Đây là năm đầu tiên thí sinh làm bài thi môn toán theo hình thức trắc nghiệm. Và cả thí sinh, giáo viên đều hồi hộp chờ đề thi toán.

Không tránh khỏi bỡ ngỡ

Theo thầy Nguyễn Duy Linh - giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM), do là năm đầu tiên thi trắc nghiệm toán, đề thi sẽ trải rộng toàn bộ chương trình nên dù học sinh có được ôn tập, được thầy cô dặn dò kỹ càng đến đâu cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ.
Thầy Linh nói: “Tôi mong đề toán sẽ ra tương tự đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố hồi tháng 5. Vì đề thi này được xem là vừa sức với thí sinh, có thể phân loại thí sinh rất tốt. Như vậy đề thi sẽ đạt được mục tiêu 2 trong 1 của kỳ thi”.
Cũng theo thầy Linh, điều đáng lo nhất trong kỳ thi năm nay là một số em quá phụ thuộc vào máy tính cầm tay trong quá trình giải toán. Nếu đề thi chính thức tương tự như đề minh họa thì số câu hỏi có thể dùng máy tính không nhiều, những em không hiểu bài, học vẹt sẽ khó có điểm cao.
Cô Nguyễn Thị Kim Tuyết - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM - cũng cho rằng hiện nay nhiều học sinh có quan niệm sai lầm: giải đề toán trắc nghiệm phải dùng máy tính mới làm nhanh được; không cần phải học bài, hiểu bài, chỉ cần biết thủ thuật là giải được.
Cô Tuyết nói: “Tôi đã lưu ý học sinh: theo Bộ GD-ĐT, đề thi sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các câu hỏi giải bằng máy tính. Như đề thi mẫu mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây: những câu hỏi về tích phân, nếu dùng máy tính thì giải còn mất thời gian nhiều hơn giải theo cách thông thường. Vì vậy, các em đừng coi máy tính cầm tay là điểm tựa khi làm đề thi trắc nghiệm”.


dự đoán tính chất đề thi toán thpt


“Vẫn ảnh hưởng cách làm tự luận”


Trong khi đó, N.D. - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - lo lắng tâm sự: “Em lo nhất là môn toán. Mặc dù thầy cô đã ôn cho tụi em rất kỹ, các phương pháp làm đề trắc nghiệm em cũng nắm kỹ; nhưng khi giải thử các đề thi mẫu em vẫn làm không kịp thời gian. Đó là vì em vẫn còn ảnh hưởng bởi cách làm bài tự luận. Nếu tụi em được làm quen đề trắc nghiệm như môn lý, hóa từ năm lớp 10 có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Còn Nguyễn Phú Thiện - Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - chia sẻ: “Em sợ nhất là phần tích phân hay cho dạng vận dụng chứ không cho dạng cơ bản. Phần này trong 3 bộ đề thử nghiệm của Bộ GD-ĐT em và rất nhiều bạn trong lớp không làm được”.
Tương tự, Văn Đình Vĩnh Phước, lớp A17 Trường THPT Phú Nhuận, cũng bày tỏ sự lo lắng về bài tích phân. “Hầu hết các bài đều phải giải bằng tay, chứ không thể dùng máy tính nên tốn rất nhiều thời gian. Ngoài ra, các dạng bài cũng khá đa dạng” - Phước nói.


Cảnh giác với thiết bị thông minh

Tại Hà Nội, sáng 21-6, trong các buổi tập huấn chung cho giám thị coi thi, phổ biến quy chế thi cho thí sinh, lãnh đạo nhiều điểm thi và các giám thị đã dành khá nhiều thời gian trao đổi về những thiết bị tinh vi được dùng cho mục đích gian lận thi cử.

Trước buổi thí sinh làm thủ tục dự thi, Ban chỉ đạo thi TP đã có văn bản gửi cho từng trưởng điểm thi, thông báo cảnh báo của Công an Hà Nội về việc xuất hiện những thiết bị phát tín hiệu được rao bán trên thị trường. Cách nhận dạng, phát hiện các thiết bị tinh vi nói trên đã được các trưởng điểm thi phổ biến trong buổi tập huấn nói trên cho giám thị.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - trưởng điểm thi THPT Thạch Bàn, Q.Long Biên, Hà Nội - cho biết: “Tuy đã phổ biến kỹ cho giám thị nhưng chúng tôi vẫn lo lắng. Vì những thiết bị gian lận quá đa dạng, mỗi năm lại phát sinh dạng mới nên rất dễ sót lọt như đồng hồ có chức năng thu phát tín hiệu, soạn thảo văn bản, tai nghe siêu nhỏ...”.


Nghiêm túc nhưng không gây áp lực cho thí sinh


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhắc nhở như vậy trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chiều 21-6.

Ông Nhạ đề nghị phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi ở tất cả các khâu của kỳ thi. Tuy nhiên phải tạo được không khí thoải mái cho thí sinh để các em tự tin làm bài, tránh tình trạng quá nghiêm túc đến mức tạo áp lực tâm lý căng thẳng không đáng có đối với thí sinh. Ngoài ra, ông Nhạ cũng lưu ý phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thầy cô giám thị là giảng viên các trường ĐH và giáo viên các trường THPT trong kỳ thi. (TRẦN HUỲNH)


Theo báo Tuổi trẻ.