trần Phương Thảo, THPT Trương Định, Hà Nội, thi khối C, cho biết: "Đề thi trung bình, em làm 8 trang giấy, dự đoán được khoảng trên 7 điểm. Câu ba tự chọn về Đây thôn Vĩ Dạ hoạc Rừng xà nu, em chọn làm Rừng xà nu. Câu 2 nghị luận em làm không dài lắm, hy vọng sẽ đỗ vào khoa Văn học".

"Câu nghị luận xã hội môn Văn nói về thành công, đại ý là: kẻ cơ hội thì nôn nóng đạt được thành tích còn người chân chính thì kiên nhẫn đạt được thành tựu. Em triển khai câu này theo dạng diễn giải, nói về những kẻ chuyên dùng thủ đoạn thì không đạt được thành công dài lâu. Em là một trong những thí sinh đầu tiên ra khỏi trường thi, cảm thấy viết 8 trang là đủ nên giờ em về chỗ trọ nghỉ ngơi. Chiều còn thi môn khác. Trong ba môn em lo nhất là Văn, môn Sử thì em khá tự tin" - Ngô Đăng Tuyên, thí sinh quê Thanh Hoá, thi vào khoa Xã hội học, trường ĐH KHXHNV cho biết

Nguyễn Thuỳ Trang, thi khoa Quốc tế học, ĐH KHXHNV phân tích khá kĩ: "Về câu nghị luận xã hội, em khá đồng tình với ý kiến của người ra đề về thành tích và thành tựu. Trước tiên, em giải thích câu nói, sau đó khẳng định câu nói đó là đúng và nêu biểu hiện của kẻ cơ hội và người chân chính. Tiếp đó là nguyên nhân, dẫn chứng, phương pháp khắc phục và liên hệ bản thân. Nhìn chung, đề Văn không dài, bám sát chương trình lớp 12. Trên lớp bọn em được ôn khá kĩ tác phẩm Rừng xà nu, trong phòng thi các bạn cũng tỏ ra "trúng tủ" khi đề ra vào tác phẩm này, nhưng ý hỏi về vẻ đẹp sử thi của nhân vật Tnú thì chúng em cũng khá bất ngờ vì thường được cô giáo ôn về vẻ đẹp sử thi của toàn tác phẩm và hình tượng bàn tay Tnú kĩ hơn".

"Nếu học chắc kiến thức lớp 12, em nghĩ sẽ được 7-8 điểm với đề thi môn Văn. Trong phòng thi của em có người làm được 5 trang. Riêng em không chắc chắn bài thi của mình sẽ được điểm cao vì em chỉ làm có hai trang" - Ngô Văn Thái, quê ở Đông Anh cho biết.

Tại TP.HCM, điểm thi Học viện Hành chính Quốc gia, khi mới hết 2/3 thời gian làm bài, rải rác thí sinh ở cả 2 khối C, D đã ra khỏi phòng thi. Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn khối C, thí sinh đều cho rằng đề thi không quá khó và rất thú vị.

Nhiều thí sinh gặp khó khăn ở câu 1 lý thuyết về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Lý do được các thí sinh đưa ra là do tác phẩm này không được chú ý trong quá trình ôn tập. Không nhiều bạn khẳng định điểm tối đa cho câu hỏi lý thuyết này.

Câu hỏi nghị luận xã hội về “chủ nghĩa cơ hội” được thí sinh Chu Văn Hiệp (THPT Iagrai, tỉnh Gia Lai) không hoàn toàn đồng tình: “Trong bài làm, em có nói về vấn đề của lịch sử. Thực tế đã chứng minh, có những cơ hội chỉ đến một lần và nếu không nắm bắt nó, đất nước đã chẳng có được ngày hôm nay. Theo em, thành tích và thành tựu có những điểm chung; và người chân chính không chỉ là việc kiên nhẫn chờ cơ hội đến mà phải là người biết tạo cơ hội cho mình”.

Phạm Thị Huyền (THPT Việt Thanh, quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng, đề thi cũng như câu hỏi nghị luận không đặt bạn vào thế khó. Không như Hiệp, Huyền đặt trích dẫn mệnh đề vào đời sống và nhận xét rằng câu nói đó đúng về cả mặt ngữ nghĩa và thực tế.

