Giáo dục đào tạo nghề sẽ bớt bất ổn và lãng phí?

Liên quan đến nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang trình Quốc hội xem xét nổi lên một số vấn đề, nếu không được giải quyết, có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho hệ thống.

Một hệ thống giáo dục quốc dân có thể ví như một chỉnh thể sống có tính thống nhất cao, vì vậy bất cứ sự thêm thắt cấy ghép hoặc cắt khúc ra cũng đều làm cho "cơ thể” phát triển què quặt thiếu lành mạnh.

Còn đó nguy cơ chồng chéo

Đại biểu QH Dương Trung Quốc đã rất có lý khi ông từng cảnh báo gần 10 năm trước về sự "cạnh tranh không lành mạnh…” của hai cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT, là Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH. Giờ đây việc tách dạy nghề để điều chỉnh bằng một bộ luật riêng có tên là Luật Giáo dục nghề nghiệp nếu vẫn giao cho hai Bộ quản lý,  thực chất vẫn sẽ phá vỡ tính hệ thống của Luật Giáo dục, tạo ra những phức tạp trong việc vận hành hệ thống giáo dục tổng thể.  Ai dám bảo GD&ĐT không đào tạo nghề nghiệp?

Sự chồng chéo và rối loạn trong quản lý sẽ khó chấm dứt đươc khi Luật GDNN được thông qua với những nội dung trình Quốc hội. Một cơ sở đào tạo tại địa phương nếu đào tạo đa cấp đa ngành vẫn phải qua nhiều "cửa” cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương để thực hiện các thủ tục, quy định hành chính, lãng phí nguồn lực vô cùng lớn.

Giáo dục đào tạo nghề sẽ bớt bất ổn và lãng phí?

Đốt đuốc cũng không tìm ra học sinh học nghề

Đào tạo liên thông tiếp tục gặp khó khăn không tháo gỡ nổi. Bởi điều kiện để liên thông giữa các trình độ hoặc giữa các chương trình đào tạo phải có kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng, để đảm bảo văn bằng/ chứng chỉ đúng giá trị. Song mỗi Bộ có cơ quan kiểm định riêng. Việc đánh giá chính xác chất lượng để hướng dẫn, quy định cho các trường thuộc hệ thống GDNN sang hệ thống GD&ĐT (hay ngược lại) không thực hiện được. Nói như GS. Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, thì "Một bên chơi cờ vua, bên kia chơi cờ tướng”…

Cạnh tranh quản lý

Điều đáng phải suy nghĩ là trong khi các doanh nghiệp xoay sở để phát triển sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh để giành thị phần trên thương trường quốc tế, thì ngay trong bộ máy hành chính lại có những chuyện "giành sân” quản lý như đã nêu, đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính.

Để có một bộ luật thực sự đi vào cuộc sống, cần phải có những nghiên cứu đánh giá thật khách quan những mặt làm được và chưa làm được, những vấn đề cần tháo gỡ bằng luật pháp. Đánh giá công tác dạy nghề và GDNN cũng không chỉ ở các con số quy mô mà thiếu đánh giá chất lượng, những bất cập trong quản lý hệ thống... Bộ LĐTB&XH dường như né tránh trong Dự thảo những vấn đề phức tạp, nhạy cảm đó.

Còn cần phải đánh giá trách nhiệm và giải trình trước Quốc hội về ngân sách mà Bộ LĐTB&XH đã sử dụng, kết quả cũng như những tác động mà ngành lao động mang lại cho xã hội. Mấy năm trở lại đây mỗi năm ngân sách bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mà con số thực học nghề bao nhiêu vẫn chưa có thống kê tin cậy. Nói như nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hằng tại một hội thảo năm ngoái 2013 là "đốt đuốc cũng không tìm ra học sinh học nghề”.

Chỉ khi thống nhất cách tính về trình độ dân số trong độ tuổi lao động, áp khung trình độ quốc gia theo chuẩn quốc tế, mới có được một "thống kê sạch”, để biết và so sánh ta với người và quan trọng hơn, có được định hướng chính sách đào tạo nhân lực đúng đắn.

Cũng đáng suy nghĩ là trong khi nợ công của chúng ta có nhiều nguy cơ, đồng tiền ngân sách chi tiêu không hiệu quả cho dạy nghề, nguồn nhân lực của đất nước gần 100 triệu dân nếu không có chiến lược dạy nghề khôn ngoan, tập trung nguồn lực đào tạo, huy động doanh nghiệp đào tạo nghề thì sự lãng phí này rất có thể vượt qua tất cả mọi sự lãng phí ngân sách công.

Theo Báo Đại đoàn kết, tin gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=93234&menu=1423&style=1