Nhiều địa phương đồng tình chọn phương án 1 cho một kỳ thi chung

Trong ba phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, nhiều địa phương bày tỏ quan điểm Bộ nên chọn phương án 1 trong năm 2015 và về lâu dài có thể áp dụng phương án 2.

Ba phương án đổi mới thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra sáng nay, ngày 29/7, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, nhằm lấy ý kiến các địa phương để triển khai áp dụng ngay năm 2015.

Cụ thể, phương án 1 sẽ có 8 môn thi gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Tổ chức thi trong 4 ngày. Học sinh thi bắt buộc môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và được tự chọn thêm một môn trong số 5 môn còn lại.

Phương án 2 tích hợp 8 môn học trên với nhau thành 5 bài, thi trong 2,5 ngày, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Mỗi thí sinh thi bắt buộc ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và tự chọn thêm một trong hai môn còn lại.

Phương án 3 tích hợp triệt để hơn nữa các môn học phổ thông trong 4 bài thi Toán–Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ. Thời gian thi là 2 ngày. Thí sinh thi bắt buộc cả 4 môn.

Nhiều địa phương đồng tình chọn phương án 1 cho một kỳ thi chung

Nhiều địa phương đồng tình chọn phương án 1 cho một kỳ thi chung

Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, cho biết, bà nghiêng về phương án 1.
Phương án 2 và 3 thi tích hợp các môn, e là học sinh miền núi chưa tiếp cận được, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong hướng dẫn học sinh,” bà Việt phân tích.

Cũng theo vị Phó chủ tịch tỉnh Tuyên Quang này, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giữ kỳ thi như năm 2014 để tránh học sinh phải thay đổi quá nhiều. Mặt khác, với thi tích hợp nhiều môn, việc chấm thi cũng rất phức tạp khi cùng một bài thi nhưng có nhiều giáo viên của nhiều môn khác nhau cùng chấm.

Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cần Thơ, ông Trần Trọng Khiếm cũng cho rằng Bộ nên chọn phương án 1 vì sẽ đảm bảo giúp học sinh giảm áp lực thi cử khi chỉ phải thi 4 môn.

Với phương án này, giáo viên và cơ sở vật chất có thể đáp ứng được trong giảng dạy, tâm lý học sinh và phụ huynh cũng không có xáo trộn lớn. Về lâu dài có thể tính đến phương án 2 nhưng ba năm tới nên thực hiện phương án 1,” ông Khiêm kiến nghị.

Nên chọn phương án 1 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 cũng là kiến nghị của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thanh Đức. Thừa nhận phương án 2 là đổi mới triệt để hơn nhưng ông Đức cho rằng nếu áp dụng ngay phương án này năm 2015 sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh vì các em không kịp thích nghi. Các trường học cũng chưa triển khai dạy tích hợp.

“Theo tôi, năm 2015 nên để phương án 1. Phương án 2 có thể thực hiện từ năm 2016 và năm 2020 có thể triển khai phương án 3,” ông Đức nói.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho rằng áp dụng phương án 2 từ năm 2016 sẽ giúp học sinh và giáo viên có sự chuẩn bị tốt hơn là tổ chức ngay từ năm 2015. “Riêng phương án 3 tích hợp rất nhiều môn thì cần phải thực hiện cẩn trọng hơn nữa, chuẩn bị chu đáo hơn nữa,” ông Sơn nói.

Còn theo ôg Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, dù khẳng định nghiêng về phương án 2 nhiều hơn, nhưng ông Long cũng cho rằng, nếu tổ chức thi theo phương án này thì phải bắt đầu từ 2016.

Bộ Giáo dục phân tích 3 phương án tổ chức kỳ thi chung

Phương án 1, với việc thi theo môn, Bộ GD-ĐT đưa ra khá nhiều ưu điểm so với phương án 2 và 3. Cụ thể, Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29 T.Ư; tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau cấp THPT; giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường.

Ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý với giáo viên, học sinh nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự kỳ thi, việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng.

Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Khó khăn, hạn chế: Kỳ thi diễn ra trong 4 ngày (8 buổi thi) nên công việc của giáo viên nhiều hơn, chi phí tổ chức kỳ thi sẽ tăng thêm.

Có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.

Phương án 2, Bộ GD-ĐT nêu ưu điểm:

Với 2,5 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi; mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1; hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Về khó khăn, hạn chế của phương án này, theo Bộ GD-ĐT: Việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh.

Nếu thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.

Việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài thi khoa học tự nhiên gồm giáo viên của 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cùng chấm; bài thi khoa học xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, Địa lí cùng chấm.

Thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ tốt cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ là khó khăn hơn.

Phương án 3: Ưu điểm mà Bộ GD-ĐT đưa ra, đó là: với 2 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi; mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1. Hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước dây.

Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế của phương án này cũng được Bộ GD-ĐT tiên lượng khá nhiều. Đó là việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Nếu được thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên thì mới có thể tổ chức tốt kỳ thi.

Việc chấm bài thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài thi khoa học tự nhiên gồm giáo viên của 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cùng chấm; bài thi khoa học xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, Địa lí cùng chấm.

Thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ tốt cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ là khó khăn hơn.

Sử dụng 11 môn thi để tổng hợp thành 4 bài thi gây áp lực, căng thẳng cho học sinh vì học sinh phải học và ôn tập nhiều môn thi.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: bên cạnh những đánh giá chủ quan của mình, Bộ GD-ĐT mong nhận được các ý kiến thảo luận góp ý của các chuyên gia, các cơ sở GD-ĐT và của toàn xã hội. Trên cơ sở đó, hoàn thiện phương án và nếu nhận được sự đồng thuận cao thì sẽ công bố phương án tổ chức thi chính thức trong tháng 9 năm 2014 để triển khai áp dụng từ năm 2015.

Tổng hợp VN+, Thanh niên