Trong câu 3, hầu hết các thí sinh khi được hỏi đều chọn tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Sau khi kết thúc môn Ngữ văn khối C, các thí sinh đều tỏ ra tự tin với ít nhất điểm số 5-6 cho bài làm của mình.

Môn Sinh: Đề dễ nhưng phần lý thuyết dài

Tại Hà Nội, sáng nay, sau hơn hai tiếng làm bài thi môn Sinh mở đầu cho kỳ thi đại học đợt 2 của khối B, nhiều thí sinh đến tận phút cuối mới hoàn tất bài. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Sinh năm nay dễ, không có nhiều câu mang tính đánh đố tuy nhiên phần lớn câu hỏi tập chung vào phần lý thuyết nên khiến thí sinh mất nhiều thời gian để xử lý.

Em Tào Nguyên Văn, một thí sinh từ Yên Bái dự thi vào trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đề thi năm nay phần câu hỏi lý thuyết chiếm phần lớn, bài tập ít hơn. Em làm xong bài khi thời gian chỉ còn vỏn vẹn gần 10 phút”.

Một thí sinh khác đến từ Hà Nội, em Nguyễn Chung Việt bước ra với tâm trạng thoải mái nói: “Mặc dù đề thi năm nay hơi dài, nhưng vừa sức với học sinh, không quá nâng cao mà đi sát kiến thức cơ bản, chỉ có một số câu mang tính phân loại thí sinh”.

Thí sinh Nguyễn Thị Vân đến từ Vĩnh Phúc dự thi vào khoa Điều dưỡng của trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Trong số câu hỏi, câu em thấy hay nhất trong bài thi môn Sinh học là ở phần di truyền, câu khó nhất là về di truyền toàn thể”.

Tại Hội đồng thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), thí sinh bước ra khỏi cổng trường với gương mặt tươi tắn. Dương Anh Tuấn, thí sinh đến từ Thường Tín, Hà Tây cho biết: "Đề thi tập trung vào chương trình lớp 12, có nhiều câu về tiến hoá, biến đổi gen. Đối với em đề tương đối dễ".

"Đề tương đối dễ, không dài, em chỉ mất 2/3 thời gian để hoàn thành bài thi. Em nghĩ mình được tối thiểu 6 điểm" - Nguyễn Đình Quân, quê Hải Dương, thi khoa Tài nguyên môi trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ.

Nguyễn Thị Thương, quê Nam Định thi khối B vào ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: "Trong ba môn thi em lo nhất là Sinh học, nhưng giờ cũng đỡ lo phần nào. Em dự đoán mình làm được khoảng trên 75%. Theo em, đề thi chia khá đều chương trình lớp 12, nhiều lý thuyết nhưng bài tập thì hơi khó".

"Em đã thi khối A hôm trước rồi nhưng thi thêm khối B. Môn sinh là môn em lo nhất, em làm được không nhiều, chỉ khoảng 50% nhưng lý thuyết tương đối dễ" - Nguyễn Thị Thanh, Ứng Hoà chia sẻ.

Tại TP.HCM, đa số thí sinh đều hoàn thành tốt bài thi của mình. Cũng như ở Hà Nội, các em cho rằng đề thi năm nay đi sát với kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, không vượt quá học lực của các thí sinh.

Em Nguyễn Văn Nam, thí sinh đến từ Quảng Ngãi đến dự thi tại trường ĐH khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết :“Đề thì năm nay khá vừa sức, em làm hết tất cả các câu hỏi nhưng do lý thuyết chiếm phần lớn đề thi nên em làm xong cũng chỉ thừa 15 phút”.

Thí sinh khác đến từ Cần Thơ, em Trần Mai Phương cũng chia sẻ: “Đề năm nay dài tới 7 trang, câu hỏi lý thuyết làm hết cũng mất quá nửa thời gian nên khi em làm xong hết câu bài tập cũng là lúc đến giờ giao nộp bài. Tuy hơi gấp nhưng em vẫn hoàn thành hết các câu hỏi trong đề thi”.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

 

(Theo: Infonet)