Dự thảo phương án thi, tuyển sinh 2017: Quyền lợi học sinh được ưu tiên

Việc tổ chức kỳ thi với quan điểm chung là duy trì những nội dung cơ bản, kế thừa các ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, theo thầy Nguyễn Văn Định, sẽ tạo sự ổn định về mặt tổ chức, quyền lợi của học sinh được ưu tiên, kinh phí sẽ ngày càng tiết kiệm, tính khách quan công bằng được đảm bảo.

Phương thức tổ chức cụm thi theo từng tỉnh, thành phố do Sở GD&ĐT chủ trì đồng thời cử cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ đến địa phương để phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi sẽ phát huy tính chủ động của các địa phương trong việc bố trí các điểm thi phù hợp, chọn người tham gia quá trình coi thi, chấm thi.

Dự thảo phương án thi, tuyển sinh 2017: Quyền lợi học sinh được ưu tiênDự thảo phương án thi 2017: Quyền lợi học sinh được ưu tiên

Các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ tiếp tục là môn bắt buộc và có bài thi riêng. Bài thi tự chọn không còn là 1 môn mà là tổ hợp 3 môn theo nhóm Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội sẽ làm hạn chế tối đa việc học lệch và giúp ngành Giáo dục đánh giá khá toàn diện năng lực học sinh.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng, việc phân tích kết quả sau thi có thể là vấn đề phức tạp cho các trường THPT và Sở GD&ĐT về kết quả cụ thể của mỗi môn trong tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Bên cạnh việc cần cân nhắc việc thực hiện bài thi Khoa học xã hội theo hình thức trắc nghiệm, thầy Nguyễn Văn Định thể hiện quan điểm đồng tình khi duy trì hình thức thi tự luận với môn Ngữ văn vì điều này phù hợp với đặc thù bộ môn.

Các bài thi Ngoại ngữ và các môn Khoa học tự nhiên thi theo hình thức trắc nghiệm đã thực hiện nhiều năm và đã khẳng định tính hợp lý và khách quan đồng thời phân hóa tốt năng lực học sinh. Riêng môn Toán hoàn toàn có thể chọn hình thức trắc nghiệm.

Cũng theo thầy Định, việc công bố đề thi minh họa sớm trong tháng 10 năm 2016 sẽ là căn cứ quan trọng để giáo viên và học sinh tham khảo và có đủ thời gian chuẩn bị.

Lộ trình phân bổ nội dung thi tăng dần theo từng năm là phù hợp và có tính định hướng từ xa cho học sinh.

Ngày thi rút ngắn so với các năm trước sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiều tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên cần cân nhắc thêm việc bố trí 2 môn bắt buộc là Toán và Ngoại ngữ thi cùng 1 buổi có thể tạo ra sự căng thẳng, tạo áp lực cho thí sinh.

Tiếp tục sử dụng 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 để tham gia xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ đánh giá được quá trình học của học sinh, tránh những “rủi ro” đáng tiếc đối với thí sinh.

Nhận định về phương thức tuyển sinh, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng: Các phương thức đưa ra đều có những ưu điểm riêng. Bộ GD&ĐT tiếp tục giao quyền chủ động cho các trường đại học nhưng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi có nhiều phương thức để người học lựa chọn.

Để việc tuyển sinh đảm bảo yêu cầu, các trường đại học cần sớm công bố phương thức tuyển sinh, nhất là các trường dùng kết quả thi THPT quốc gia.

 


Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/du-thao-phuong-an-thi-tuyen-sinh-2017-quyen-loi-hoc-sinh-duoc-uu-tien-2293407-v.html