Đưa đầy đủ các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK mới

Văn bản trả lời của Thủ tướng nêu rõ, nội dung giáo dục về biển đảo (trong đó có chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) đã được đề cập trong các bài học của sách giáo khoa (SGK) hiện hành môn lịch sử và môn địa lý cấp THCS và THPT.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT thực hiện việc rà soát, bảo đảm tất cả bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Đồng thời chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường giáo dục lịch sử địa phương ở cấp THCS và cấp THPT, đưa giáo dục biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào phần giáo dục địa phương của các tỉnh, thành phố.

Đưa đầy đủ các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK mới

Hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển (nhất là các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...) đã biên soạn nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của địa phương; đã tiến hành tập huấn và giảng dạy những tài liệu này.

Cùng với đó, đưa nội dung giáo dục về biển đảo vào tài liệu hướng dẫn nhiệm vụ năm học; hướng dẫn các sở GD-ĐT tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”.

Tổ chức tập huấn cho giáo viên môn Địa lý và môn Lịch sử về nội dung và cách thức lồng ghép giáo dục biển đảo trong các môn học có liên quan; tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giáo dục biển đảo, như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo; lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Như vậy, vấn đề giáo dục về biển đảo nói chung (trong đó có vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa) hiện nay đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường. Tuy nhiên, do SGK giáo dục phổ thông được ban hành từ những năm học trước nên việc cập nhật bổ sung những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến biển đảo nói chung và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng còn chưa kịp thời.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới (theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015) một cách đầy đủ, phù hợp các nội dung giáo dục về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học lịch sử nói chung và nội dung biển đảo nói riêng; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh./.


Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dua-day-du-cac-noi-dung-giao-duc-ve-hoang-sa-truong-sa-vao-skg-moi-497001.vov