Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOCTI LE CHOI

Tin liên quan:

 

Danh sách các trường vi phạm tuyển sinh

>> Lý giải chuyện thu tiền mà ko có hóa đơn của ĐH Sư phạm Hà Nội

>>> Trường thu chi không minh bạch

 

“Tôi đóng 1 triệu đồng lệ phí thực tập nhưng hầu như chẳng được thực tập gì cả” - V.M., sinh viên Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM, nói. Hơn 300 sinh viên trường này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Dong tien hat de thuc tap ao, Cao dang nghe hang hai Tp.HCM, tuyen sinh 2012, thong tin tuyen sinh, thuc tap, le phi thuc tap, goay gioi thieu, bao cao thuc tap

Sinh viên Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM trong đợt thực tập từ tháng 4-2011. Suốt bốn tháng, hầu như sinh viên chẳng được thực hành gì - Ảnh: CTV

 

Trở thành thuyền trưởng, được lái những con tàu đi khắp đại dương là mơ ước từ nhỏ của sinh viên M. (khóa 2008) Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM. Cuối tháng 4-2011, sau hơn hai năm học tại trường, M. và các bạn cùng khóa bước vào giai đoạn được mong đợi nhất: thực tập tốt nghiệp. Nhưng M. thật sự... vỡ mộng!

Đến tàu nghe giảng lý thuyết

Điểm tiếp cận thực tế của những lái tàu, thợ máy tương lai là trên một con tàu tại Q.7, TP.HCM. “Trái ngược với cảm giác háo hức của chúng tôi, con tàu quá cũ kỹ và không còn hoạt động được. Gần bốn tháng, tôi và các bạn mỗi tuần đến tàu một lần và hầu như chỉ nghe thầy giảng... lý thuyết” - M. thất vọng nói.

 

Gần cuối đợt thực tập, Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM thông báo mỗi sinh viên phải đóng 1 triệu đồng lệ phí thực tập. Nhà trường cho biết khoản tiền này dùng để trả chi phí nhiên liệu, bến bãi... thuê tàu khác cho sinh viên. “Sau khi đóng lệ phí, mỗi nhóm được giáo viên hướng dẫn đưa lên tàu chở luân phiên đến Vũng Tàu, vòng về trong một buổi và... kết thúc thực tập. Gần ba năm ở trường tôi chỉ được học lý thuyết, học lái tàu mô phỏng. Cứ nghĩ kỳ thực tập sẽ được cầm lái nhưng cũng chẳng khá hơn. Thú thật, giờ ra trường tôi cũng không dám điều khiển một con tàu dù cỡ nhỏ” - M. tâm tư.

 

Bi đát hơn, trên 100 sinh viên lớp công nghệ thông tin, kế toán Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đào tạo tại Bình Dương (khóa 2008-2011) dù đóng tiền cho nhà trường vẫn không tìm được nơi thực tập tốt nghiệp. Năm học trước, các lớp này được điểm đào tạo tại Bình Dương thông báo đóng 900.000 đồng để trường giới thiệu nơi tiếp nhận sinh viên thực tập. Ông Nguyễn Tấn Duy - trưởng điểm đào tạo tại Bình Dương - giải thích: “Số tiền này vừa là lệ phí ôn thi tốt nghiệp vừa là lệ phí thực tập như dùng để chi cho giáo viên liên hệ nơi tốt nghiệp, chi cho doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên...”.

 

Oái oăm thay, sau khi đã đóng tiền, sinh viên vẫn phải “tự bơi” trong việc liên hệ chỗ thực tập. “Đóng tiền nhưng tôi và nhiều bạn cầm giấy giới thiệu đi khắp nơi không nơi nào nhận. Hết thời hạn hai tháng, chúng tôi vẫn không biết thực tập là gì” - một sinh viên bức xúc.

“Như thế là đạt rồi”

Về việc bố trí sinh viên thực tập trên con tàu hư hỏng và thời lượng “lên tàu” quá ít, ông Trần Văn Giáp - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM - giải thích: “Thời điểm đó, sinh viên đi xin thực tập bên ngoài nhưng nhiều nơi từ chối nên trường đưa các em về. Trường không thu tiền các em khi thực tập ở tàu này. Tàu không chạy được nên chúng tôi thuê một con tàu của đơn vị khác. Khoản tiền 1 triệu đồng bao gồm tiền xăng dầu, bến bãi, thù lao giáo viên... Sinh viên được đi một buổi như vậy là cố gắng lắm rồi. Trong quá trình học, nhà trường cũng có phòng mô phỏng cho sinh viên thực hành. Tôi nghĩ thực tập, thực hành như thế là đạt yêu cầu rồi” (?).

 

Trong khi đó, ông Trần Viết Phú - phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - khẳng định không hề hay biết chuyện thu lệ phí thực tập của sinh viên điểm đào tạo ở Bình Dương.

 

Ông Phú nói: “Trường không có chủ trương thu lệ phí thực tập của sinh viên. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu sinh viên đã đóng tiền mà không được thực tập, sẽ yêu cầu trả lại tiền cho các em”. Cũng theo ông Phú, một số nghề như kế toán, tin học sinh viên không tự liên hệ được nơi thực tập thì phải đóng một số khoản tiền (từ 500.000-800.000 đồng) để trường giới thiệu. “Công ty thu nhiều thì mình phải đóng nhiều. Ngoài ra còn chi phí cho giáo viên để hướng dẫn” - ông Phú nói.

 

Chuyện “tự ý thu tiền của sinh viên” được ông Nguyễn Tấn Duy giải thích sau khi Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM ngừng chương trình hợp tác (năm 2011), phía Bình Dương phải tự tổ chức cho sinh viên đi thực tập. Ông Duy nói: “Chúng tôi thu 900.000 đồng lệ phí để sinh viên đạt kết quả tốt nghiệp cao”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều sinh viên không hề được giới thiệu nơi thực tập như cam kết của điểm đào tạo ở Bình Dương khi thu tiền. Chỉ có một số ít sinh viên trong số này tự tìm được chỗ thực tập dù vẫn đóng tiền “giới thiệu” cho trường...

 

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: tuoitre)