Sinh viên nước ngoài cũng có yêu cầu nhập học giống như sinh viên Na Uy. Những yêu cầu này tùy thuộc vào từng quốc gia mà ở đó sinh viên tốt nghiệp chương trình nào. Với sinh viên Việt Nam, tối thiểu phải tốt nghiệp THPT. Thêm vào đó, những yêu cầu khác phụ thuộc vào chuyên ngành mà sinh viên chọn học. Đó có thể là một số kỹ năng hoặc kinh nghiệm làm việc cần thiết để ghi danh. Sinh viên đăng ký học thạc sĩ phải tốt nghiệp ĐH.

Hệ thống giáo dục bậc cao tại Na Uy

Hệ thống giáo dục của Na Uy bao gồm sáu trường ĐH, sáu ĐH chuyên ngành, 25 trường CĐ và hai viện nghệ thuật quốc gia và 29 trường tư thục.

Sáu trường ĐH Na Uy gồm: ĐH Oslo (trường rộng nhất và lâu đời nhất), ĐH Bergen, ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy - NTNU (ở Trondheim), ĐH Tromso, ĐH Stavanger và ĐH Khoa học Đời sống - UMB (ở As).

Sáu viện ĐH chuyên ngành: Học viện Kinh tế và Quản trị kinh doanh Na Uy (ở Bergen), Nhạc viện Na Uy, Học viện Thể dục thể thao Na Uy, Học viện Khoa học Thú y Na Uy, Học viện Tôn giáo Na Uy (MF) và Học viện Kiến trúc và Thiết kế Oslo.

Hai viện nghệ thuật quốc gia nằm ở Oslo và Bergen.

Ngoài ra, 26 trường CĐ còn đào tạo nhiều chương trình nghề trong khi các trường ĐH không có. Những chương trình này thường 2-4 năm. Nhiều trường CĐ cũng cung cấp các khóa ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ.

Học bổng du học Na Uy các bậc trung học, đại học, thạc sĩ..

Đã có khoảng 10.000 sinh viên từ khắp thế giới du học bậc cao tại Na Uy.

Du học sinh được thiết kế chương trình riêng và không cần thẻ cư trú

* Chương trình ĐH: Đây là chương trình kéo dài trong vòng 3,5 năm đối với các ngành toán và khoa học tự nhiên, bốn năm đối với các ngành về nghệ thuật và khoa học xã hội. Du học sinh muốn đăng ký theo học chương trình ĐH tại Na Uy cần phải tốt nghiệp chương trình giáo dục đại cương tương đương với chương trình THPT tại Na Uy, khả năng tiếng Anh hoặc tiếng Na Uy tốt (vì các trường ĐH Na Uy giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Na Uy), TOEFL 500/IELTS 5.0. Các văn bằng du học sinh được cấp sau khi tốt nghiệp chương trình ĐH: Cand.mag Degree tương đương với bằng cử nhân (Bachelor’s Degree); specialized Hứgskolekandidat degrees tương đương với bằng cử nhân danh dự.

* Chương trình thạc sĩ: Chương trình này kéo dài 1,5-2 năm sau khi tốt nghiệp ĐH. Du học sinh phải có bằng cử nhân đúng chuyên ngành, khả năng tiếng Anh TOEFL 550/IELTS 6.0 trở lên, một số ngành quản trị đòi hỏi du học sinh phải có kinh nghiệm làm việc 1-2 năm. Các văn bằng được cấp: Candidatus/Candidata (Cand.) kèm theo sau là tên lĩnh vực mình học, ví dụ như ngành y thì được cấp bằng Candidatus Medicinae (Cand.Med); lĩnh vực âm nhạc là Candidatus Musicae (Cand.Musicae)… Chương trình thạc sĩ được đào tạo tại hầu hết các trường ĐH, CĐ-ĐH, một số trường CĐ công lập và tư thục.

* Chương trình tiến sĩ: Chương trình này kéo dài trong vòng ba năm sau khi du học sinh đã có bằng thạc sĩ (trừ ngành kinh tế học hai năm) và đều đào tạo theo hình thức nghiên cứu. Bằng cấp được gọi tên bằng Doctor và theo sau là tên lĩnh vực học tập, ví dụ Dr.Scient (Khoa học tự nhiên); Dr.Art (Nhân văn); Dr.Polit (Khoa học xã hội); Dr.ing (Kỹ sư); Dr.Juris (Luật)… Chương trình tiến sĩ là một chương trình chung nhất mà học sinh có thể theo học ở tất cả lĩnh vực mà không cần phải là một khóa học cụ thể nào. Chương trình này được đào tạo tại các trường ĐH, CĐ-ĐH, một số trường CĐ công lập và tư thục.

Ở Na Uy có một tổ chức chuyên giám sát nhằm đảm bảo chất lượng về giáo dục được gọi tắt là NOKUT. Tổ chức này là một tổ chức thuộc chính phủ nhưng mang tính độc lập. Thông qua các đánh giá, thẩm định và công nhận chất lượng giáo dục trong các trường, viện, mục đích của tổ chức NOKUT là giám sát nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và giúp hệ thống giáo dục phát triển ở Na Uy.

Các cơ sở giáo dục bậc cao tại Na Uy luôn chào đón học sinh, sinh viên đến từ các nước trên thế giới và đã có khoảng 10.000 sinh viên ghi danh tại bậc học này. Ngành học phong phú, đa dạng cho sinh viên nhiều lựa chọn từ bậc cử nhân đến sau ĐH. Đặc biệt còn có một số trường thiết kế các chương trình dành riêng cho sinh viên nước ngoài. Các chương trình này dạy bằng tiếng Anh và không yêu cầu thẻ cư trú.

Thu phí những chương trình giáo dục đặc biệt

Các cơ sở giáo dục bậc cao tại Na Uy không thu học phí, tuy nhiên vẫn có một số chương trình chuyên ngành, chương trình giáo dục đặc biệt và một số trường tư có thu học phí. Sinh viên du học tự túc phải có sổ tiết kiệm tối thiểu là 80.000 NOK (khoảng 298 triệu đồng) cho mỗi năm học tại Na Uy.

Tiền ăn ở tùy thuộc vào loại hình nhà ở và từng vùng mà học sinh ở (học sinh sẽ trả tiền theo báo giá của trường hoặc chủ nhà nơi mà học sinh sẽ ở. Tuy nhiên, các bạn có thể tham khảo giá bình quân như sau:

+ Tiền ăn, ở, sách vở và đi lại: 700-1.100 USD (tương đương 15-23 triệu đồng/tháng).

+ Học sinh phải có tài khoản 80.000 NOK (khoảng 235 triệu đồng) tại ngân hàng Na Uy để được cấp visa.

Ngoài ra, một số trường CĐ công lập và ĐH tại Vương quốc Na Uy hằng năm thường có các suất học bổng Norad Fellowship Scholarship cho các học sinh theo học chương trình lấy chứng chỉ sau ĐH và bằng thạc sĩ, học bổng trị giá 8.000 NOK (khoảng 23 triệu đồng) tiền ăn ở, sách vở, đi lại và 4.000 NOK (gần 12 triệu đồng) tiền chi tiêu thêm/tháng.


Theo Báo Pháp luật Tp.HCM, tin gốc: http://plo.vn/giao-duc/du-hoc/du-hoc-mien-phi-o-na-uy-507938.html